Thứ sáu 28/06/2024 06:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giải pháp thúc đẩy hạ tầng du lịch biển

08:10 | 21/06/2024

(Xây dựng) - Sở hữu lợi thế và tiềm năng lớn về du lịch biển, khi có đường bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng thu hút du khách trong nước và thế giới. Mặc dù, đã chú trọng đầu tư và nâng cấp đáng kể nhưng hạ tầng một số khu du lịch biển đang là nút thắt “kìm hãm” sự phát triển.

Giải pháp thúc đẩy hạ tầng du lịch biển
Hạ tầng du lịch biển tại nhiều vùng biển đẹp ở nước ta đang “lép vế” so với tiềm năng vốn có.

Hạ tầng du lịch biển đang “lép vế” so với tiềm năng

Việt Nam là quốc gia có vị trí biển thuận lợi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với đường bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng khắp thế giới, thu hút du khách, chính vì vậy nước ta được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng, lợi thế lớn về tài nguyên biển. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc, tạo sự hấp dẫn đối với du khách để phát triển du lịch biển.

Bên cạnh vẻ đẹp hấp dẫn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nước ta có tiềm năng rất lớn để khai thác các hoạt động thể thao, giải trí trên biển như du thuyền, đua thuyền buồm, lặn biển, ván đứng...

Trên thực tế, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam đã được chú trọng đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng… Số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương cũng chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách, tiềm năng phát triển khách du lịch.

Một trong những khu du lịch biển tiềm năng là TP Nha Trang cũng đang gặp phải nhiều vướng mắc trong cơ sở hạ tầng cảng biển, gây gián đoạn cho quá trình phát triển du lịch tàu biển tại đây. Nha Trang sở hữu một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam và khí hậu, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, mùa nắng kéo dài, thuận lợi cho phát triển du lịch và thu hút lượng khách du lịch lớn, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, tuy nhiên hiện nay hạ tầng cảng biển tại Nha Trang đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc khiến ảnh hưởng trực tiếp tới những chuyến tàu đón khách du lịch tiềm năng.

Vào đầu tháng 4/2024, Công ty CP Cảng Nha Trang đã có văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động trong thời hạn 6 tháng để sửa chữa vì hạ tầng xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn, đây là một bài toán gây nhiều thách thức khi làm sao để giải quyết được việc cơ sở hạ tầng biển đang “kìm hãm” tăng trưởng khách du lịch tàu biển đến với Nha Trang.

Hiện nay, ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã tính đến phương án đón tàu du lịch biển tại cảng quốc tế Cam Ranh, TP Cam Ranh. Tuy nhiên, cảng này cách xa các điểm tham quan tại TP Nha Trang hơn 50 km, điều này sẽ gây trở ngại cho du khách, doanh nghiệp khi phải trung chuyển khách qua một quãng đường rất dài để có thể cập bến TP Nha Trang. Trong năm 2024, Khánh Hòa dự kiến đón 45 chuyến tàu biển. Tuy nhiên cảng Nha Trang đang sửa chữa, còn cảng quốc tế Cam Ranh lại cách xa trung tâm và thiếu các tour, tuyến tại chỗ khiến cho tỉnh này có thể mất hàng ngàn khách tàu biển quốc tế.

Bên cạnh đó, so với các trung tâm du lịch trong khu vực Đông Nam Á, số lượng cơ sở lưu trú cao cấp tại Nha Trang vẫn còn ít ỏi. Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, ước tính 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón hơn 3,8 triệu lượt khách lưu trú, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt, tăng 70% so với cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 2 triệu lượt, tăng 290% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng nghỉ 3 - 5 sao tại thành phố này chưa vượt quá 30% tổng số phòng, trong khi tại Phuket (Thái Lan), tỷ lệ này luôn trên 80%, mặc dù Nha Trang có tiềm năng phát triển cao hơn.

Hay tại Đà Nẵng, mặc dù du lịch biển của thành phố đã tạo được thương hiệu quốc tế với hệ thống các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ giải trí biển hấp dẫn. Tuy nhiên, dịch vụ và du lịch biển Đà Nẵng vẫn chưa tạo được sự khác biệt nổi trội so với các địa phương khác trong vùng. Theo TS Huỳnh Huy Hòa, các dịch vụ, hoạt động thể thao, giải trí trên biển mới chỉ thu hút được đối tượng là khách phổ thông và chưa có phân khu riêng cho dòng khách cao cấp. Không gian phát triển các sản phẩm du lịch biển chỉ tập trung được đầu tư ở khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chỉ mới phát triển ở khu vực biển (bờ Đông Bắc bán đảo Sơn Trà), riêng khu vực phía Tây và phía Bắc thành phố (Làng Vân) chưa được đầu tư tương ứng với tiềm năng.

Giải pháp thúc đẩy hạ tầng du lịch biển
Ảnh: Đặng Ngân.

Cần những giải pháp căn cơ

Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác có hiệu quả những tiềm năng lớn về du lịch, đầu tiên cần phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng tại các khu du lịch biển, trong đó có cảng biển, tránh việc cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng, dẫn tới mất đi nguồn khách du lịch lớn, đặc biệt là khách du lịch quốc tế với mức chi tiêu cao, tiềm năng lớn.

Tại Diễn đàn “Khơi thông dòng chảy Bất động sản du lịch Nghỉ dưỡng” do Báo Xây dựng phối hợp với các đơn vị tổ chức tại Nha Trang vào ngày 18/5 vừa qua, theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn về Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nơi đây nói chung và cả nước nói riêng phục hồi và phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp cần phải tiếp cận và có tư duy tháo gỡ, chính quyền cần phải có sự chia sẻ với doanh nghiệp và Chính phủ cần biết cách tạo ra những mạch xử lý vấn đề để gỡ khó cho các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc. Ông Thiên cũng đánh giá cao quy hoạch TP Nha Trang vừa được thông qua, đây là điều kiện để thúc đẩy cho du lịch Nha Trang sẽ phát triển hơn nữa, đồng thời Nha Trang cũng cần định hình để phát triển kinh tế đêm mạnh mẽ hơn, thu hút nhà đầu tư lớn để phát triển các giá trị lớn về du lịch, đẩy mạnh phát triển hạ tầng.

Đồng thời, để phát triển du lịch biển, cần đầu tư hạ tầng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương tương xứng với lượng tăng trưởng du khách, tiềm năng phát triển khách du lịch. Trong đó, cần có những chính sách kích cầu, thu hút nhà đầu tư, đặc biệt cần đầu tư trọng điểm, không dàn trải, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Song song đó, cũng cần quy hoạch lại tổng thể các điểm du lịch, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường thiên nhiên, khai thác đi đôi với bảo tồn, tập trung phát triển du lịch ven biển, đô thị biển, các hoạt động vui chơi, tham quan đa dạng, đổi mới và thu hút khách du lịch hơn.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load