(Xây dựng) - Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đô thị loại I khi hợp nhất với huyện Hoành Bồ thị trấn huyện chưa đạt đô thị loại IV, còn nhiều xã vùng cao vừa thoát khỏi Chương trình 135 là một vấn đề lớn đặt ra trong nhiệm vụ xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM). Địa phương đã phân loại các tiêu chí khó để tập trung chỉ đạo hoàn thành, tiến tới đạt đích NTM.
Cụm văn hóa trường Mầm non, trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở xã Kỳ Thượng vừa được đầu tư xây mới. |
Cụ thể, sau sáp nhập Hạ Long có thêm 12 xã, tổng diện tích tự nhiên 844,6km2, chiếm 75,47% diện tích đất đai tự nhiên của địa phương; dân số 11.037 hộ với 44.259 nhân khẩu. Là thành phố trực thuộc tỉnh lớn, có nhiều xã rẻo cao và dân tộc thiểu số nhất toàn quốc, để về đích NTM vào cuối năm 2022, thành phố Hạ Long đã và đang dồn lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là tách được vấn đề then chốt để đạt được các tiêu chí khó.
Con dúi loại thú rừng bản địa được nhiều người dân thuần hóa nhân giống, chăn nuôi bán thịt động vật quý hiếm. |
Trong đó cơ sở hạ tầng, đường sá là động lực; văn hóa khe bản là mục tiêu. Thành phố đã bê tông hóa đường liên thôn, liên xã ở 6 xã miền núi là: Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Đồng Lâm, Tân Dân, Hòa Bình, Vũ Oai. Tiêu biểu là con đường bê tông dài trên 10km nối xã Kỳ Thượng với xã Đồng Sơn; đang xây dựng đường Trại Me (Sơn Dương) - Đồng Trà (Đồng Lâm) dài 10,12km, theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tổng kinh phí đầu tư 812 tỷ 719 triệu đồng; mở rộng, nâng cấp đường Đồng Mỏ (Sơn Dương) - Tân Ốc (Đồng Sơn) dài 19,1km, quy mô đường cấp IV miền núi, kinh phí đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Về văn hóa, những nét đẹp ngàn xưa được phát huy, những hủ tục lạc hậu được bài trừ… đó là công việc cụ thể của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… các tổ chức dân vận là người gương mẫu và vận động mọi người bỏ thói quen cũ, tiếp thu tiến bộ nhà ở khép kín, dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Những tệ nạn mê tín dị đoan được xóa bỏ, công nghệ thông tin làm cầu nối dân bản với nền văn minh trong nước và quốc tế.
Hộ anh Bàn Tài Phây ở thôn Khe Tre; anh Bàn Tài Hồng ở thôn Khe Lương cùng ở xã Kỳ Thượng trong chuồng luôn có từ 100-200 con dúi, giá thương phẩm từ 600.000-700.000đ/kg. |
Trước đây, Hoành Bồ là huyện miền núi, kinh tế - xã hội nhiều khó khăn. Huyện có 12 xã và 1 thị trấn, trong đó có 6 xã miền núi, 5 xã vùng cao, có xã tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%; nhiều xã vừa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2010, vùng núi Hoành Bồ còn 13,1% người nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 11,2 triệu đồng/người/năm. Đất Hoành bồ diện tích tự nhiên rộng nhưng chủ yếu là rừng, núi; mật độ dân số thưa, người dân sống không tập trung; địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống suối rừng, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn… Điểm xuất phát tiêu chí NTM thấp, chỉ đạt trung bình 3,5 tiêu chí/xã.
Giống gà Tiên Yên được chăn nuôi, nhân giống ở các xã rẻo cao thành phố Hạ Long. |
Từ thực trạng trên, thành phố Hạ Long xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai chương trình xây dựng NTM theo hướng rõ mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Tập trung chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí khó như: Môi trường, hình thức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo... theo tiêu chí vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021-2025.
Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố, kiện toàn Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Công tác tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò người đứng đầu và khơi dậy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Theo đó, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu khó có thể hoàn thành lần lượt được tháo gỡ trên nền tảng bền vững, phát triển đi lên.
