Thứ năm 02/01/2025 20:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Giao Thủy (Nam Định): Chuyển mình vươn lên

11:27 | 13/03/2024

(Xây dựng) – Quy hoạch chung tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt đã mở ra cánh cửa mới để huyện Giao Thủy từ một vùng đất nghèo khó, thuần nông đứng trước cơ hội bứt phá vươn lên trở thành 1 trong 4 cực phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định.

Giao Thủy (Nam Định): Chuyển mình vươn lên
Hạ tầng phát triển sẽ tạo cú hích để huyện Giao Thủy vượt khó vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.

Huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vốn là mảnh đất thuần nông, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, có diện tích tự nhiên là 238,2km2, dân số khoảng 24 vạn người, là nơi có truyền thống hiếu học, yêu nước, thiên nhiên phong phú, người dân hiền lành, chăm chỉ lao động sản xuất.

Thế nhưng, huyện Giao Thủy lại là mảnh đất cụt, cuối tỉnh hướng ra biển thường xuyên chống chọi với bão biển hung dữ. Phía Bắc giáp tỉnh Thái Bình nhưng lại cách trở bởi dòng sông Hồng rộng lớn. Trong khi đó giao thông, hạ tầng chưa kết nối nên việc giao thương, đi lại gặp nhiều khó khăn, phương tiện chủ yếu để kết nối 2 bờ Thái Bình - Nam Định là các bến đò ngang. Phía Đông giáp biển nhưng kinh tế biển chỉ phát triển manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của các hộ dân sống bằng nghề nuôi, đánh bắt thủy hải sản ven bờ, không có cảng biển; bãi biển nông, đục không phát triển du lịch.

Trước đây, kinh tế phát triển chậm, chủ yếu dựa vào nghề nông, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản mà chưa có điều kiện mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ, du lịch và sản xuất công nghiệp. Sở dĩ bởi tính liên thông, kết nối với các địa phương trong tỉnh còn thiếu và yếu, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, muộn nên chưa thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Giao Thủy (Nam Định): Chuyển mình vươn lên
Giao Thủy (Nam Định): Chuyển mình vươn lên
Tới đây, những người nông, ngư dân “một nắng hai sương” sẽ có cơ hội được làm việc trong những nhà máy, công xưởng hiện đại với thu nhập ổn định hơn.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ, còn hiện nay kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân đã tăng lên đáng kể. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 22.500 tỷ đồng, thu nhập thực tế bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng, tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều chỉ còn 1,09%. Toàn huyện đã có 18 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, 11 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí mới. Sản phẩm OCOP lũy kế toàn huyện đến nay đã có 108 sản phẩm đạt từ 03 sao trở lên.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển từ trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt sang công nghiệp, dịch vụ và xây dựng. Có thể thấy rõ bởi tỷ trọng ngành kinh tế xây dựng, công nghiệp và dịch vụ năm 2023 đạt xấp xỉ 70% trong khi nông, lâm, thuỷ sản chỉ còn chiếm khoảng 30%.

Đó là kết quả của sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Nam Định, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ và nhân dân huyện Giao Thuỷ thời gian qua.

Ngày 6/3, tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị công bố Quyết định 1729/QĐ-TTg ngày 28/12/2023 của Thủ tướng về việc Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, huyện Giao Thủy được định hướng trở thành 1 trong 4 cực tăng trưởng của tỉnh và là vùng phát triển về kinh tế biển cùng với các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường.

Giao Thủy (Nam Định): Chuyển mình vươn lên
Những con đường mới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới.

Định hướng thế mạnh là phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và thủy sản. Xây dựng huyện Giao Thủy trở thành cực động lực phía Đông Nam của tỉnh; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trung tâm đô thị Giao Thủy được định hướng sẽ gồm thị trấn Quất Lâm, thị trấn Giao Thủy và đô thị Đại Đồng.

Huyện Giao Thủy nằm trên 2 trong 5 hành lang kinh tế của tỉnh gồm: Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy), đây là hành lang phát triển động lực chủ đạo. Ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái biển, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ cảng và logistics; Hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy, là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, du lịch.

Hiện nay, 2 trục giao thông quan trọng kết nối huyện Giao Thủy đi các huyện, các tỉnh đang được tỉnh đầu tư xây dựng quyết liệt và sắp được đưa vào sử dụng.

