(Xây dựng) - Các khu đô thị mới góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập diện mạo đô thị văn minh - hiện đại cho Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy có nhiều bất cập phát sinh, đặc biệt do việc chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật khu đô thị cho chính quyền địa phương, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy.
Khu đô thị Times City – một trong những khu đô thị đáng sống nhất với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. |
Hà Nội là đô thị sớm hình thành các khu đô thị mới và phát triển nhanh so với cả nước. Chỉ tính sau khi mở rộng địa giới hành chính Thành phố năm 2008 đến nay, Hà Nội đã có hơn 350 khu đô thị với quy mô khoảng 2.500ha. Phát triển các Khu đô thị đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập diện mạo đô thị văn minh - hiện đại, nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển nhanh về nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tương ứng...Trong quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, một số khu đô thị được các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng góp phần xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đồng bộ. Nhiều dự án khu đô thị hiện nay được chủ đầu tư quan tâm, bố trí quỹ đất cây xanh, không gian công cộng chiếm tỷ lệ lớn trong quỹ đất xây dựng; góp phần tạo không gian sống thư giãn cho người dân. Có thể kể đến như Khu đô thị Times City với một không gian sống hấp dẫn, đầy đủ tiện ích, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cư dân.
Tuy nhiên, đi kèm với nhiều lợi ích, việc thiếu kiểm tra, giám sát tại một số khu đô thị khác của Thủ đô Hà Nội cũng đem đến nhiều bất cập, hệ lụy.
Trong đó, bất cập lớn nhất hiện nay tại các đô thị là sự thiếu đồng bộ về quy hoạch, hạ tầng và công tác quản lý. Đơn cử của sự thiếu đồng bộ thể hiện ở việc, sau khi được phê duyệt quy hoạch 1/500, nhiều dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng công tác bàn giao hạ tầng, tổ chức đấu nối hạ tầng giữa các khu đô thị với hệ thống giao thông công cộng được làm rất chậm, thậm chí không thực hiện. Theo đó, mỗi khu chung cư, khu đô thị được biến thành một “lãnh địa” của Chủ đầu tư dự án.
Ông Trần Văn Thủy, cư dân khu chung cư Sunshine Garden (Mai Động, Hà Nội) chia sẻ: Cũng như tôi, nhiều người dân sinh sống tại chung cư mong muốn, bức tường ngăn cách giữa khu chung cư Sunshine Garden và Khu đô thị Time City được phá bỏ. Khi đó, cư dân giữa hai khu đô thị có thể dễ dàng sử dụng các tiện ích của nhau, điều quan trọng hơn, là tuyến đường xuyên tâm giữa 2 khu được kết nối với nhau, rất thuận tiện cho việc di chuyển của cư dân.
Trái lại, bà Nguyễn Thị Thu H, cư dân khu đô thị Time City cho rằng, mỗi khu đô thị có một cách quản lý khác nhau, chúng tôi chọn mua căn hộ tại Time City bởi nơi đây có hạ tầng, tiện ích đô thị tốt. Nếu khu này được đấu nối với nhiều khu chung cư liền kề, khi đó hạ tầng quá tải, dịch vụ đông đúc thì rất không ổn, khu đô thị này sẽ mất đi giá trị của nó.
Được quy hoạch xây dựng từ những năm 2010, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội từng được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 10 năm khai thác, sự gia tăng các tòa chung cư cao tầng thi nhau “mọc” lên đã khiến khu đô thị này trở nên chật chội, bí bách.
Sự quá tải về dân cư là một trong những nguyên nhân khiến khu đô thị xuống cấp nhanh chóng. Mật độ xây dựng tăng nhanh, số lượng dân cư đông, nhưng do chỉ có 1 hầm để xe, dẫn đến việc thiếu chỗ để xe trầm trọng. Phần lớn ô tô của cư dân hiện nay phải gửi tại bãi trông giữ ngoài trời hoặc dưới lòng đường. Thậm chí, toàn bộ phần vỉa hè, sân chơi các tòa đều bị chiếm dụng để làm bãi đỗ xe, lại càng làm trầm trọng lên tình trạng thiếu không gian vui chơi, giải trí.
