Thứ sáu 26/04/2024 13:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giữa lòng phố chật

19:19 | 18/08/2022

(Xây dựng) - Có đôi khi tôi muốn mình co lại, co lại, co lại... chỉ bằng hạt bụi để biết đâu gió xô tôi về đáp xuống nơi thềm nhà xưa, nằm im nghe gió phất phơ trưa hè mát rượi. Mắt lim dim ngất ngây bởi điệu nhạc êm êm trầm bổng từ chiếc máy cát sét cũ phát ra. Để vùi mình trong giấc ngủ thật chậm, thật sâu mà không ai giục giã nhanh lên, lẹ lên. Để những đua chen vội vã thường nhật ngoài kia không chạm đến nơi tôi được. Nhưng...! Thật khó! Bởi thời nay người ta sống vội, sống gấp và tôi cũng bị cuốn vào, đôi lúc rối ren rệu rã muốn thoát ra mà loay hoay mãi không xong.

giua long pho chat

Ngày qua, đêm về, phố phường tấp nập xôn xao, đâu đó muốn nghe một lời chào... ngoái tìm hoài chẳng thấy... Người ta gặp nhau vội vàng, lướt qua nhau vội vã, rồi cuộc sống, công việc cuốn họ vào guồng quay dần dần xa cách. Khó tìm thấy một ánh nhìn cảm thông trìu mến. Họ sẵn sàng nóng nảy, hằn học nhau vì những cản trở cỏn con đời thường. Sáng! Bước ra đường mọi sự nhốn nháo, xôn xao, rầm rập khắp lối. Dòng người nườm nượp hối hả, tiếng tít còi inh ỏi rền tai nhức óc. Người ta bận dữ dằn, phải hối hả lên mới kịp. Đèn vàng còn 1 giây nữa là chuyển sang đỏ thì đằng sau có tiếng rồ ga, phóng vụt như chớp để đáp cho kịp bên kia đường. Tôi dại dột không lao qua mà dừng lại là bị ăn chửi ngay. Không phải có một người, không chỉ có anh mà cả chị vượt lên rồi quay ngoắt lại ném cho cái lườm, nguýt. Tiếng the thé rít lên qua hai hàm răng: "Hâm đơ, đang đi dừng lại"...! Đứa hâm đơ tôi chỉ biết bẽn lẽn cụp mắt xuống thì thào: "Ơ, đèn đỏ rồi mà". Buông câu nói lý xong tự ái ngại, không biết giải thích để làm gì? Mình nói cho mình nghe à. Các anh, các chị đã vụt xa chỉ còn bằng cái chấm đen lẫn trong dòng người lúc nhúc mờ mờ. Ở đời, bị ăn chửi nhiều sẽ dần khôn ra. Bấy giờ phút chuyển giao giữa vàng sang đỏ, tôi có muốn dừng lại cũng phải tém tém vào lề từ từ đáp cho gọn, tránh lối cho các anh chị lao lên không vướng.

Ngày lại ngày, cứ trông thấy những vội vàng hối hả giữa lòng phố chật hẹp, giữa những con đường bàng bạc bóng mây trôi, giữa bao ngày đã qua và cả những đêm chưa tới... như thế. Ai cũng bận, cũng như một cỗ máy của công việc đến quên mất một lời hỏi han, một nụ cười chào nhau dù vội hay một cái nắm tay ân cần. Biết bao cảnh cha mẹ già theo con ra phố, ngày ngày làm bạn với bốn bức tường, với tivi, dõi ánh nhìn vò võ mỗi chiều tà chờ con, chờ cháu đi học, đi làm về. Hàng xóm xung quanh nhà nhà im ỉm, cửa đóng then cài, thèm có ai nói chuyện cũng tìm đâu ra. Đến chịu không nổi cảnh bận rộn của phố phường mà quạnh quẽ trong lòng, tặc lưỡi ông bà bàn nhau: Chắc phố chỉ dành cho lớp trẻ bận bịu của chúng nó thôi! Ta nên dắt díu về quê. Về với bà con, về với xóm láng giềng gần, ở đó người quê sống chậm, sống sâu hơn. Mỗi ngày từ nhà này ới lên một tiếng là có người nhà kia đáp lại, đi ra đi vào giáp mặt, cười chào vồn vã vậy mà vui.

