Thứ năm 12/12/2024 23:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Gỡ khó cho 5 chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU: Xác định vướng mắc, tập trung hóa giải

08:24 | 20/10/2024

Đến hết quý III-2024, việc thực hiện 5/19 chỉ tiêu thuộc Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” vẫn tiếp tục bộc lộ nhiều khó khăn, trong đó có những chỉ tiêu "chấp chới" về khả năng hoàn thành.

Phân tích các vướng mắc đang gặp phải, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU cùng lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, địa phương đang quyết tâm tháo gỡ, tạo chuyển biến tích cực, với tinh thần rõ người, rõ hạn định tiến độ.

Gỡ khó cho 5 chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU: Xác định vướng mắc, tập trung hóa giải
Tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá để hoàn thành chỉ tiêu “tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55%”. Ảnh: Quang Thái

5 chỉ tiêu gặp khó

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, chỉ tiêu đầu tiên trong nhóm là “Đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận”. Trên cơ sở báo cáo của các huyện, hiện có 10 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, đề nghị đưa ra khỏi danh sách, gồm 5 dự án của huyện Hoài Đức, 5 dự án của huyện Thanh Trì. 11 dự án dự kiến phê duyệt vào quý III-2024 đến quý I-2025. 1 dự án dự kiến phê duyệt bản vẽ thi công vào quý IV-2024 và 5 dự án đang thi công. “Như vậy, ngoài 5 dự án đang thi công, các dự án khác có khả năng khó hoàn thành trong thời gian đề ra”, ông Mạc Đình Minh khẳng định.

Tiến độ hạ ngầm cáp điện lực, thông tin trên 359 tuyến phố theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội cũng khó đạt 100% theo mốc thời gian của chương trình. Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), hiện mới có 121 tuyến đã hoàn thành (đạt 40,3%). Trong tổng số 238 tuyến còn lại, năm 2024, EVNHANOI đã giao các đơn vị hoàn thiện 3 tuyến trên địa bàn quận Ba Đình. Với 235 tuyến, EVNHANOI đã phân kỳ thực hiện với chỉ tiêu 100 tuyến trong giai đoạn 2025-2026 và 135 tuyến trong giai đoạn 2026-2027.

Về chỉ tiêu “tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55%”, tính đến tháng 3-2024, tỷ lệ này mới đạt 30,9%. Để đạt được chỉ tiêu trên phụ thuộc vào việc hoàn thành Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Trong khi đó, đến tháng 9-2024, gói thầu số 01 của dự án hoàn thành khoảng 98% khối lượng xây dựng và 100% khối lượng thiết bị; gói thầu số 02 hoàn thành khoảng 95% khối lượng. Gói thầu số 03 đã họp hội đồng thẩm định. Gói thầu số 04 đang trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.

Về chỉ tiêu “triển khai đầu tư xây dựng 1-2 khu outlet quy mô lớn”, Sở Công Thương đã có báo cáo UBND thành phố, đề xuất mô hình trung tâm mua sắm outlet tại huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm. Sở đang phối hợp với 2 huyện này cùng các sở, ngành liên quan rà soát, xác định cơ chế, hình thức đầu tư theo quy định tại Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực và báo cáo UBND thành phố làm căn cứ nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chỉ tiêu cuối cùng là “tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30-35%”. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của thành phố phụ thuộc một phần vào năng lực của mạng lưới đường sắt đô thị. Theo quy hoạch dự kiến điều chỉnh hiện nay, Hà Nội sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 603km. Tuy nhiên, đến nay thành phố Hà Nội mới đưa vào vận hành tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và một phần tuyến 3.1 Nhổn - Cầu Giấy.

Nhận diện và khắc phục từng vướng mắc

Xác định Chương trình số 03-CTr/TU có nhiều nội dung mới, khó, phức tạp, đòi hỏi các kết quả, sản phẩm cụ thể, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo Chương trình đã đề nghị các đơn vị rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ.

Đầu năm 2024, trước những nội dung khó hoàn thành, Ban Chỉ đạo tiếp tục lưu ý việc xây dựng kế hoạch năm chi tiết từng đầu việc, rõ từng đơn vị thực hiện. Trên cơ sở đó, thành phố có văn bản phân bổ các chỉ tiêu về từng đơn vị để triển khai. Sau 9 tháng, một số nội dung như xử lý nước thải, đầu tư xây dựng khu outlet quy mô lớn đã có chuyển biến. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin hay đầu tư xây dựng 20 tuyến giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận vẫn tiếp tục gặp khó.

