Ba nhà khoa học vinh dự nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018, đều còn trẻ cả về tuổi đời lẫn thời gian nghiên cứu nhưng đã có những công bố khoa học trên các tạp chí uy tín hàng đầu quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tới dự lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018, sáng 18/5, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành, cơ quan của Quốc hội cùng các nhà khoa học, đại diện các tổ chức khoa học và công nghệ…
Năm 2018, Ban Tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 đã tiếp nhận 54 hồ sơ đăng ký tham gia. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đánh giá và đề cử 9 hồ sơ để tiếp tục đưa ra xét chọn trao 2 giải thưởng chính cho công trình “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” của TSKH. Trần Đình Phong (37 tuổi), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); công trình “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý” của PGS.TS Phạm Văn Hùng (44 tuổi), Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM.
Công trình được trao giải thưởng trẻ thuộc về lĩnh vực Vật lý “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng”của TS. Đỗ Quốc Tuấn (33 tuổi), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Đức Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đánh giá các công trình năm nay đều có chất lượng tốt, được xuất bản trên các tạp chí có uy tín và một vài trong số đó có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Đơn cử công trình của TSKH. Trần Đình Phong và nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp thiết kế một thiết bị sản xuất tách Hydro từ nước bằng năng lượng mặt trời có thể đạt hiệu suất chuẩn của Cơ quan năng lượng Mỹ. Góp phần giải quyết bài toán thay thế Bạch kim bằng những vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm, trữ lượng lớn để sản xuất được Hydro từ nước với giá thành rẻ hơn từ khí thiên nhiên.
Công trình được công bố trong Nature Materials là một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, được SCIMAGO xếp hạng 2/1.983 trong Khoa học vật liệu, 2/863 trong Hoá học và 3/4.363 trong Kỹ thuật.
Trong khi đó, công trình của PGS.TS Phạm Văn Hùng và nhóm nghiên cứu đã tạo ra được các loại tinh bột có chỉ số đường huyết trung bình và thấp. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam để phòng chống các bệnh mãn tính của con người và đặc biệt dùng cho các bệnh nhân tiểu đường và béo phì.
Công trình được công bố trong Food Chemistry là một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học, được SCIMAGO xếp hạng 9/273 trong Công nghệ thực phẩm.
Bên cạnh hai công trình có khả năng ứng dụng thực tiễn cao, công trình vật lý lý thuyết của TS. Đỗ Quốc Tuấn đã mở rộng Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng cho mô hình không thời gian có số chiều lớn hơn 4, vốn được hầu hết các công trình trước đây tập trung nghiên cứu. Các kết quả tính toán của TS. Đỗ Quốc Tuấn cho thấy lý thuyết hấp dẫn phi tuyến trong mô hình không thời gian 4 chiều hoàn toàn có thể mở rộng lên không thời gian 5 chiều hoặc cao hơn nữa.
Công trình được công bố trong Physical Review D là một tạp chí khoa học có uy tín cao trong lĩnh vực Vật lý, được SCIMAGO xếp hạng 79/1.225 trong Vật lý và Thiên văn học.
Phát biểu tại lễ trao giải, TSKH. Trần Đình Phong chia sẻ: Công trình được lựa chọn trao giải là một nghiên cứu trong chuỗi những nghiên cứu mà tôi và đồng nghiệp đang tiến hành với mục đích chế tạo được một chiếc lá nhân tạo có thể chỉ với năng lượng mặt trời và nước biển tạo ra nhiên liệu sạch Hydro. Có thể, trong tương lai khi chiếc lá nhân tạo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sản xuất công nghiệp được chế tạo thành công thì một công nghệ khác ưu việt hơn được phát triển và ứng dụng.
Những người làm nghiên cứu, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, thật hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới nó nhiều khi không hẹn trước và chúng tôi cũng chuẩn bị cho mình tinh thần của người không thành công. Tuy nhiên, trên con đường đó có một giá trị chắc chắn mà các nghiên cứu nghiêm túc đem lại: Đào tạo con người, những người có đầu óc phân tích và sáng tạo trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao tặng Giải thưởng cho TSKH. Trần Đình Phong và PGS.TS Phạm Văn Hùng. Ảnh: VGP
Còn đối với PGS.TS Phạm Văn Hùng, mỗi công trình nghiên cứu, dù là cơ bản hay ứng dụng, để có được các kết quả xuất sắc, đều phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu để được tự do sáng tạo.
Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng, việc thành lập và triển khai mô hình tài trợ đề tài nghiên cứu khoa học qua Quỹ NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ với đặc điểm nổi bật là sự công bằng và tính minh bạch trong quá trình xét chọn, nghiệm thu và thanh quyết toán đề tài đã được các nhà khoa học đánh giá cao. Các nhà nghiên cứu trẻ có năng lực đã không còn băn khoăn làm thế nào để có được kinh phí nghiên cứu. Nhờ đó, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí thuộc danh mục ISI đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua.
“Chúng tôi mong muốn Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và tăng tính tự chủ trong công tác nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao và có các công bố khoa học xuất sắc. Các doanh nghiệp và nhà khoa học được tạo điều kiện thuận lợi, kết hợp chặt chẽ để đưa những ý tưởng, những kết quả nghiên cứu trở thành các sản phẩm ứng dụng trong thực tế”, PGS.TS Phạm Văn Hùng bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định qua 5 năm tổ chức xét tặng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã nhận được sự đánh giá, ghi nhận tích cực của cộng đồng các nhà khoa học như một Giải thưởng uy tín, nghiêm túc, chất lượng. Giải thưởng đã góp phần động viên, khích lệ các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ hướng tới những nghiên cứu chất lượng cao tại Việt Nam; cổ vũ cho việc xây dựng môi trường học thuật, sáng tạo và thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đủ tầm thực hiện những công trình nghiên cứu ở trình độ quốc tế.
Trong 14 nhà khoa học đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu, phải kể đến 2 nhà khoa học là GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và PGS.TS Nguyễn Sum đã được tạp chí Asian Scientist đánh giá nằm trong tốp 100 nhà khoa học có ảnh hưởng của Châu Á năm 2017 dựa trên công trình nghiên cứu được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017. Đây là minh chứng cho thấy Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng uy tín, được nhìn nhận, tham khảo ở tầm châu lục.
Theo Đình Nam/Chinhphu.vn