Anh Nguyễn Đức Anh, người dân tòa N6A Nguyễn Thị Thập chia sẻ: Chợ cóc mọc lên ngay giữa các tòa nhà, hàng quán bày bán la liệt từ sáng sớm cho đến chiều tối. Toàn bộ vỉa hè phố Nguyễn Thị Thập bị các quán nhậu quây tôn chiếm dụng. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cư dân nơi đây.
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, không chỉ xuống cấp về hạ tầng, sau hơn chục năm sử dụng, lớp sơn tường bên ngoài các tòa nhà trở nên cũ kỹ, bong tróc, rêu mốc, màu sắc loang lổ, khiến bề mặt bị biến đổi hoàn toàn so với thiết kế ban đầu khiến bộ mặt Khu đô thị càng trở nên nhếch nhác.
Khu đô thị Linh Đàm còn nhiều bất cập trong quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị. |
Khu đô thị bán đảo Linh Đàm cũng trong tình cảnh tương tự. Nếu như hơn 10 năm trước, khi vẽ lên bản quy hoạch Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống với những khu chung cư xinh xắn, trong một khu đô thị xanh hơn 200ha, trong đó có 74ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13m2/người. Thế nhưng, chỉ trong hơn 10 năm ngắn ngủi, giờ đây chẳng mấy ai nhận ra được vóc dáng của đô thị “kiểu mẫu” một thời này. Thay vào đó, là những tòa nhà cao ốc mọc lên một cách “vô tội vạ” với quy mô dân cư tăng chóng mặt…Thậm chí sân chơi của trẻ nhỏ như công viên Bắc Linh Đàm cũng đang bị nhiều cá nhân, đơn vị khai thác để “trục lợi”.
Có thể thấy, công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Nhiều khu đô thị đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành, chậm bàn giao hoặc bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý không đồng bộ. Việc tổ chức cung ứng dịch vụ đô thị cho cư dân trong một số khu đô thị như cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí... còn chưa tốt. Việc quản lý đất đai, việc đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc kết nối hạ tầng khu đô thị với các khu vực xung quanh, việc quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch,... không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm.
Một số chuyên gia cho rằng, có tình trạng khu đô thị đã hoàn thành đầu tư nhưng chủ đầu tư chỉ bàn giao cho chính quyền địa phương các tuyến đường chính, còn đường phụ, vườn hoa, bãi đỗ xe... chủ đầu tư giữ để quản lý, khai thác. Ở đây có nguyên nhân là họ muốn giữ sự khác biệt về môi trường sống, tạo không gian sống khác biệt cho cư dân.
Bên cạnh đó, điểm bất cập là Hà Nội chưa ban hành quy trình bàn giao hạ tầng các Khu đô thị, không có quy định về thời điểm bàn giao hạ tầng trong bối cảnh các dự án đều vừa xây dựng, vừa đón dân về ở, cũng không có quy định về điều kiện hạ tầng như thế nào mới được bàn giao nhà ở cho dân. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng nhiều dự án chưa bàn giao như hiện nay.
Làm thế nào để giảm bớt, khắc phục những bất cập, tồn tại trong quản lý, vận hành các khu đô thị đang là vấn đề làm đau đầu nhiều nhà hoạch địch chính sách, quản lý phát triển đô thị. Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, cần có một quyết tâm chính trị cao, nó liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực trong quá trình đô thị hóa tại Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước. Trong đó cần sớm rà soát, xem xét nội dung một số Luật; Nghị định; Thông tư, tiêu chuẩn quy chuẩn có liên quan đến quy hoạch, đầu tư phát triển khu đô thị mới, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Khánh An
Theo