Khu du lịch sinh thái AmVápFarm ở thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng. |
Ông Bàn Văn Vi - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng cho biết: Kỳ Thượng là một trong 3 xã vùng cao được cho là khó khăn nhất của thành phố Hạ Long, cái khó của xã Kỳ Thượng cả về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế... Nhưng sau hơn 2 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã Kỳ Thượng bừng sáng. Trường học khang trang, môi trường sạch đẹp, các tuyến đường liên thôn được người dân góp công, góp sức thậm chí cả về kinh phí nên rộng hơn, to hơn và đẹp hơn.
Cùng với sự đổi thay nhanh chóng về cơ sở hạ tầng kinh tế, tư duy trong phát triển kinh tế của người dân ở ngay cả các xã vùng cao đã thực sự thay đổi kể cả lượng và chất. Theo anh Lý Tài Ngân - Giám đốc Công ty Cổ phần AmVápFarm, xã Kỳ Thượng: Vài năm về trước, những người đồng bào dân tộc ở đây chỉ quen với những tập tục canh tác manh mún, độc canh và cuộc sống phụ thuộc chính vào nguồn tự tạo của tài nguyên rừng. Nay thì đã khác, cũng chính con người ấy, mảnh đất ấy, người đồng bào dân tộc ở xã Kỳ Thượng đã cùng nhau thành lập doanh nghiệp, cùng nhau góp vốn với số tiền hơn 7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ, du lịch sinh thái. Hiện tại, khu du lịch sinh thái xây dựng tiên tiến gắn với bản sắc vùng đồng bào.
Đường Trại Me (Sơn Dương) - Đồng Trà (Đồng Lâm) và đường Đồng Mỏ (Sơn Dương) - Tân Ốc (Đồng Sơn) đang được khẩn trương xây dựng nối đô thị Hạ Long với vùng rừng Hoành Bồ. |
Vào những ngày cuối tuần khu dịch vụ, du lịch thôn Khe Phương và điểm tham quan trên đỉnh đèo dài cao gần 1.000m (Bốn mùa mây phủ), xã Kỳ Thượng này đã thu hút hàng trăm lượt khách đến nghỉ ngơi, trải nghiệm và ngắm cảnh trùng điệp của núi rừng vùng Đông Bắc Bộ, bản làng của người thượng trên dãy núi Thiên Sơn, một trong ngũ hành sơn cao trên 1.000m vùng cánh cung Đông Triều... cho thấy bước tiến dài trong chuyển đổi về tư duy kinh tế của người dân vùng reo cao của thành phố Hạ Long khi sát nhập với huyện Hoành Bồ làm một.
Về kinh tế, hộ cũng phá thế độc canh nương rẫy, lâm sản thô… sang trồng rừng cây gỗ lớn, thuần hóa hoang thú thành mặt hàng thương mại có giá trị kinh tế cao. Hộ anh Bàn Tài Phây, ở thôn Khe Tre; anh Bàn Tài Hồng ở thôn Khe Lương cùng ở xã Kỳ Thượng trong chuồng luôn có từ 100-200 con dúi, loại thú rừng bản địa được nhiều người dân rẻo cao thuần hóa nhân giống, giá bán thương phẩm từ 600.000-700.000đ/kg đã tạo nguồn thu mới, xóa nghèo làm giàu tại khe bản.
Theo phương châm lấy đầu tư cơ sở hạ tầng làm “đòn xeo” gỡ khó cho tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, thành phố Hạ Long tập trung quy hoạch vùng sản xuất, hướng người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển các sản phẩm thành sản phẩm hàng hóa làm khâu đột phá trong phát triển sản xuất nên đã tạo được sự thay đổi nhận thức của đa số người dân. Nhiều mô hình kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái, mô hình chăn nuôi, mô hình rừng cây gỗ lớn, trồng cây dược liệu (mã kích) của người dân đã cho thu nhập cao mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.
Với quyết tâm, cách làm sáng tạo của thành phố Hạ Long, hầu hết các tiêu chí khó đã được tháo gỡ. Về môi trường, 96,2% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch; giáo dục và đào tạo, 12/12 xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ III; y tế, 12/12 xã có trạm y tế và tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng... Đến nay, 12/12 xã đã được UBND tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, 4/12 xã là: Dân Chủ, Sơn Dương, Thống Nhất, Lê Lợi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Vũ Phong Cầm
Theo