Thứ sáu 08/11/2024 21:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Giai cấp công nhân Xi măng Hải Phòng - 59 mùa hoa Phượng thực hiện lời dạy của Bác Hồ

14:13 | 17/05/2016

(Xây dựng) - Cách đây 59 năm, ngày 30-5-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Nhà máy xi măng Hải Phòng. Bác đã nói chuyện và căn dặn cán bộ, công nhân viên nhà máy " ... Nhà máy xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân, bây giờ là của các cô các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình...".


 Bác Hồ về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng ngày 30/5/1957 (Ảnh:  Bảo tàng Hải Phòng)

Thực hiện lời dạy của Người, 59 năm qua, những người thợ xi măng luôn phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong mỗi giai đoạn của đất nước, cũng như trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay.

Bước vào thờ kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vào những năm 1996, Công ty xi măng Hải Phòng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn gay gắt và thách thức lớn về tình trạng thiết bị công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh trên thị trường yếu kém lại chịu sức ép rất mạnh về giải quyết ô nhiễm môi trường; vấn đề giải quyết công ăn việc làm, ổn định về đời sống, tư tưởng cho một lực lượng quá đông lao động của Công ty, là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp. Đứng trước những câu hỏi lớn: “Phải làm gì? làm như thế nào? để giải quyết những khó khăn thách thức rất lớn, với yêu cầu vô cùng bức xúc do lịch sử để lại? và phải làm như thế nào? để khắc phục sự tụt hậu quá xa về kỹ thuật - thiết bị sản xuất để tham gia vào tiến trình CNH-HĐH ngành công nghiệp xi măng”. Cán bộ, công nhân viên XMHP tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu cao hơn, với quyết tâm lớn hơn, cùng một lúc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: “Vừa sản xuất; Vừa chuyển đổi sản xuất”. Tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh nhằm giải quyết việc làm, ổn định đời sống và tư tưởng của cán bộ, công nhân viên. Vừa nỗ lực phấn đấu xây dựng Nhà máy xi măng Hải Phòng mới, nhằm nhanh chóng chuyển đổi sản xuất, tiền đề của sự tồn tại và phát triển của XMHP trong thời kỳ cạnh tranh, hội nhập.

Tháng 11 năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1019/TTg về việc đầu tư Dự án Nhà máy xi măng Hải Phòng (mới). Ban Quản lý Dự án được thành lập ngày 28/02/1998. Cùng với Dự án xây dựng nhà máy XMHP mới đã có 3 dự án chuyển đổi có hiệu quả là: thành lập Trường Công nhân kỹ thuật xi măng (nay là Trường Trung cấp nghề kỹ thuật xi măng); thành lập Xí nghiệp Vận tải - Sửa chữa thuỷ (nay là CTCP TM-DV-VT XMHP) và thành lập Xí nghiệp Bao bì xi măng (nay là CTCP Vicem Bao Bì HP). Công ty Xi măng Hải Phòng đã giải quyết chu đáo chế độ cho gần 2.000 lao động dôi dư do chuyển đổi sản xuất và sắp xếp bố trí, đào tạo nhân lực cho dây chuyền mới.

Nhà máy XMHP(mới) được khởi công xây dựng ngày 25/12/2002, trên mặt bằng của Xí nghiệp Đá Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Tổng mức đầu tư cho nhà máy mới là 208,68 triệu USD, với công suất thiết kế 1,4 triệu tấn xi măng/năm, công nghệ thiết bị hiện đại của hãng F.L.Smidth Vương quốc Đan Mạch chuyển giao, đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.

Rất nhiều khó khăn trở ngại, nhiều phát sinh trong quá trình xây dựng, đặc biệt là việc xử lý hang caster khi thi công móng cọc nhà máy, đã được Ban Quản lý Dự án cùng các bên liên quan tìm cách khắc phục. Hội đồng thi đua liên ngành được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Chỉ trong 18 tháng, các thiết bị đã được lắp đặt xong, các hạng mục thuộc công đoạn sản xuất clinker đã cơ bản hoàn thành. Hồi 11 giờ 30 ngày 30/11/2005, mẻ clinker đầu tiên ra lò, đạt chất lượng tốt, về trước 32 ngày so với kế hoạch.

Ngày 10/12/2005, Công ty long trọng tổ chức: “Lễ chuyển lửa lò nung và khánh thành công đoạn sản xuất clinker Nhà máy xi măng Hải Phòng mới”. Ngày 19/05/2006, hệ nghiền - đóng bao Nhà máy (mới) đi vào hoạt động. Kết thúc thắng lợi vẻ vang quá trình chuyển đổi, nhà máy XMHP mới ra đời.

