Chủ nhật 03/11/2024 02:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội: Công trình công cộng “đánh đố” người khuyết tật

19:35 | 03/07/2020

(Xây dựng) – Không gian công cộng cho mọi người, trong đó có người khuyết tật đang là vấn đề cần được quan tâm trong xu hướng đô thị hóa ngày càng phát triển. Thực tế hiện nay, việc thiết kế công trình để người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng vẫn đang là một bài toán cần có lời giải, bởi hầu hết các công trình rất khó sử dụng, thậm chí không thể sử dụng vì thiết kế, xây dựng… chưa hợp lý.

ha noi cong trinh cong cong danh do nguoi khuyet tat
Nhiều làn đường được xây dựng dành riêng cho người khiếm thị, nhưng người khiếm thị lại không thể sử dụng.

Rào cản trong việc tiếp cận

Luật Người khuyết tật, các nghị định và cụ thể là Thông tư 21/2014 do Bộ Xây dựng ban hành đều quy định, các công trình phải đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận. Hướng dẫn chi tiết thiết kế, xây dựng có QCVN 10:2014/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Quy chuẩn này được phát triển và kiện toàn từ QCXDVN 01:2002. Như vậy, từ lâu chúng ta đã có các quy định về công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các công trình xây dựng vẫn “bỏ quên” những thiết kế công năng dành cho người khuyết tật.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại Hà Nội các công trình công cộng, hạ tầng giao thông chưa chú trọng nhiều đến nhóm người yếu thế trong xã hội. Điển hình là các tuyến phố, chưa đồng bộ xây dựng đường dành cho người khiếm thị, trong khi đó, vỉa hè năm nào cũng được đầu tư hàng tỷ đồng để lát lại gạch. Được biết, gạch lát phải là gạch có gờ nổi, được lát dọc theo hướng người đi, đến chỗ chuyển hướng phải có nút tròn báo chuyển hướng. Khi chuyển hướng cho người đi sang đường phải được dẫn trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường…Tuy nhiên một số tuyến đường đã xây dựng nhưng lại chưa đúng kỹ thuật, nhiều đường dẫn không trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường, nhiều đường đã đâm thẳng vào hộp kỹ thuật điện hoặc chỗ đậu xe ô tô. Không những thế, nhiều làn đường còn có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp vẫn chưa được tu sửa, nếu cứ tiếp tục để tình trạng này thì không khác nào là một cái “bẫy” dành cho người khiếm thị khi không có sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Tại một số Trung tâm thương mại, công viên, khách sạn đã làm đường lên cho người khuyết tật nhưng lại thiếu nhà vệ sinh đáp ứng đúng yêu cầu, nhân viên phục vụ chưa được đào tạo các kỹ năng khi phục vụ nhóm đối tượng người khuyết tật.

Ngoài ra phải kể đến hệ thống thang máy tại các chung cư, cũng chưa quan tâm đến đối tượng người khuyết tật. Hầu hết các thang máy chưa có hướng dẫn bằng âm thanh, chữ nổi cho người khiếm thị, một số nơi thang máy cửa nhỏ nên xe lăn không vào được.

ha noi cong trinh cong cong danh do nguoi khuyet tat
Hầu hết các cầu bộ hành lại không có lối đi dành cho người khuyết tật.

Từ khi có cầu bộ hành, lượng người đi bộ qua đường giảm một cách đáng kể, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hầu hết các cầu vượt bộ hành lại không hề có lối đi dành cho người khuyết tật, khiến không ít người khuyết tật băn khoăn khi qua đường.

Đáng chú ý, các công trình như: Trường học, bệnh viện, bưu điện, bảo tàng, nhà hát… có ít hạng mục hỗ trợ lối đi, thiếu các biển chỉ dẫn đáp ứng cho người khuyết tật, hoặc nếu có thì lại được xây dựng với tâm lý “cho có”.

Ông Nguyễn Đình Toán – thành viên Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chia sẻ: Là một người khiếm thị, tôi thấy việc đi lại hiện nay rất khó khăn. Khu vực vỉa hè rất nhiều xe ô tô, xe máy. Các thang máy trong nhà cao tầng nên có giọng nói, chữ nổi để người khiếm thị có thể dễ dàng đi đến các tầng. Các khu chung cư nên có đường tiếp cận cho xe lăn. Tôi mong rằng, các không gian công cộng cần được đầu tư hướng đến đối tượng người khuyết tật, để người khuyết tật Việt Nam cũng như người khuyết tật quốc tế khi đến thăm quan các khu du lịch, cơ quan công sở của Việt Nam thấy rằng mọi chính sách của nhà nước đều quan tâm, giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập xã hội một cách tốt hơn.

ha noi cong trinh cong cong danh do nguoi khuyet tat
Những tủ điện nằm ngay giữa lối đi dành riêng cho người khiếm thị.

