Thứ ba 05/11/2024 00:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giải pháp xử lý rác thải nhựa

14:26 | 07/11/2019

(Xây dựng) - Sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hằng ngày đã, đang là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp được đề xuất, thực hiện, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền các đô thị, đặc biệt là sự tham gia tích cực từ cộng đồng, người dân trong việc đẩy lùi nguồn rác thải nhựa.

giai phap xu ly rac thai nhua
Rác thải nhựa là nguồn thải nguy hại khó phân hủy…

Phát sinh rác thải nhựa hàng giờ

Đồ nhựa hiện diện ở mọi nơi xung quanh ta, từ những vật dụng bé nhỏ hằng ngày như giấy gói kẹo, hũ sữa chua, ống hút, túi nilon, giày, dép… Nhu cầu cuộc sống hằng ngày của con người đã thúc đẩy quá trình gia tăng sản xuất, buôn bán và ở cuối chu trình này là việc thải loại chất thải nhựa ra môi trường. Đáng lưu ý, rác thải nhựa là những chất không được phân hủy trong nhiều môi trường.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, hiện nay lượng chất thải trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%. Trong đó, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. CTR y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6%/năm, tổng lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng 7 triệu tấn/năm.

Đặc biệt, lượng CTR sinh hoạt đô thị tăng mạnh nhất ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng..., lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800.000 tấn/năm.

Tại Hà Nội, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn TP phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 8 - 10% là rác thải nhựa.

Còn theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, trong tổng số 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP, có tới 1.800 tấn rác thải nhựa và nilon…

Với đặc tính bền, khó phân hủy, sản phẩm nhựa và túi nilon đang là thách thức không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường. Báo cáo tổng hợp từ Liên Hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17 trên 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm do rác thải nhựa lớn trên thế giới, 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.

Nguyên nhân dẫn đến phát sinh chất thải nhựa chính vì tiện lợi, dễ sử dụng, giá thành rẻ, thói quen của con người vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, đô thị hóa và gia tăng dân số làm chất thải nhựa ngày càng gia tăng…

Trong khi đó, loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất chính là nhựa. Bởi trong nhựa có chứa một chất độc hại là DOP, có thể gây ảnh hưởng giới tính bé trai và gây vô sinh ở bé gái.

Không những thế, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Chất thải nhựa cũng sẽ thải ra môi trường rất nhiều khí độc hại và gây hiệu ứng nhà kính nếu việc đốt nhựa không thực hiện đúng quy chuẩn…

Đề xuất nhiều giải pháp

Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề tập trung giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp hạn chế sử dụng rác thải nhựa như: Ban hành kế hoạch về việc hành động chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP Hà Nội đến năm 2020.

TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019; Giảm dần việc sử dụng túi nilon khó phân hủy sử dụng một lần; Giảm thiểu phát thải chất thải nhựa; Tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa; Đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

TP.HCM hiện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa với chiến lược biến rác thành tài nguyên, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa vào thực tiễn.

Cuối tháng 7/2019, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch về thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2021. Đồng thời, TP cũng đang triển khai chương trình ERASMUS+ của Liên hiệp châu Âu tài trợ thực hiện dự án Mạng lưới tái chế nhựa Đông - Nam Á - châu Âu nhằm nâng cao năng lực đào tạo và giáo dục về tái chế nhựa ở Lào và Việt Nam…

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường…, thì cần thiết phải phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Đồng thời, cần phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn. Khâu này là quan trọng nhất bởi nhựa công nghiệp thì dễ phân loại nhưng nhựa tiêu dùng như ống mút, túi nlon do người dân vứt vào thùng rác rồi đem chôn lấp hoặc vứt bừa bãi, cực kì ô nhiễm vì khó phân hủy…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load