Thứ sáu 26/04/2024 21:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Cơ quan chuyên môn lý giải việc đá lát vỉa hè tuổi thọ 70 năm nhanh chóng xuống cấp

14:40 | 28/11/2022

(Xây dựng) – Trước thực trạng đá lát vỉa hè tuổi thọ 70 năm tại nhiều tuyến phố của Hà Nội nhanh chóng xuống cấp, các cơ quan chuyên môn cho rằng, do việc sử dụng mặt hè không đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế được duyệt dẫn đến thực trạng hư hại nghiêm trọng như hiện nay.

Hà Nội: Cơ quan chuyên môn lý giải việc đá lát vỉa hè tuổi thọ 70 năm nhanh chóng xuống cấp
Nhiều tuyến phố trên địa bàn quận Đống Đa, vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên nhưng sau thời gian ngắn sử dụng đã bị nứt vỡ.

Đá lát vỉa hè tuổi thọ 70 năm vừa thi công đã xuống cấp

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 255 tuyến phố, vỉa hè được lát đá tự nhiên, tập trung ở một số quận như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ… Trong đó, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành việc lát đá vỉa hè 100% các tuyến phố… Tuy nhiên, thực tế, quá trình sử dụng đá lát vỉa hè đã cho thấy nhiều bất cập bởi thực trạng xuống cấp nhanh chóng sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng.

Khảo sát thực tế, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận, thực trạng đá lát vỉa hè xuống cấp nghiêm trọng tại nhiều tuyến phố thuộc địa bàn các quận Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Cụ thể, tại quận Đống Đa, dọc tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, vỉa hè vừa được lát đá tự nhiên nhưng đang xuống cấp, sụt lún, nhiều vị trí tạo thành hố sâu gây nguy hiểm cho người đi bộ.

Bà Dương Minh Phương, người dân sống tại phố Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Đá lát vỉa hè tuyến phố này thi công xong chẳng bao lâu sau đã thấy nứt vỡ, một số chỗ đá bị xô, hõm lại, người dân đi qua cứ phải tránh. Thực tế vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng giờ cao điểm hầu hết các phương tiện đều lấn hết lên trên, đó là chưa kể nhiều vị trí được tận dụng thành các điểm trông giữ xe. Nói là vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng thực tế, có mấy khi người dân có chỗ để đi đâu”.

Tại một số tuyến phố mới khác của quận Thanh Xuân, Cầu Giấy cũng có thực trạng tương tự. Phần lớn nhiều vị trí vỉa hè đang được sử dụng không đúng công năng, trong khi chức năng chủ yếu của vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ. Không chỉ vậy, công tác quản lý sử dụng, bảo trì hè việc lát đá vỉa hè sau thi công cũng chưa thực sự tốt khiến thực trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về thực trạng này, ông Hoàng Ngọc Thắng - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội và văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng đều nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý sau đầu tư thuộc về UBND cấp huyện. Theo đó, UBND cấp huyện làm chủ đầu tư hoặc giao các Ban quản lý dự án của quận, huyện làm chủ đầu tư dự án, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu từ khảo sát, thiết kế đến thi công, giám sát thi công công trình. Phòng quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra, nghiệm thu và đôn đốc giải quyết công việc theo phân cấp. Vỉa hè sau khi đầu tư cũng do UBND cấp huyện quản lý, khai thác sử dụng.

Cũng theo ông Hoàng Ngọc Thắng, nguyên nhân chính dẫn đến việc các công trình vỉa hè xuống cấp nhanh là do việc duy trì hè đường sau đầu tư, thực tế còn nhiều bất cấp. Cùng với đó là việc sử dụng mặt hè không đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt; các phương tiện ôtô, xe máy đi lên vỉa hè cũng là nguyên nhân chính gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè...

Kết luận Thanh tra năm 2018 của Thanh tra Thành phố Hà Nội cũng từng chỉ rõ, chất lượng mặt hè và các lớp kết cấu tại nhiều tuyến phố chưa đảm bảo theo hồ sơ thiết kế, việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật và công tác hạ ngầm thiếu đồng bộ, công tác bảo hành, bảo trì cũng chưa được thường xuyên, kịp thời…

Hà Nội: Cơ quan chuyên môn lý giải việc đá lát vỉa hè tuổi thọ 70 năm nhanh chóng xuống cấp
Vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ nhưng lại thành điểm dừng đỗ xe ôtô.

Đâu là giải pháp?

Thực tế việc chỉnh trang vỉa hè là một chủ trương đúng đắn của Thành phố Hà Nội, tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp, được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc duy tu đá lát vỉa hè theo đúng quy định.

Để khắc phục tình trạng xuống cấp của vỉa hè sau lát đá tự nhiên, ông Hoàng Ngọc Thắng cho biết: Sở Xây dựng Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó đề nghị các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn của UBND thành phố. Sở cũng hướng dẫn, đôn đốc trong quá trình thực hiện dự án; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ phương tiện giao thông trên vỉa hè không đúng quy định; nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc sử dụng mặt hè trái với công năng và mục tiêu đầu tư, gây hư hỏng, xuống cấp.

Luận bàn giải pháp về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đá lát vỉa hè bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó phải nói tới khâu lựa chọn vật liệu thi công và mục đích sử dụng. Nếu vỉa hè vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như ôtô, xe máy đi lên thì chỉ vài năm là vỡ hết.

Do đó, khi các quận được giao làm chủ đầu tư dự án lát đá vỉa hè cần thực hiện đầy đủ quy trình lựa chọn nhà thầu thi công, đấu thầu, nhận thầu, kiểm tra công trình thi công và kiểm tra nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng. Cần phát huy vai trò của chuyên gia trong các khâu công đoạn từ chọn chất liệu, kích cỡ đá xây dựng, thi công và bảo trì. Chính quyền địa phương cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng vỉa hè đúng mục đích, cần chấm dứt ngay tình trạng chiếm dụng vỉa hè để làm bãi đỗ xe ôtô, xe máy...

Phượng Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load