(Xây dựng)- Bộ Xây dựng nhận được Công văn số 17653/BTC-CĐKT ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.
Ảnh minh họa
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Cơ bản nhất trí với những nội dung dự thảo đã đề cập.
2. Ngày 31/5/2013, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Kế toán gửi Bộ Tài chính nghiên cứu để bổ sung trong quá trình sửa đổi Luật Kế toán. Các nội dung chủ yếu như sau:
Đối tượng áp dụng: Đề nghị bổ sung các đối tượng như các Ban QLDA đầu tư, các chi nhánh của doanh nghiệp trong nước, cá nhân nước ngoài sản xuất kinh doanh trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam (gọi tắt là nhà thầu nước ngoài) có cơ sở cư trú tại Việt Nam.
Về đối tượng kế toán: Đề nghị không nên quy định quá cụ thể và chi tiết đối tượng kế toán trong Luật mà có thể chỉ quy định chung là: “tiền, tài sản, các khoản nợ và nguồn vốn,…” còn chi tiết sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
Đơn vị tính sử dụng trong kế toán: Đề nghị áp dụng theo tỉ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp có giao dịch phát sinh.
Về tỷ giá hối đoái và chênh lệch tỷ giá hối đoái “ Đối với việc đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán thì thực hiện theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính”.
Kỳ kế toán: Luật Kế toán nên quy định kỳ kế toán là đủ 12 tháng và không nên quy định cứng nhắc thời điểm đầu kỳ là 1/1 và kết thúc là 31/12. Giao cho Chính phủ quy định chi tiết đối với từng loại hình đơn vị để tạo điều kiện cho chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính phù hợp thời gian với trụ sở chính ở nước sở tại.
Chứng từ kế toán: Trong thực tế không phải nghiệp vụ nào phát sinh cũng có chỉ tiêu số lượng, đơn giá. Do vậy đề nghị sửa “ Số lượng, đơn giá (nếu có) và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ ”. Đồng thời, đề nghị xem xét lại trên cơ sở thực tế có những cụm từ viết tắt liên quan đến nghiệp vụ kinh tế như: Thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN… được chấp nhận rộng rãi, giúp tiết kiệm trong việc ghi chép, in ấn và dễ hiểu.
Báo cáo tài chính: Thời hạn 90 ngày là chưa phù hợp với các tập đoàn, TCty, do các đơn vị này khi có đủ báo cáo của các Cty con thì mới lập báo cáo tài chính hợp nhất. Đề nghị bổ sung quy định “Thời hạn nộp báo cáo tài chính hợp nhất của các Tập đoàn, TCty là 120 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật”.
Báo cáo tài chính theo Luật Kế toán 2003 được hiểu là Báo cáo tài chính chưa được kiểm toán. Do vậy cần quy định cụ thể về thời gian nộp Báo cáo tài chính đã được kiểm toán để phù hợp với các Luật khác.
Tổ chức bộ máy kế toán: Quy định bố trí người làm kế toán trưởng và cử người phụ trách kế toán là chưa phù hợp đề nghị sửa thành bổ nhiệm kế toán trưởng.
Đề nghị bổ sung một số quy định:
Hiện nay có một số Tập đoàn, TCty áp dụng mô hình có phòng (ban) tài chính và bổ nhiệm Giám đốc Tài chính.
Việc trích lập và hạch toán khoản dự phòng nợ khó đòi áp dụng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, các tổ chức khoa học và công nghệ có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Quy định cụ thể hơn việc “bàn giao kế toán và kế toán trưởng” nhất là về thủ tục trước khi bàn giao, thời hạn bàn giao và phải có sự chứng kiến của những đối tượng nào khi thực hiện bàn giao kế toán, kế toán trưởng.
BĐT
Theo