Tại Nhà máy cũ, Công ty đã tổ chức Lễ dừng lò nung ngày 24/01/2006 và ngừng hoạt động của hệ nghiền - đóng bao ngày 31/05/2006, chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất xi măng tại nhà máy cũ sau 107 năm trường kỳ hoạt động. Phát huy truyền thống, cán bộ công nhân viên Công ty xi măng Hải Phòng chính thức bước vào giai đoạn lịch sử mới với thế và lực mới, tiếp tục đưa Xi măng Hải phòng phát triển bền vững.  Mặt bằng Nhà máy cũ, đã và đang được thành phố triển khai xây dựng một khu đô thị mới với nhiều khu thương mai, khách sạn cao cấp, chung cư cao tầng, khu văn phòng cho thuê, khu biệt thự, khu vui chơi giải trí, trường học, bênh viện và Bảo tàng, bảo tồn ngành Xi măng. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành khu đô thị hiên đại, điểm nhấn của Đô thị Hải phòng.

Những năm đầu đưa Nhà máy mới đi vào sản xuất, Công ty đã gặp không ít khó khăn, sản xuất trong điều kiện vừa tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại của dự án, vừa giải quyết thanh lý tài sản và quy hoạch mặt bằng nhà máy cũ, đặc biệt là giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất liên tục tăng, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thành công đầu tiên khi đưa nhà máy mới vào hoạt động, đó chính là đội ngũ kỹ sư, công nhân vận hành nhà máy trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng tiếp thu, nắm bắt và làm chủ được dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngay trong giai đoạn sản xuất thử đầu năm 2006, lò nung của nhà máy đã đạt 90% công suất thiết kế và sản phẩm sản xuất thử đạt 100% chính phẩm, có lãi trên 15 tỷ đồng. Năm đầu tiên nhà máy mới sản xuất đã đạt xấp xỉ 1 triệu tấn clinker, các năm tiếp theo sản xuất ngày một tăng trưởng đạt và vượt công suất thiết kế. Xi măng sản xuất và tiêu thụ từ 1 triệu tấn năm đầu tiên, tăng lên 1,4 triệu tấn năm thứ hai, lên 1,60 triệu tấn năm thứ ba và năm thứ tư, đạt xấp xỉ 1,8 triệu tấn, vượt gần 30% công suất thiết kế của nhà máy và gấp 4 lần so với sản lượng nhà máy cũ. Từ năm 2010 đến nay do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tiền tệ tài chính và suy thoái kinh tế thế giới làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước suy giảm mạnh, nhiều Doanh nghiệp bị giải thể phá sản, tạm ngưng sản xuất, nhưng XM Vicem Hải Phòng vẫn duy trì SXKD ổn định đạt công suất thiết kế, đảm bảo được việc làm và đời sống cho CB-CNV.

Hơn 10 năm qua, nhà máy XMHP mới đã sản xuất hơn 10,70 triệu tấn clinker, sản xuất và tiêu thụ 15 triệu tấn sản phẩm; Doanh thu đạt hơn 13.150 tỷ đồng, thu xếp trả nợ vốn và lãi vay ĐTXD nhà máy mới 3.135 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng, số còn lại 665 tỷ đồng sẽ được trả hết trong một hai năm tới. Nộp ngân sách cho nhà nước 520 tỷ, bình quân 52 tỷ đồng/năm. Về lợi nhuận những năm đầu SXKD lỗ theo kế hoạch, đến 2 năm gần đây bắt đầu có lãi. Đặc biệt là thu nhập tiền lương và đời sống của người lao động có bước cải thiện lớn. Trước đây, khi còn ở nhà máy cũ, với mức lương bình quân mỗi tháng chỉ khoảng 1.500.000 đồng, thì nay thu nhập bình quân đã đạt và vượt con số 9.000.000 đồng, là một trong những doanh nghiệp có thu nhập cao của Thành phố. Về điều kiện và môi trường làm việc của người lao được cải thiện, đời sống tinh thần không ngừng nâng cao, Công ty đã tổ chức cho 100% cán bộ, công nhân viên được đi thăm quan, du lịch nghỉ mát và 1/3 số CB-CNV được thăm quan, du lịch nước ngoài.

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên, XMHP còn tích cực tham gia công tác An sinh Xã hội, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, làm nhà tình nghĩa cho những người có công với nước, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai... hàng năm giành từ 3,5 đến 4 tỷ đồng cho công tác An sinh Xã hội.

