(Xây dựng) - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng nắng nóng mùa hè năm 2024 rất phức tạp (nhiệt độ phổ biến cao hơn cùng kỳ các năm từ 1 đến 1,5 độ C). Dự kiến nhu cầu sử dụng nước trung bình của năm 2024 tăng khoảng 3,6% so với năm 2023, mùa hè tăng khoảng trên 6,5% so với trung bình năm 2023. Trước tình trạng đó, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp chủ động nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Viwasupco đã lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước để giám sát lưu lượng, áp lực và chất lượng nước trên tuyến; giám sát 24/7 đối với hệ thống cấp nước của Công ty, đồng thời truyền các dữ liệu theo dõi chất lượng nước về Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội để giám sát. |
Phân bổ điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu
Thành phố Hà Nội dự kiến mùa hè năm 2024, nhu cầu sử dụng nước tăng 6,5% so với năm 2023. Đặc biệt, vào thời gian cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng cao so với trung bình khoảng 5 - 10% sẽ gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại những khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao, khu vực chỉ có một nguồn cấp…
Cụ thể, một số khu vực tiếp tục xảy ra thiếu nước thậm chí mất nước tại một số thời điểm nắng nóng, như tại quận Ba Đình có khu vực ngoài đê An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc; quận Tây Hồ có khu vực Đê Quai, Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An; quận Hai Bà Trưng có điểm Nguyễn Khoái, cuối phố Tạ Quang Bửu...
Trước tình hình trên, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các công ty duy trì sản xuất, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, các trạm cấp nước, đáp ứng với khả năng cao nhất về nhu cầu sử dụng nước của 100% hộ dân khu vực nội thành và một số khu vực của các huyện đã đầu tư hệ thống cấp nước tập trung.
UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo phân bổ điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực, ưu tiên nguồn cấp cho khu vực chỉ có một nguồn cấp, không để xảy ra mất nước kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; cải tạo nâng cấp các trạm cấp nước hiện có nhằm tăng tối đa nguồn cung cho hệ thống.
Thành phố cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đầu tư cải tạo mạng lưới cấp nước, giảm thất thoát thất thu nước sạch, ứng dụng công nghệ 4.0 về quản lý khách hàng; duy trì vận hành các trạm bơm tăng áp cục bộ, vận hành mạng lưới cấp nước hợp lý kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước cho nhu cầu ăn, uống.
Trường hợp nguồn cấp nước bị gián đoạn, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị huy động xe bồn chở nước đến cho các hộ dân ở khu vực cuối nguồn, chung cư, đặc biệt là bệnh viện, trường học.
Ông Trịnh Văn Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà chia sẻ về quy trình vận hành, sản xuất tại Nhà máy. |
Viwasupco nỗ lực cấp nước an toàn, ổn định
Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) được thành lập vào năm 2009, với mục tiêu duy trì cung cấp nước ổn định, bảo đảm an toàn chất lượng nước sạch cho người dân Thành phố Hà Nội. Hệ thống cấp nước Sông Đà có công suất 600.000 m3/ngày đêm được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 công suất 300.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành và được đưa vào vận hành từ năm 2009 đến nay. Viwasupco đang thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của Nhà máy nước Sông Đà với công suất là 300.000 m3/ngày đêm. Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2025, có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu trong vùng phục vụ của Nhà máy.
Theo kế hoạch đảm bảo cấp nước hè của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 26/4/2024, Nhà máy nước Sông Đà cấp cho Hà Nội năm 2024 trung bình khoảng 315.000 m3/ngày đêm.
Chia sẻ về giải pháp đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân trước tình trạng có thể thiếu nước vào thời gian cao điểm nắng nóng, ông Trịnh Văn Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho biết: Để đảm bảo duy trì cấp nước an toàn, Viwasupco đã có một số giải pháp cụ thể sau: Phối hợp với Trung tâm Điều độ điện quốc gia A0 duy trì việc xả nước đảm bảo có thể lấy nước từ trạm bơm khẩn cấp bơm lên Nhà máy xử lý; Bảo trì các thiết bị, mua các vật tư dự phòng để có thể vận hành an toàn tối đa công suất của Nhà máy để cấp nước hè.
Đối với một số khu vực cuối nguồn nước Sông Đà giáp ranh giữa các hệ thống cấp nước, Viwasupco sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, các công ty cấp nguồn khác cùng các công ty phân phối để điều tiết lưu lượng cấp đến khu vực thiếu nước trong các giờ, ngày dùng nước lớn nhất trong mùa hè đảm bảo không để các khu vực bị mất nước trên diện rộng.
Toàn cảnh Nhà máy nước Sông Đà. |
Bên cạnh đó, để nguồn nước sạch luôn được đảm bảo, ông Trịnh Văn Nam cho biết: Công ty đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến ống truyền tải số 2, việc vận hành 2 đường ống song song sẽ đảm bảo việc cấp nước an toàn, không bị gián đoạn cấp nước khi có sự cố. Nếu có sự cố 1 trong 2 tuyến ống, đội phản ứng nhanh của Công ty sẽ chủ động trong việc khắc phục nhanh nhất có thể.
Công ty đã lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước để giám sát lưu lượng, áp lực và chất lượng nước trên tuyến để có thể giám sát 24/7 đối với hệ thống cấp nước của Công ty. Đồng thời truyền các dữ liệu theo dõi chất lượng nước về Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội để giám sát. Thường xuyên kiểm tra nội kiểm và ngoại kiểm chất lượng nước của Nhà máy tuân thủ theo QCVN 01-1:2018/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế ban hành.
Ông Trịnh Văn Nam nhấn mạnh: Bên cạnh những giải pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị phân phối nước sạch thì người dân cũng cần có ý thức trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Bởi bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.
Khánh Hòa
Theo