Đi tìm giải pháp

Bàn về thực trạng trên, KTS Khương Duy Thanh – Giám đốc Cty Cổ phần chuẩn bị làm nhà cho rằng: Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành rất nhiều các văn bản hướng dẫn chi tiết, các tiêu chuẩn thiết kế xây dựng từ lâu (QCVN10:2014/BXD; QĐ 04/2002/QĐ-BXD…) nhưng các công trình, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị thiết kế chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ.

Theo đó, việc dẫn đến thực trạng trên do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, về tính thương mại, về bài toán kinh tế, việc thiết kế chuẩn chỉ cho người khuyết tật sẽ tốn thêm chi phí đầu tư, thêm chi phí bảo dưỡng, quản lý, mà họ cho rằng hiệu quả đầu tư không cao, do đó việc cắt giảm, bỏ lơ, hoặc làm qua loa, đối phó là chuyện dễ hiểu.

Thứ hai, những đơn vị thiết kế chưa nghiên cứu sâu sắc và chú trọng đến hành vi, nhu cầu thực sự của những người sử dụng công trình. Các KTS, hay những đơn vị thiết kế có thể làm nên những công trình có thẩm mỹ, những công trình bền chắc, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, nhưng việc thiết kế có đầu tư nghiên cứu tính xã hội và hiểu rõ bản chất công trình “Để làm gì? Phục vụ ai?” thì chưa cao. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu ban đầu, từ hiểu rõ và sâu sắc những đối tượng mà công trình của ta thiết kế phục vụ, thì chúng ta mới đưa ra được những thiết kế vừa hài hòa các yếu tố trên mà vẫn đảm bảo phần hồn nhân văn được.

Đặc biệt, một số công trình được thiết kế theo kiểu đối phó, cho có một cách kệch cỡm. Ví dụ như có tuyến đường, vỉa hè thiết kế vạch kẻ nổi cho người khiếm thị, nhưng lại bị chắn ngang bởi tủ điện, ghế chờ xe buýt, trụ đèn, gốc cây… không khác gì đánh đố họ vậy.

Nguyên nhân thứ ba có thể là do thi công cẩu thả, thực tế cũng có nhiều công trình đã chú trọng phục vụ cho người khuyết tật, nhưng sau khi thi công xong thì mất chức năng của những hạng mục này, do làm cẩu thả, chưa đúng kỹ thuật.

Một nguyên nhân quan trọng không kém là do việc quản lý chưa chặt chẽ. Cần phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tất cả các khâu quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu… cần được chủ đầu tư chú trọng đến các hạng mục dành cho người khuyết tật. Nếu chủ đầu tư không quan tâm đầy đủ, thậm chí bỏ thẳng đi, thì tất nhiên đơn vị thiết kế, thi công không xây dựng, sau đó lại dùng phương án qua loa để đối phó với cơ quan thẩm định. Vì lẽ đó, công tác quản lý, kiểm tra cần được thực hiện chặt chẽ, quyết liệt, như vậy các công trình hiện nay mới đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của người khuyết tật được.

ha noi cong trinh cong cong danh do nguoi khuyet tat
Nhiều tòa nhà không được thiết kế lối đi dành cho người khuyết tật.

Chia sẻ về công trình để người khuyết tật dễ tiếp cận, Giám đốc một công ty chuyên tư vấn - thiết kế cho biết: Tôi thấy các chủ đầu tư dự án cũng biết rõ quy định này, nhưng họ cố tình bỏ qua và bắt tư vấn thiết kế không đưa các công trình đó vào bản vẽ hoặc khi xây dựng cố tình bỏ qua. Đa phần ở các chung cư hiện nay, hệ thống dành cho người khuyết tật chỉ đầu tư đến cái ram dốc là hết, nhiều nơi cũng đầu tư cho có vì ram dốc quá cao, người đi xe lăn không có người đẩy cũng không thể tự lên. Cũng theo vị Giám đốc này, chi phí đầu tư các công trình tiếp cận cho người khuyết tật vô cùng nhỏ so với chi phí đầu tư công trình, chẳng hạn một bảng chữ nổi Braille trong thang máy, hay hệ thống âm thanh báo tầng đến cho người khiếm thị chẳng tốn bao nhiêu tiền, nhưng rất ít các công trình đầu tư thiết bị này trong thang máy.

Một số chuyên gia cũng cho rằng: Việt Nam đã tham gia công ước của Liên hiệp quốc về người khuyết tật, nên bắt buộc phải tuân thủ các quy chuẩn về đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật, bao gồm cả quy chuẩn về thiết kế - xây dựng công trình. Bản vẽ thiết kế công trình không đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận thì không nên được duyệt và không cấp giấy phép thi công hoặc nếu công trình đã xây xong mà không có phần tiếp cận hoặc tiếp cận không được thì không nghiệm thu, không cho đưa vào sử dụng.

Với xu thế phát triển của xã hội, người khuyết tật đang nỗ lực sống hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, việc tiến hành cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng, bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng là hết sức thiết thực, góp phần xây dựng một xã hội không rào cản.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load