Thứ sáu 26/04/2024 02:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Cần tạo điều kiện để nhanh chóng di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô

10:23 | 22/10/2021

(Xây dựng) – Các chuyên gia đánh giá, việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô là cấp thiết. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, vẫn còn rất nhiều vướng mắc dù chính sách, cơ sở pháp lý đã có.

ha noi can tao dieu kien de nhanh chong di doi cac co so gay o nhiem ra khoi noi do
Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn ở trong nội đô, gần khu dân cư.

Quyết định về chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường chính thức được UBND thành phố Hà Nội ban hành từ năm 2003. Suốt nhiều năm sau đó, dựa trên cơ sở quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường và đối chiếu các đồ án quy hoạch của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn làm cơ sở xác định tiêu trí, các sở ban ngành của Hà Nội đề xuất di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp tại 12 quận nội thành ra khỏi khu vực nội đô. Trong đó, quận Đống Đa 15 cơ sở, quận Ba Đình 2 cơ sở, quận Cầu Giấy 2 cơ sở, quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở, quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở…

Đến năm 2015, UBND thành phố Hà Nội chính thức thành lập Ban chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Tính đến thời điểm hiện nay, Hà Nội mới thực hiện di dời khoảng 70 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.

Về vấn đề này KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: Việc di dời các cơ sở ô nhiễm đi là một trong những nội dung của quy hoạch được duyệt 2011, đồng thời cũng là nội dung quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội lần này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô là cần thiết.

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh di dời các cơ sở ô nhiễm, ban hành danh mục các cơ sở di dời, phát triển các quy hoạch phân khu, chuẩn bị quỹ đất để xây cơ sở mới… Từ tháng 4/2015, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1619/QÐ-UBND nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiến độ thực hiện di dời các nhà máy diễn ra ì ạch, trong khi đó, mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên báo động. Một số vướng mắc rõ rệt nhất phải kể đến như: Do quy định của Luật Đất đai, phần lớn các cơ sở đều được Nhà nước cho thuê và cho thuê có thời hạn. Vì thế, trong thời hạn còn được thuê đất, thành phố không thể thu hồi mà chỉ có thể thỏa thuận để khai thác sử dụng lại, trên cơ sở đó, di dời cơ sở cũ. Cụ thể, việc xác định đối tượng di dời, theo Quyết định 130 không phân biệt doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước trong khi Nghị định 167 và Nghị định 67 lại quy định doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Về thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời theo Quyết định 130 là Thủ tướng Chính phủ nhưng Nghị định 167 lại quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với di dời do ô nhiễm môi trường và UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với di dời theo quy hoạch.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã thành lập 9 khu công nghiệp và 7 khu trong số đó đã hoàn thiện, hình thành nhưng vẫn chưa khai thác hết quỹ đất. Nhưng các khu công nghiệp mới lại chưa thuận tiện về đường xá, giao thông, thiếu nhà ở cho công nhân lao động sinh hoạt… Vì vậy, nhiều cơ sở muốn di dời nhưng vẫn còn gặp khó khăn nhất định, nhất là thiếu vốn để xây dựng cơ sở sản xuất ở khu vực mới.

Không chỉ vậy, cơ chế chính sách để xử lý vi phạm khi xảy ra ô nhiễm môi trường vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đủ răn đe. Đặc biệt, sự cố tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông năm 2019 như một hồi chuông cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn khi các cơ sở sản xuất vẫn ở trong nội đô thành phố. Mới đây, Chính phủ đang chuẩn bị cho nghị quyết về xử lý vi phạm hành chính trong xây dựng, nhất là để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục báo cáo các Bộ, ngành thi hành Luật Thủ đô giải quyết các kiến nghị tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc. Theo đó, đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung thẩm quyền phê duyệt danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị cũng như thống nhất tiêu chí cơ sở công nghiệp gây ô nhiêm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; và bổ sung cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Như vậy, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp cơ sở y tế, cơ quan đơn vị hành chính ra khỏi khu vực nội đô nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm Hà Nội. Đây được xem là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng thời gian qua nhiều cơ sở mặc dù nằm trong danh sách buộc phải di dời gấp nhưng vẫn chây ỳ chưa chịu thực hiện, do các cơ sở mong muốn có nhiều lợi ích hơn từ vị trí đắc địa của trụ sở cũ, bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội cũng cần quyết liệt hơn nữa.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load