(Xây dựng) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thay thế cho Nghị định số 46/2018/NĐ-CP.
Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (quốc gia/đô thị) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. |
Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Tuy nhiên, qua 05 năm triển khai thực hiện, quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP và công tác quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đã phát sinh những hạn chế, bất cập cần được giải quyết, khắc phục để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác đối với các tài sản này. Một số khó khăn, bất cập chủ yếu gồm:
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 46/2018/NĐ-CP bao quát chưa hết các loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, quản lý hoặc chưa làm rõ chế độ quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số trường hợp; cụ thể: (i) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị (như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội, Sài Gòn - Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh); (ii) Chưa làm rõ chế độ quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quản lý và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do đối tượng khác (thuộc các Bộ, ngành khác ngoài Bộ Giao thông vận tải) quản lý hoặc đã bán, chuyển nhượng, tính vào giá trị để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ hai, việc giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho đối tượng quản lý phát sinh bất cập. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia vẫn chưa giao được cho đối tượng quản lý theo quy định.
Lý do là tính chất đặc thù tài sản kết cấu hạ tầng nói chung, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nói riêng với giá trị đầu tư lớn, khó thu hồi vốn, quản lý vận hành mang tính chất chuyên ngành. Do đó, trường hợp giao cho cơ quan quản lý tài sản quản lý (chưa đủ bộ máy và năng lực trong việc quản lý, tổ chức khai thác, xử lý tài sản); trường hợp giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản theo hình thức không tính thành phần vốn phải lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác của doanh nghiệp quản lý tài sản cần quy định cụ thể trong Đề án và phải căn cứ vào quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP mà quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP là quy định việc giao, quản lý tài sản đối với cơ quan Nhà nước theo hình thức tăng tài sản, như áp dụng đối với doanh nghiệp theo hình thức không tính thành phần vốn có sự không phù hợp và không khả thi trong thực hiện).
Thứ ba, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho đối tượng quản lý còn chồng chéo và chưa rõ; cụ thể: Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được hình thành từ dự án sử dụng vốn Nhà nước, được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì việc giao tài sản cho đối tượng quản lý, việc xử lý tài sản (giao, điều chuyển) thực hiện theo quy định về xử lý đối với tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân hay thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Thứ tư, việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chưa phản ánh hết tính chất đặc thù của từng loại tài sản và chưa tính đến đối tượng giao gắn với hình thức giao quản lý nên các hình thức thức khai thác tài sản (cụ thể đối với hình thức trực tiếp tổ chức khai thác) chưa phát huy tác dụng trong thực tế.
Thứ năm, việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo một số hình thức (như: Sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; bán tài sản) không còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và thực tế hiện nay; đồng thời một số loại tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc thay đổi quy hoạch loại ra khỏi danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhưng chưa có cơ chế để thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; theo đó cần phải sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.
Thứ sáu, việc kế toán, báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chưa được đầy đủ và kịp thời; việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được thực hiện, chưa có thông tin để tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Từ cơ sở nêu trên, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (thay thế cho Nghị định số 46/2018/NĐ-CP) là cần thiết và có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (quốc gia/đô thị) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm tất cả các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, quản lý đều xác định được chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong quản lý, hạch toán tài sản, khai thác tài sản.
Khánh An
Theo