Cuộc sống giờ bề bộn, gấp gáp lắm, bít hết mọi lối, không có chỗ cho người ta thả hồn mình lãng du thong thả. Đến bọn trẻ con sáng chiều còn kín lịch: học đàn, học bơi, học Anh văn... Sắp xếp sao dàn trải một tuần cho đủ để bố mẹ tiện việc nhà, việc công ty nữa.

Chung cư nơi tôi ở, cửa sát cửa chứ nửa năm chưa chắc đụng mặt nhau. Họa hoằn lắm va phải nhau nơi sảnh cũng chả biết đó là hàng xóm sát cửa nhà mình. Sáng, tối những cánh cửa đóng kín lặng thinh, nhà ai biết nhà đó. Thang máy là nơi dễ để người ta gặp nhau vào giờ đi làm hay tan tầm. Nhưng những lúc đó họ vẫn còn đang mải mê suy nghĩ về cơm áo gạo tiền. Tâm trí còn vướng vào công việc chưa hoàn thành nên có khi giáp mặt với người quen mà hóa không biết. Ngày ngày họ ngồi chật ních quán cà phê đó, nhưng trên bàn, trên tay là máy tính, điện thoại để giải quyết công việc. Thưởng thức ly cà phê có khi không cảm được vị. Vì mới đưa lên môi nhấp là có tiếng điện thoại reo, vội chép nhanh lại đặt xuống. Không đủ thời gian để vị đắng kịp từ từ tan ra nơi đầu lưỡi là nuốt vội xuống cổ để nói chuyện điện thoại rồi.

Kể ra, giờ ai cũng bận, lớp trẻ còn bận dữ hơn nữa. Người người sống vội, nhà nhà sống vội đã thành nếp. Nhưng boăn khoăn một nỗi: sống đã vội mà sự ra đi càng vội hơn. Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Hôm qua mới gặp gỡ nhau đó, còn tức giận, oán trách nhau, nóng giận nhen nhóm trong lòng nhau chưa nguội thì hôm sau đã khuất bóng về trời. Chưa kịp nói một lời, chưa kịp thứ tha cho nhau, chưa kịp ngoái lại vẫy tay chào cuộc sống đã vội vàng ôm theo những giận hờn khuất núi. Cuối cùng thì tưởng sống vội sống gấp để được nhiều hơn nhưng hóa ra đến mắt nhắm xuôi tay vẫn chưa kịp nhận lại gì...!

Giật mình nhận ra bản thân tôi cũng bị hòa vào dòng người đông đúc chật chội để rồi chẳng thấy mình đâu nữa. Dạ tự hỏi lòng, phải chăng sống vội quá tôi chỉ thấy những ngày tháng không màu trôi qua. Đã bao lâu rồi, tôi không biết cách bao nhiêu tháng má phải nhuộm lại chân tóc bạc một lần. Gương mặt má bao nếp nhăn mới đè lên nếp cũ, nhăn nheo chằng chịt dày lên từng bữa. Những cuộc gọi ngắn ngủi gói gọn vài câu: Má ăn cơm chưa, có khỏe không?.... Rồi cúp máy. Ngay đến bạn đời mình, cả ngày đi làm, tối về còn chẳng có thời gian để trao nhau một ánh nhìn trìu mến hay cái siết tay thật chặt cùng rảo bước dạo công viên. Thỉnh thoảng giật mình, lâu rồi không có một lời hỏi han với bạn, với anh, với chị mình…

Sống vội, sống gấp hay sống chậm cũng không giữ được đời người, có chăng đó chỉ là tâm thái ta tự buộc mình vào để đạt được thứ mình mong cầu. Hãy sống trọn vẹn với lòng mình, với trái tim đầy yêu thương, thấu hiểu với người thân, bạn bè. Sống vội để không bị tụt lại đằng sau, nhưng thỉnh thoảng ngoái lại trao nhau một ánh mắt, nắm lấy bàn tay nhau một chút.

Mỹ Kiều

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load