Trong điều kiện bất định của thế giới, mục tiêu ưu tiên của Việt Nam vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 0,75% (sau 2 lần tăng liên tiếp 0,75% trước đó) đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%. Nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam cũng đã tăng lãi suất, đơn cử Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) tăng 0,75%…
Ngay sau động thái của Fed, chiều 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, chỉ đạo các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô; tiếp đó Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ hôm nay 23/9.
Trong bối cảnh lãi suất ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo lập mặt bằng mới, tôi vẫn cho rằng ở Việt Nam lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể. Lý do là chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ hôm nay 23/9 (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn). |
Thực tế là, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD thì VND vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Chính phủ đã kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình.
Tới đây, lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư khó tránh khỏi bị tác động tiêu cực và giảm bớt lợi thế. Bởi vậy, trong hoạt động xuất khẩu, chúng ta cần phải chủ động đa dạng hóa thị trường, đối tác và phải đa dạng hóa cả các đồng tiền thanh toán. Qua đó tranh thủ được các hiệp định thương mại tự do cũng như những thị trường mới vẫn còn tiềm năng. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng hóa thiết yếu như da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản. Đây là những mặt hàng tiêu dùng nên tác động là có nhưng hy vọng sẽ ở mức thấp.
Với đầu tư, rõ ràng sức cầu trên thế giới sẽ giảm, chúng ta cần nỗ lực thu hút nguồn vốn từ hoạt động dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia; nếu làm tốt thì phần này sẽ giúp tăng ngoại tệ và bù đắp được sự sụt giảm từ xuất khẩu và thu hút đầu tư khác.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát nhưng cũng cần lưu ý rằng Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất (có thể tăng đến giữa năm 2023 và thậm chí đến hết năm 2023) khi mà giá cả, lạm phát còn ở mức cao.
Chính vì vậy, cơ quan điều hành sẽ phải liên tục bám sát tình hình để theo dõi, phân tích, đánh giá và đưa ra những kịch bản ứng phó, xử lý sao cho phù hợp, để kiểm soát rủi ro lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế và có thể tận dụng được một số cơ hội.
Ví dụ như tranh thủ việc dịch chuyển các dòng vốn đầu tư trong bối cảnh Việt Nam kiềm chế tốt dịch bệnh, kiểm soát tương đối tốt về lạm phát, giá cả, tỉ giá và đặc biệt là khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao, hợp tác với các nước rất sâu rộng.
Để hỗ trợ nền kinh tế, mà cụ thể là các doanh nghiệp thì chính sách tiền tệ phải tiếp tục thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, ổn định tỉ giá hợp lý, lãi suất huy động chịu áp lực tăng nhưng cần cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Nhiệm vụ này thực sự khó khăn, song là cần thiết!
Một nhiệm vụ khác cũng vô cùng quan trọng là công tác truyền thông nhằm giảm bớt tình trạng găm giữ đồng USD trong dân, giảm kỳ vọng lạm phát cũng như tâm lý lo ngại khi Fed tăng lãi suất.
Trong bối cảnh hiện tại, thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần có chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, đồng thời rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm… Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công cũng cần được đôn đốc mạnh mẽ hơn, thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước.
Suy cho cùng, việc Fed tăng lãi suất là nhằm giảm tổng cầu, giảm kỳ vọng lạm phát và việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam đạt được như ngày hôm nay cũng là nhờ phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ và dùng đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tỉ giá hợp lý.
Kiểm soát lạm phát chính là thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô nhưng tôi tin rằng, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát lạm phát khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo TS Cấn Văn Lực/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/blog/giu-on-dinh-trong-dieu-kien-bat-dinh-20220922235139706.htm