Để tháo gỡ các vướng mắc, Sở Tài chính đang rà soát, đối chiếu các quy định của pháp luật về đầu tư công, dự kiến trong tháng 10 này sẽ trình UBND thành phố, đề xuất cơ chế ưu đãi lãi suất cho vay, hỗ trợ các dự án hạ ngầm đường dây. Sở Giao thông vận tải tiếp tục nâng hiệu quả hoạt động của mạng lưới xe buýt, gắn với điều chỉnh, mở rộng mạng lưới theo lộ trình... Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ, đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuộc hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU chỉ đạo các đơn vị phải bám sát từng nội dung công việc, duy trì sự chỉ đạo tập trung, khoa học. Ban Chỉ đạo sẽ đề nghị UBND thành phố phân công các Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách từng công việc, xác định thời gian xử lý và rõ kết quả giải quyết vướng mắc.

Với những chuyển dịch đồng bộ, hy vọng trong giai đoạn nước rút quan trọng này, các khó khăn của 5 chỉ tiêu sẽ được hóa giải, để thêm những tín hiệu khả quan, thêm những sản phẩm cụ thể đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường: Ba kịch bản cho các giai đoạn tiếp theo

Gỡ khó cho 5 chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU: Xác định vướng mắc, tập trung hóa giải

Đại dịch Covid-19 đã làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng hành khách đi xe buýt. Việc hoàn thiện chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng trông chờ vào các tuyến đường sắt đô thị, nhưng thực tế đầu tư xây dựng đường sắt đô thị lại không như kỳ vọng.

Đầu năm 2024, thành phố giao chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng từ 22% đến 25%, vừa tăng sản lượng, vừa tái cấu trúc. Việc dừng 5 tuyến, giảm sản lượng 30 tuyến xe buýt đã khiến tổng lượt xe giảm 5%/ngày. Kết quả khả quan là dù giảm lượt xe, giảm trợ giá nhưng sản lượng vận tải tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành cũng đã báo cáo thành phố ba kịch bản cho giai đoạn tiếp theo, ở các mức thấp, trung bình và cao. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tương ứng ở các kịch bản đến các năm 2025 là 20% - 25% - 30%; đến năm 2030 là 25% - 30% - 45% và đến năm 2035 là 35% - 40% - 55%. Các kịch bản này phụ thuộc nhiều vào việc triển khai đường sắt đô thị và quản lý phương tiện cá nhân.

Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình HTKT và NN thành phố Hoàng Trọng Tùng: Nhiều khó khăn cản trở

Gỡ khó cho 5 chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU: Xác định vướng mắc, tập trung hóa giải

Đến nay, khối lượng thi công gói thầu 01 - Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành. Tuy nhiên, do chưa được cấp giấy phép môi trường nên chưa được vận hành thử. Tiến độ của dự án chậm bởi một số khó khăn trong thiết kế kỹ thuật. Ngoài ra, vì việc thi công các tuyến cống trải dài trên nhiều địa bàn, trực tiếp ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của người dân nên cũng gặp nhiều khó khăn.

Đối với gói thầu số 03, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố cần phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Ban đã trình thành phố xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan. UBND thành phố đã họp hội đồng thẩm định và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi sử dụng hết vốn vay (dự kiến hết năm 2024), dự án sẽ thiếu khoảng 1.350 tỷ đồng. Ban đang đợi hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, trong đó điều chỉnh cơ chế tài chính vay ODA từ cấp phát sang vay lại.

Phó Tổng Giám đốc EVNHANOI Nguyễn Quang Trung: Kiến nghị thành phố hỗ trợ đủ nguồn vốn

Gỡ khó cho 5 chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU: Xác định vướng mắc, tập trung hóa giải

Các đơn vị của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) đã khảo sát, xây dựng phương án hạ ngầm toàn bộ các tuyến phố theo danh mục, nhưng việc bố trí nguồn kinh phí gặp nhiều khó khăn. Tổng vốn ước khoảng 2.275 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2024-2025 là 1.138,5 tỷ đồng; năm 2026 và sau năm 2026 khoảng 1.172 tỷ đồng. EVNHANOI đã báo cáo UBND thành phố để giao Sở Tài chính có ý kiến.

Với việc hạ ngầm đường dây tại 100 tuyến phố thực hiện trong giai đoạn 2024-2025 và một phần năm 2026, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội đang có khoản cho vay cải tạo lưới điện. Trong giai đoạn này, nguồn vốn đó có khả năng đáp ứng đủ. Tuy nhiên, sang đến năm 2026, EVNHANOI đề xuất vay tín dụng thương mại để thực hiện. EVNHANOI đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ khoảng 81,78 tỷ đồng. EVNHANOI xin được hỗ trợ 50% theo lãi suất đang vay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố là 4,98%/năm. EVNHANOI tạm tính xin hỗ trợ 231,37 tỷ đồng để bảo đảm hạ ngầm đồng bộ.

Ngân Hạ ghi

Theo Bảo Hân/Hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load