Thứ ba 05/11/2024 07:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội bao giờ mới hết khổ vì ngập

16:06 | 26/08/2020

(Xây dựng) - Những ngày qua, Hà Nội xuất hiện nhiều trận mưa lớn, nhiều tuyến đường nhanh chóng biến thành “sông” khiến giao thông hỗn loạn, đời sống của người dân đã bị đảo lộn... Vậy đâu là nguyên nhân?

ha noi bao gio moi het kho vi ngap
Phố Tràng Tiền bị ngập sâu trong trận mưa ngày 17/8.

Cụ thể, chiều 17/8, cơn mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường trong khu vực nội thành Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài. Các tuyến phố rất ít khi bị ngập như: Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Khay, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu... cũng bị ngập úng. Các phương tiện giao thông di chuyển rất khó khăn, tuyến đường bị ùn tắc.

Nhiều người dân tỏ ra lo ngại khi khu vực Hoàn Kiếm từ trước đến nay rất khó để bị ngập nước vì có hệ thống chứa nước là hồ Hoàn Kiếm. Phải chăng do đang thi công kè bờ hồ Hoàn Kiếm thì xảy ra mưa lớn trong suốt 2 tuần khiến cho vật liệu xây dựng bị trôi xuống cống, gây ra việc ngập úng nghiêm trọng trên các tuyến phố quanh khu vực hồ?

Được biết, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, có hệ thống cảnh báo hiện đại, nhưng hiện tượng “cứ mưa là ngập” vẫn diễn ra thường xuyên. Toàn bộ hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận có diện tích khoảng 300km2. Hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung và được phân chia thành 3 khu vực chính gồm: Lưu vực sông Tô Lịch (77,5km2), lưu vực sông Nhuệ (110km2) và lưu vực sông Cầu Bây - đoạn qua quận Long Biên (62km2).

Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch sẽ chịu trách nhiệm tiêu thoát nước cho quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân theo chế độ bơm cưỡng bức (qua trạm bơm Yên Sở, công suất 90m3/s) kết hợp với tự chảy qua đập Thanh Liệt

Lưu vực sông Nhuệ chịu trách nhiệm tiêu thoát nước cho các khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì theo chế độ bơm cưỡng bức ra sông Đáy (qua trạm bơm Yên Nghĩa, công suất 120m3/s), sông Hồng (qua trạm bơm Liên Mạc, công suất 170m3/s), kết hợp tự chảy qua sông Tô Lịch (qua đập Thanh Liệt).

Lưu vực sông Cầu Bây (đoạn qua quận Long Biên), thoát nước theo chế độ bơm cưỡng bức ra sông Đuống (qua trạm bơm Gia Thượng, công suất 10m3/s), sông Hồng (qua trạm bơm Cự Khối 55m3/s).

Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết: “Đối với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ thì Hà Nội sẽ không xảy ra ngập úng, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Đối với các trận mưa có cường độ trong khoảng từ 50 - 100mm/2h, Hà Nội vẫn còn tồn đọng 16 điểm úng ngập. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, nguyên nhân không nhỏ là do hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên, đây là việc cần phải có thời gian, nên tình trạng ứ đọng nước trên mặt đường là điều khó tránh khỏi, kể cả ở các đất nước có hệ thống thoát nước hiện đại”.

ha noi bao gio moi het kho vi ngap
Trên phố Hàng Bài, vật liệu xây dựng đổ tràn lên các nắp cống sẽ khiến cho vật liệu chảy xuống cống gây tắc.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, việc xây dựng là không thể tránh khỏi, nhưng các công tác xây dựng cần phải được thanh kiểm tra nghiêm ngặt việc đổ phế liệu trên các mặt cống, các nắp cống bị hở khiến vật liệu bị chảy xuống gây nên tắc các hệ thống cống.

Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sửa chữa, rửa xe hàng ngày đang xả thẳng một lượng nước lớn chứa dầu mỡ vào hệ thống thoát nước chung của thành phố, khiến nước khó tiêu thoát, gây úng ngập cục bộ và ô nhiễm môi trường nước sông, hồ.

ha noi bao gio moi het kho vi ngap
Công trình lát đá trên vỉa vè quanh hồ Hoàn Kiếm cần được gấp rút thi công để tránh những ngày mưa bão tiếp theo.

Các lực lượng chức năng như Thanh tra Xây dựng cần kiểm tra chặt chẽ các công trình đang thi công nhằm kiểm soát thực hiện thỏa thuận thoát nước để đảm bảo công tác kiểm soát xả thải chống úng ngập, bảo vệ môi trường.

ha noi bao gio moi het kho vi ngap
Thời gian này nhiều các công trình xây dựng đang được thi công quanh hồ Hoàn Kiếm

Ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng: Thời gian tới, Hà Nội cần phải thực hiện đồng loạt các giải pháp như xây dựng bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu nước mưa tại chỗ, bảo đảm được hệ thống hồ điều hòa không bị lấn chiếm, san lấp sử dụng vào mục đích khác

Hà Nội cần chủ động ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho việc xây mới, cải tạo, duy tu, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Chỉ khi nào Hà Nội hoàn thành công tác xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng lượng mưa trên 300mm trong hai ngày với cường độ lớn thì tình trạng ngập úng mới giảm.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load