Đó là tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng mức đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng; chiều dài toàn tuyến là 65,58km; có phạm vi bắt đầu từ KM0+00 thuộc xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy), kết thúc tại KM65+580 thuộc xã Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng) và tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần kết nối với đường bộ ven biển, chiều dài toàn tuyến tính từ thành phố Nam Định khoảng 33km; với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, quy mô đường cấp I đồng bằng, vận tốc thiết kế 100km/h, bề rộng nền đường 39m, mặt đường 8 làn xe, giải phóng mặt bằng trên phạm vi toàn tuyến với mặt cắt ngang khoảng 100m.

Hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy đã tích cực rà soát, tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; các dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Theo phương án phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định được Thủ tướng phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030 thì huyện Giao Thuỷ sẽ có 4 khu công nghiệp (KCN) đó là: KCN Hải Long (diện tích 1.100ha), giai đoạn I, diện tích 180ha; KCN Thịnh Tân (diện tích 400ha), giai đoạn I, rộng 100ha; KCN Lạc Xuân (khoảng trên 210ha), giai đoạn I, rộng 100ha và KCN Giao Thịnh rộng 200ha.

Huyện có 12 cụm công nghiệp (CCN), gồm: CCN Giao Thiện, Giao Lạc, Hồng Thuận, Giao Tiến, Giao An, Giao Hải, Giao Xuân, Nhân Châu, Giao Nhân, Giao Thiện 2, Giao Yến 1, Yến Châu đều có diện tích từ 50 đến 75ha.

Giao Thủy (Nam Định): Chuyển mình vươn lên
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, du lịch.

Đối với quy hoạch phương án phát triển khu du lịch, bất động sản, nghỉ dưỡng trên toàn tỉnh, huyện Giao Thủy được quy hoạch phát triển Vườn quốc gia Xuân Thủy (du lịch sinh thái) với diện tích khoảng 15.000ha; Khu du lịch biển Quất Lâm diện tích 195ha; Khu du lịch đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Giao Thủy gồm tổ hợp nhà ở, dịch vụ nghỉ dưỡng, thể thao, sân gôn… rộng 270ha và khu du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, sân golf, vui chơi cao cấp Bạch Long 250ha.

Song song với công tác quy hoạch là việc mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn và bước đầu đã đạt được kết quả tích cực.

Ngay tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 và Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức ngày 06/3/2024 vừa qua, toàn tỉnh có 9 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ, trong đó trên địa bàn huyện Giao Thủy có 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) khảo sát, nghiên cứu đầu tư hạ tầng KCN Hải Long (quy mô 1.100ha); Tập đoàn Flamingo khảo sát, nghiên cứu đầu tư khu du lịch sinh thái; Công ty Cổ phần Tập đoàn An Thịnh khảo sát, nghiên cứu đầu tư khu nghỉ dưỡng, tắm biển, thể dục thể thao, sân golf, vui chơi cao cấp ven biển…

Mới đây nhất, ngày 12/3, UBND tỉnh Nam Định đồng ý chủ trương cho Ban Quản lý các KCN tỉnh tổ chức lập quy hoạch xây dựng 6 KCN trên địa bàn tỉnh trong đó tại huyện Giao Thủy có KCN Hải Long quy mô khoảng 1.100ha; KCN Thịnh Tân quy mô khoảng 400ha; KCN Lạc Xuân quy mô khoảng 210ha.

Ngày 15/3, huyện Giao Thủy chính thức khởi công CCN Giao Thiện với quy mô 75ha (giai đoạn 1 rộng 50ha). Đây có thể coi là 1 sự khởi đầu mới, mở ra kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, đánh dấu sự chuyển dịch từ 1 nền kinh tế thuần nông sang phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch, sản xuất.

Rồi đây, sẽ có hàng nghìn nông dân được làm việc trong các nhà máy, công xưởng, các khu du lịch cao cấp với thu nhập ổn định, đời sống kinh tế, văn hóa được nâng lên, con em người dân địa phương sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng sẽ trở về quê hương tiếp tục bám trụ với mảnh đất cha ông giàu truyền thống yêu nước, hiếu học. Tiếp tục được cống hiến, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nhưng ở vị thế mới, tầm cao mới và cơ hội mới.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load