Thứ năm 25/04/2024 16:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Giang: Không phá dỡ, biến Panaroma Mã Pì Lèng thành điểm ngắm cảnh

11:51 | 15/03/2020

(Xây dựng) – Mới đây, tỉnh Hà Giang cùng các chuyên gia đã thống nhất không phá dỡ toàn bộ công trình Panaroma Mã Pì Lèng (Mèo Vạc) mà cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh, không lưu trú.

ha giang khong pha do bien panaroma ma pi leng thanh diem ngam canh
Panaroma Mã Pì Lèng (Ảnh: Trần Cao Bảo Long)

Được biết, liên quan đến việc xử lý tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama xây dựng trái phép ngay trên hẻm vực Tu Sản (đoạn đèo Mã Pì Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn), UBND tỉnh Hà Giang đã xin ý kiến các chuyên gia của Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũg như Viện Bảo tồn di tích, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch), Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam… về phương án cải tạo công trình.

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, sau khi chủ đầu tư trình bày các phương án cải tạo công trình Panorama Mã Pì Lèng, các chuyên gia góp ý kiến theo hướng không phá bỏ công trình, thay vào đó cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không có dịch vụ lưu trú qua đêm. Phương án này phù hợp với Quy hoạch Cao nguyên đá Đồng Văn được Thủ tướng phê duyệt, cũng như sự tư vấn của chuyên gia UNESCO trước đó.

Theo đó, việc cải tạo, chỉnh trang công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách với quy mô kiến trúc phù hợp, và phương án sửa chữa kiến trúc sử dụng các họa tiết, chi tiết dùng trang trí của các dân tộc địa phương vào công tác hoàn hiện công trình tạo cảnh quan gần gũi với môi trường xung quanh. Từ đó, nơi đây sẽ trở thành điểm giới thiệu văn hóa, các sản vật và đặc sản địa phương với du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, các chuyên gia góp ý về phần công trình trên cốt mặt đường nên giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã nêu. Lý do giữ lại vì phần nổi này chính là đối trọng neo giữ toàn bộ công trình, vì toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc đứng, nếu ta đập bỏ chính là làm nhẹ phần đối trọng của toàn bộ công trình, có thể gây trượt, nguy hiểm cho toàn bộ công trình. Phần cuối phía dưới của công trình cũng vậy, nếu đập bỏ sẽ làm mất đối trọng phần chân công trình khi chịu lực bên trên dồn xuống. Phần này như chốt chặn để công trình được ổn định và giữ cân bằng vị trí. Toàn bộ kết cấu trên được liên kết chặt chẽ, tạo sự ổn định cho công trình.

Ngoài ra, công trình sẽ được trồng cây và hoa, đảm bảo cảnh quan hài hòa với thiên nhiên xung quanh.

Cụ thể, khối nhà hàng ăn uống và giải khát 2 tầng sẽ được thiết kế tường ốp vật liệu giả gỗ mô phỏng nhà truyền thống người dân tộc Mông, làm thêm ngói âm dương theo truyền thống nhà của người dân tộc Mông.

Với khối nhà nghỉ ngơi 1 tầng với diện tích khoảng 207m2, tường và lan can sân trời được ốp vật liệu gỗ mô phỏng nhà truyền thống của người Mông. Các trụ cột sắt đỡ sân trời được bọc lại bằng vật liệu cây trúc. Bên dưới những lan can sân trời trồng cây rủ lá mô phỏng như thác nước chảy trên những vách đá. Bậc thang được ốp đá tự nhiên đan xen những khóm hoa…

Hầu hết các chuyên gia đều ủng hộ dự án cải tạo Panaroma thành điểm dừng chân nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận di sản và hưởng thụ, trải nghiệm các giá trị khoa học của khu Công viên địa chất và khu danh thắng Mã Pì Lèng. Đây cũng là phương thức góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương, tạo ra nguồn sinh kế mới cho đồng bào dân tộc đang cư trú trong khu Công viên địa chất, đồng thời tạo ra nguồn thu ngân sách đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản.

Tuy nhiên, 2 nội dung quan trọng mà dự án cải tạo còn thiếu và cần đặc biệt quan tâm là đánh giá tác động môi trường và giải pháp khắc phục những tác động xấu có thể xảy ra.

Như vậy, UBND tỉnh Hà Giang cùng các chuyên gia đều thống nhất quan điểm sẽ không phá dỡ toàn bộ công trình Panorama, nhưng đó sẽ chỉ là điểm dừng chân, không có lưu trú. Việc cải tạo cần đảm bảo kiến trúc theo kiến trúc truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ngoài ra cần đảm bảo an toàn và về vệ sinh môi trường.

Trong tháng 3/2020, bản thiết kế công trình Paranoma sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, sau đó sẽ được gửi lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trường Đại học Kiến trúc, Ủy ban UNESCO, Cục Di sản Văn hóa. Nếu tất cả thống nhất bản thiết kế đó, đồng thời có đầy đủ ý kiến của các nhà khoa học thì chủ đầu tư mới được tiến hành triển khai sửa chữa.

Khánh Diệp (T/H)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load