Để tưởng nhớ, tôn vinh công lao các vị Anh hùng dân tộc có công dựng nước, đã làm lên những chiến công oanh liệt, hào hùng trong các cuộc chống giặc ngoại xâm phương Bắc, gắn với mảnh đất Tràng Kênh, với dòng sông Bạch Đằng lịch sử như: “Ngô Vương Quyền”, “Đức Vua Lê Đại Hành”, Đức thánh Trần “Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn”. Cán bộ, công nhân viên Xi măng Hải Phòng đã cùng với nhân dân, du khách thập phương, các doanh nghiệp chung tay xây dựng Khu quần thể di tích lịch sử Tràng Kênh. Thể hiện nét đẹp văn hóa, đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của nhân dân ta, dân tộc ta. Cũng nhằm để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Trên 10 năm Nhà máy xi măng Hải Phòng mới hoạt động so với lịch sử 117 năm không phải là quãng thời gian dài nhưng là giai đoạn đặc biệt, giai đoạn chuyển mình, lột xác, bước sang thời kỳ mới với tâm thế và vị thế mới. Những gì đạt được thời gian qua là thành quả nỗ lực vượt bậc của Tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty xi măng Vicem Hải Phòng. Xi măng nhãn hiệu CON RỒNG - sản phẩm truyền thống của Xi măng Hải Phòng đã nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế. Nhiều chủng loại xi măng được Nhà máy nghiên cứu sản xuất thành công, đáp ứng việc xây dựng và xuất khẩu. Đã có hàng chục triệu tấn xi măng ra đời, tham gia tích cực vào công cuộc phục hồi, xây dựng và bảo vệ đất nước, như các công trình: Thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Cầu Thăng Long, sân bay Cát Bi, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng nước sâu Quốc tế Hải Phòng, Xi măng xây dựng nông thôn mới, các công trình quốc phòng và nhiều công trình trọng điểm khác của đất nước, của Thành phố. Công ty đã sản xuất trên 10 chủng loại xi măng. Đặc biệt, xi măng Con Rồng mác P600 do cán bộ, công nhân viên nhà máy sản xuất thành công trong điều kiện những năm đất nước đang còn chiến tranh để xây dựng Lăng Bác Hồ và Bảo Tàng Hồ Chí Minh.

Tính đến nay, CB CNV Công ty Xi măng Hải Phòng đã được Đảng, Nhà nước tặng trên 80 Huân chương các loại trong đó: Một Huân chương Độc lập hạng nhất. Hai Huân chương lao động hạng nhất. Ba Huân chương lao động hạng nhì. Bẩy Huân chương lao động hạng ba. Ba Huân chương chiến công. Chính Phủ tặng Bằng khen có công với nước năm 1966. Danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ tranh nhân dân năm 1999. 78 Huân chương các loại cho tập thể các đơn vị, tổ đội và cá nhân. 3 Anh hùng Lao động và 2 Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Đặc biệt năm 2009 kỷ niệm 110 năm ngày thành lập nhà máy. XMHP được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quí do có nhiều thành tích xuất sắc, công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Dân tộc.

Xi măng Hải Phòng tự hào được sản xuất xi măng xây dựng Lăng Bác Hồ

Năm 1972, đồng chí Nguyễn Mạnh Kiểm - Viện phó Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, người được phân công phụ trách một phòng nghiên cứu chất lượng xây dựng Lăng Bác. Trong thời kỳ này đồng chí Đỗ Mười là Phó Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng Lăng.

Một lần họp bàn với chuyên gia Liên Xô về VLXD, đồng chí Đỗ Mười tỏ ra rất băn khoăn về việc xi măng mác cao (mác 600) phải đưa sang Việt Nam hàng vạn tấn, chở bằng tàu biển phải rất lâu mới đến Hải Phòng. Như vậy tiến độ thi công sẽ rất chậm, không thể hoàn thành công trình vào năm 1975 được.

Để xây dựng Lăng Bác sẽ cần đến hàng ngàn tấn xi măng chuyển từ Liên Xô về. Lúc đó mọi nguồn lực còn ưu tiên cho công cuộc giải phóng đất nước nên chuyện chi phí vận chuyển tốn kém rất được lãnh đạo Nhà nước quan tâm. Cách giải quyết duy nhất là chỉ còn cách sản xuất trong nước. Nhận nhiệm vụ và vinh dự được trao niềm tin đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Kiểm ngay trong ngày cùng nhóm cán bộ của Viện xuống Nhà máy Xi măng Hải Phòng làm việc. Đoàn nghiên cứu quy trình sản xuất của nhà máy, bàn bạc với lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật nhà máy, thực hiện thí điểm mẻ xi măng đặc biệt mác cao (mác 600) trong thời gian 5 ngày. Ông Vương Quốc Mỹ - Thứ trưởng Bộ Xây dựng được phân công chỉ huy trưởng công trường Lăng cũng tham gia theo dõi việc nung thí nghiệm xi măng mác cao.

Sau khi điều chỉnh chế độ nung đốt, điều chỉnh các thông số kỹ thuật nhiều lần để đạt tiêu chuẩn của Liên Xô, có lúc tưởng chừng như thất bại cuối cùng mẻ xi măng mác 600 đã ra đời thành công trước sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể đoàn nghiên cứu Viện Vật liệu xây dựng và CBCNV Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước nhiệm vụ trọng thể được giao cũng như vinh dự được góp phần vào công trình xây Lăng Bác Hồ.

 

Hải Đăng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load