Chủ nhật 08/09/2024 04:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội ban hành quy định tháo gỡ cho công tác giải phóng mặt bằng

08:40 | 07/09/2024

(Xây dựng) - Ngày 6/9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất làm dự án. Quyết định này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất.

Hà Nội ban hành quy định tháo gỡ cho công tác giải phóng mặt bằng
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có rất nhiều dự án bị chậm tiến độ vì vướng mắc trong công tác GPMB.

Quyết định áp dụng cho các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu về đất đai, các đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và người có đất bị thu hồi cùng chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, các đối tượng liên quan khác đến việc bồi thường, hỗ trợ cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh.

UBND Thành phố Hà Nội đã phân cấp nhiều nội dung thực hiện. Cụ thể, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ ban hành quyết định về giá bán, cho thuê và cho thuê mua nhà tái định cư. UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định hỗ trợ đối với các dự án cụ thể như hỗ trợ diện tích thu hồi còn lại của thửa đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, cũng như hỗ trợ ổn định đời sống.

Quyết định số 56 khẳng định việc bồi thường về đất trên địa bàn thành phố chủ yếu được thực hiện bằng tiền. Trong các trường hợp người dân bị thu hồi toàn bộ đất ở hoặc phần diện tích còn lại nhỏ hơn mức tối thiểu được phép tách thửa và không còn chỗ ở nào khác trong địa phương, họ sẽ được giao đất ở, bán nhà tái định cư hoặc nhận bồi thường bằng tiền.

Đối với đất nông nghiệp, quy định mức bồi thường chi phí đầu tư còn lại là 50.000 đồng/m2 đối với đất trồng lúa nước và 35.000 đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm. Mức bồi thường tối đa cho mỗi người sử dụng đất không vượt quá 250 triệu đồng. Đối với đất phi nông nghiệp, mức bồi thường là 35.000 đồng/m2.

Nhà và các công trình xây dựng gắn liền với đất khi bị thu hồi sẽ được bồi thường theo giá trị hiện có. Khoản bồi thường này tính bằng tỷ lệ 60% giá trị hiện có của công trình. Đối với những công trình không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, các đơn vị bồi thường sẽ phối hợp cùng các phòng quản lý đô thị thẩm định, lập hồ sơ thiết kế phù hợp để tính toán mức bồi thường chính xác.

Trường hợp gia đình phải di dời mồ mả, sẽ được bồi thường theo đơn giá do UBND thành phố quy định. Nếu gia đình tự lo đất để di chuyển mồ mả, ngoài chi phí bồi thường di chuyển, sẽ nhận thêm hỗ trợ 10 triệu đồng/mộ. Đối với các mộ vô chủ, đơn vị bồi thường sẽ ký hợp đồng với các tổ chức như Ban Phục vụ lễ tang để thực hiện di chuyển.

Người dân bị thu hồi đất và phải di chuyển chỗ ở trong phạm vi thành phố sẽ được bồi thường 10 triệu đồng/người, trong khi những trường hợp di chuyển sang tỉnh, thành phố khác sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/người. Đối với các tổ chức, chi phí tháo dỡ, di chuyển máy móc và tài sản sẽ được lập dự toán và phê duyệt theo thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Đặc biệt, nhằm khuyến khích việc bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, quy định tại Điều 18 của Quyết định này đã đề ra các mức thưởng cụ thể như sau: Đối với đất nông nghiệp, người sử dụng đất nông nghiệp là hộ gia đình hoặc cá nhân, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện bồi thường về đất và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ sẽ được thưởng 3.000 đồng/m2, nhưng không vượt quá 3.000.000 đồng/người sử dụng đất.

Đối với nhà ở, đất ở hoặc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp: Trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất nhưng phải phá dỡ toàn bộ nhà ở, nhà xưởng hoặc công trình sản xuất, kinh doanh, người sử dụng đất sẽ được thưởng, như sau: 5.000.000 đồng/người nếu di chuyển và bàn giao mặt bằng trước thời hạn 16 ngày hoặc nhiều hơn; 4.000.000 đồng/người nếu bàn giao trong phạm vi 15 ngày trước thời hạn; 3.000.000 đồng/người nếu bàn giao đúng ngày quy định….

Các tổ chức kinh tế bàn giao mặt bằng đúng tiến độ sẽ được thưởng 10.000 đồng/m2 đất có nhà xưởng hoặc nhà làm việc bị thu hồi. Mức thưởng tối đa cho mỗi tổ chức không vượt quá 500.000.000 đồng và tối thiểu không dưới 5.000.000 đồng/tổ chức.

Quy định này không chỉ tạo động lực cho người dân và các tổ chức bàn giao mặt bằng đúng hạn, mà còn góp phần bảo đảm tiến độ các dự án phát triển hạ tầng.

Thu Quỳnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load