(Xây dựng) - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết Bộ sẽ cần thêm 2 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Bộ Công Thương cho biết, việc gia hạn này nhằm mục đích để cơ quan điều tra cân nhắc, xem xét thận trọng các chứng cứ, thông tin và quan điểm của các bên liên quan trong vụ việc nói trên.
Trước đó, đại diện các doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim và Công ty Cổ phần Tôn Đông Á - 3 doanh nghiệp có thị phần chiếm 25,17% tổng sản lượng sản xuất trong nước của sản phẩm bị điều tra, đã tiến hành khởi kiện (nguyên đơn) sau khi các mặt hàng nói trên xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung do doanh nghiệp khác nhập về ồ ạt.
Các doanh nghiệp trên cho biết, sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc tăng vọt, tổng sản lượng tôn mạ (tôn phủ màu, tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) dư thừa tại thị trường nội địa hiện tại là khoảng 1.204.103 tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm tôn mạ là 738.906 tấn.
Cũng theo nhóm doanh nghiệp khởi kiện, tỷ lệ sản lượng dư thừa/tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ (tôn phủ màu, tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) nội địa là 163%, nếu không kịp thời ngăn chặn tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, ngành sản xuất tôn mạ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản.
Theo đại diện các doanh nghiệp tôn trong nước, thực trạng tôn Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng lên thị trường tôn thép Việt cũng như gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, việc 3 doanh nghiệp nói trên khởi kiện đã được nhiều doanh nghiệp tôn thép ủng hộ, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen.
Được biết trước đó, ngày 6/7, Bộ Công Thương đã ban hành số 2847/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu có mã HS7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212.4090, 7225.9990, 7226.9919 và 7226.9999 nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau (mã số vụ việc SG05).
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Pháp lệnh số 42 về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, trong trường hợp cần thiết, thời gian điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.
Cũng trong thời gian này, Bộ Công Thương thông báo gia hạn thời gian thêm 60 ngày nữa mới đưa ra kết luận sơ bộ vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào nước ta (mã số vụ việc AD03).
Tuyết Hạnh
Theo