(Xây dựng) – Theo quy hoạch, Thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng 4 thành phố trực thuộc nằm ở các phía Bắc, Tây, Nam và thành phố Sơn Tây - Ba Vì. Các thành phố này được kỳ vọng là động lực để phát triển Thủ đô trong tương lai.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các thành phố trực thuộc của Hà Nội nên được coi là vùng phát triển đặc thù, cần cơ chế riêng biệt. |
Quốc hội vừa thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định về tổ chức chính quyền đô thị. Theo quy hoạch, Hà Nội dự kiến xây dựng 4 thành phố trực thuộc nằm ở các phía Bắc, Tây, Nam và thành phố Sơn Tây - Ba Vì. Các thành phố này được kỳ vọng là động lực để phát triển Thủ đô trong tương lai.
Cụ thể, thành phố phía Bắc của Hà Nội, nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn. Theo quy hoạch, thành phố này có tổng diện tích khoảng 633km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người. Đất đô thị của thành phố phía Bắc khoảng 385km2, dân số khoảng 2,92 triệu người. Thành phố phía Bắc có khoảng 45 phường và 24 xã.
Đặc biệt, sân bay Nội Bài được dự kiến là hạt nhân của thành phố phía Bắc. Khu vực này được định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ; đồng thời là trung tâm dịch vụ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao.
Thành phố phía Tây có trung tâm là khu công nghệ cao Hòa Lạc và thị trấn Xuân Mai. Thành phố phía Tây có diện tích khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Định hướng thành phố phía Tây có 16 phường và 8 xã. Thành phố phía Tây được định hướng là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo.
Trong đồ án, Hà Nội cũng dự kiến xây dựng thành phố phía Nam (huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa). Ngoài ra, Hà Nội còn nghiên cứu hình thành thêm thành phố du lịch ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì.
Việc hình thành đô thị phía Nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B - Tây Bắc).
Quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, nhiều chuyên gia cho rằng, các thành phố trực thuộc của Hà Nội nên được coi là vùng phát triển đặc thù, cần cơ chế riêng biệt, bao gồm mô hình chính quyền đô thị với thể chế đặc thù.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về mô hình chính quyền thành phố mới của Hà Nội chưa luật hóa được nội dung xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô. Quy định trong dự thảo cũng chưa thể hiện được các chính sách đặc thù nhằm phát huy vai trò của mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố.
Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị làm rõ ý nghĩa của việc thành lập thành phố thuộc thành phố có tương đương với chính quyền ở cấp quận hay không. Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc thành phố có gì khác với chính quyền cấp huyện.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là đơn vị hành chính đô thị tương đương cấp huyện. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội chưa có thành phố trực thuộc nào được thành lập, cũng chưa có đề án cụ thể về mô hình phát triển của các thành phố loại này. Vì vậy, chưa có cơ sở để xác định về quy mô, định hướng, mục tiêu phát triển, làm căn cứ cho việc quy định cụ thể về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và các chính sách đặc thù cần thiết cho thành phố thuộc thành phố trong dự thảo luật.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế nếu thành lập thành phố thuộc thành phố vẫn có các cơ chế, quy định về phân cấp, ủy quyền để chính quyền tại thành phố thuộc thành phố có thể thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn.
Dựa trên ý kiến của đại biểu, dự thảo luận được chỉnh lý theo hướng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố trực thuộc thành phố sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thành lập thành phố thuộc thành phố.
Tiến Hào
Theo