(Xây dựng) – Hiện nay, nhiều nhà vê sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp, hệ thống trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo đề xuất của các chuyên gia, cần có sự phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp để cải tạo lại nhà vệ sinh công cộng, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô xanh – sạch – đẹp.
Một nhà vệ sinh công cộng tại quận Tây Hồ với đầy hình vẽ rối rắm và bị khóa trái cửa. |
Không có chi phí dành cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa
Thành phố Hà Nội có khoảng 10 triệu dân, nhưng chỉ có hơn 400 nhà vệ sinh công cộng, được phân thành 3 loại, gồm nhà vệ sinh công cộng bằng gạch, nhà vệ sinh bằng thép và nhà vệ sinh do các đơn vị xã hội hóa đầu tư.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, Công ty đang duy trì 163 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, bao gồm 154 nhà vệ sinh bằng gạch và 9 nhà vệ sinh bằng thép (không bao gồm nhà vệ sinh Vinasing).
Đại diện URENCO chia sẻ, tại các quận trung tâm Hà Nội, nhà vệ sinh công cộng phục vụ tốt cho người dân, nhất là tại các điểm tập trung đông người như những tuyến phố đi bộ, Công ty luôn đảm bảo duy trì công nhân trực 3 ca một ngày, luôn có người trực để bảo đảm bố trí đầy đủ nước lau sàn, khử mùi giữ gìn vệ sinh sạch đẹp.
Tuy nhiên, một số nhà vệ sinh công cộng bằng gạch xây dựng lâu năm (trước năm 1990) đã xuống cấp, hư hỏng như phần tường gạch cũ kèm ẩm mốc. Các nhà vệ sinh thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ, hệ thống thiết bị hỏng, đèn chiếu sáng đa phần không hoạt động, ảnh hưởng đến việc sử dụng phục vụ cộng đồng, gây mất mỹ quan đô thị.
Trang thiết bị ở một nhà vệ sinh công cộng ở quận Cầu Giấy xuống cấp (vòi nước không sử dụng được, phần sàn có dấu hiệu rỉ sét) (Ảnh: TH). |
Đại diện URENCO cho rằng, công tác duy tu các nhà vệ sinh công cộng còn gặp nhiều khó khăn và chỉ dừng lại ở việc sửa chữa nhỏ lẻ. Bởi căn cứ theo hợp đồng duy trì các nhà vệ sinh công cộng chỉ chi trả cho công tác duy trì làm sạch, không có chi phí dành cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa.
Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thị Thùy Linh (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi chạy bộ quanh Hồ Tây hàng ngày và nhận thấy nhà vệ sinh công cộng tại đây có hệ thống trang thiết bị xuống cấp và thỉnh thoảng có bốc mùi khó chịu, nên rất bất tiện trong quá trình sử dụng. Tôi mong muốn nhà vê sinh được nâng cấp trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Một nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận Tây Hồ ở cùng vị trí với điểm tập kết rác thải. |
Cần cơ chế thu hút nhà đầu tư nhân rộng mô hình nhà vệ sinh công cộng
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hữu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một số nhà vệ sinh công cộng ở ngay gần chỗ tập kết xe chở rác, gây mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị. Hơn nữa, còn có một số nhà vệ sinh bị chiếm dụng, là nơi tụ tập của các con nghiện… “Các cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục triệt để vấn đề này để đảm bảo an ninh trật tự và khuyến khích người dân sử dụng nhà vệ sinh công cộng”, anh Hữu khuyến nghị.
Để duy trì nhà vệ sinh công cộng phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân, đại diện URENCO kiến nghị cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng hiện có. Đồng thời, thực hiện đầu tư xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng trên những đường phố chính, các điểm du lịch, thương mại và các nơi công cộng khác chưa có nhà vệ sinh công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ.
Bên cạnh đó, theo ý kiến đại diện URENCO, cần xây dựng thể chế về tổ chức quản lý duy trì, các quy chế hoạt động, quy định và hướng dẫn việc sử dụng và giữ gìn các nhà vệ sinh công cộng; Quy định các trung tâm thương mại, các bến xe, công viên, chợ, đặc biệt là các quán bia giải khát... nhất thiết phải có nhà vệ sinh công cộng cho khách hàng. Mặt khác, người dân cũng phải được hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức trong sử dụng và bảo vệ tài sản chung.
Cùng với đó, theo ý kiến của các chuyên gia, nhà vệ sinh công cộng có vai trò quan trọng, phục vụ cho khách du lịch đến thăm và người dân trên địa bàn. Vì thế, chính quyền và cơ quan chức năng cần phối hợp, có biện pháp cụ thể để nâng cấp trang thiết bị, xây dựng nhà vệ sinh đáp ứng tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp của Thủ đô và có những biện pháp, cơ chế hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nhân rộng mô hình nhà vệ sinh công cộng. Song song với đó, người dân cần báo cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện trường hợp chiếm dụng trái phép nhà vệ sinh công cộng.
Nhật Minh
Theo