Thứ ba 14/05/2024 15:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Gần 500 dự án bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý

21:29 | 03/10/2023

(Xây dựng) – Theo báo cáo “La bàn đầu tư tháng 10 – Nắm bắt cơ hội xuất hiện từ những nhịp điều chỉnh vừa qua” của khối Phân tích VNDIRECT cho biết, kể từ đầu năm đến nay có gần 500 dự án bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý đã, đây là bước đầu cho thấy kết quả tích cực, góp phần hồi sinh nhiều dự án và cải thiện tâm lý thị trường Bất động sản.

Kinh tế phục hồi nhưng với tốc độ chậm trong quý III Trong quý III, nền kinh tế đang duy trì đà phục hồi nhưng với tốc độ chậm. Cụ thể, GDP Việt Nam tăng trưởng 5,33% so với cùng kỳ trong quý III/2023, cải thiện nhẹ so với mức tăng trưởng 4,05% của quý II/2023. Lũy kết 9 tháng/2023, GDP Việt Nam tăng trưởng 4,24% so với cùng kỳ, cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%.

Gần 500 dự án bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý
Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5,33% svck trong quý III/2023, cải thiện nhẹ so với mức tăng trưởng 4,05% của quý II/2023 (Nguồn: VNDIRECT).

“Sau số liệu tăng trưởng quý III thấp hơn kỳ vọng, chúng tôi cho rằng Chính phủ sẽ phải cân nhắc tăng cường và kéo dài các chính sách hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là các chính sách tài khóa nhằm phục hồi tổng cầu của nền kinh tế”, các chuyên gia của VNDIRECT nhận định.

Hiện nay, các hiệp hội, doanh nghiệp đã có kiến nghị về việc kéo dài thời hạn của gói hỗ trợ 2% thuế GTGT tới giữa năm 2024, đồng thời tiếp tục kêu gọi giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Điểm sáng trong quý III/2023 đến từ sự phục hồi rõ nét hơn của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. GDP nhóm ngành này tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ trong quý III/2023, cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng 2,1% trong quý II/2023, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 5,6% trong quý này (so với chỉ 0,6% trong quý trước đó). Ngược lại, nhóm ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 6,24% so với cùng kỳ (tương đương tốc độ quý II/2023 và thấp hơn mức 6,6% của quý I/2023), chịu sức ép do việc làm và thu nhập của người lao động trong lĩnh vực sản xuất suy giảm trong 3 quý gần đây. Vốn FDI đăng ký tăng 3,8% so với cùng kỳ đạt 2,1 tỷ USD trong tháng 9/2023. 9 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI thực hiện tăng 6,5% so với cùng kỳ đạt 2,8 tỷ USD. 3 quý đầu năm 2023, vốn FDI thực hiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo VNDIRECT, đón đầu nhu cầu phục hồi ở các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch cho các dự án mới và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đó là nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI cải thiện đáng kể trong hai tháng trở lại đây.

Gần 500 dự án bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý
Gần 500 dự án bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý.

Nhiều động thái từ Ngân hàng Nhà nước

Trong 5 phiên đấu thầu thị trường mở liên tiếp từ 21/9-27/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tổng cộng 70.000 tỷ tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Theo đó, toàn bộ 70.000 tỷ đồng tín phiếu đều được đấu thầu thành công với lãi suất trúng thầu dao động trong vùng 0,49-0,69%. Lãi suất trúng thầu thấp cho thấy thanh khoản hệ thống đang dư thừa. ”Chúng tôi cho rằng động thái này của NHNN không nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn, nhằm hút bớt thanh khoản quá dư thừa (trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu), góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá và giữ vững ổn định vĩ mô trong nước”, các chuyên gia của VNDIRECT phân tích.

Theo các chuyên gia, NHNN sẽ tính toán lượng hút ròng hợp lý để vừa hạn chế đầu cơ tỷ giá, vừa duy trì thanh khoản tốt đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời lượng hút ròng sẽ được trả lại thị trường sau đó khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt.

Đối với động thái phát hành tín phiếu của NHNN vừa qua, VNDIRECT nhận định rất ít khả năng làm đảo ngược xu thế giảm hiện nay của lãi suất huy động và cho vay, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu. Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng thương mại giảm xuống mức 5,6%/năm tại ngày 25/09/2023, giảm 0,3 điểm % so với cuối tháng 8/2023 và 2,2 điểm % so với cuối năm 2022.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện đã về gần đáy của giai đoạn Covid-19 (2021-nửa đầu 2022) và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì ở vùng này (bình quân 5,5%/năm dối với kỳ hạn 12 tháng) trong những tháng cuối năm 2023. Bên cạnh đó, VNDIRECT kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đã giảm nhanh trong thời gian qua.

Động thái phát hành tín phiếu trên thị trường mở gần đây của Ngân hàng thương mại nhằm ổn định tỷ giá có thể khiến lãi suất liên ngân hàng tăng lên sau khi đang ở vùng đáy 2 năm gần đây, từ đó khiến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại khó có thể giảm sâu hơn. Tuy nhiên với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023, các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào kênh chứng khoán.

Với các hành động quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nhiều dự án bất động sản đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý.

Gần 500 dự án bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý
Nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế đã được triển khai kể từ đầu năm 2023.

Theo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, tính cho 8 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với 180 dự án được đề xuất tháo gỡ ban đầu).

Cũng theo đánh giá kết quả từ Nghị quyết số 33/NQ-CP tại Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu) và đang tiếp tục giải quyết 293 dự án).

Sự phối hợp hiệu quả của tổ công tác chính phủ cùng các ban ngành và những nỗ lực của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã bước đầu cho thấy kết quả tích cực, góp phần hồi sinh nhiều dự án và cải thiện tâm lý thị trường bất động sản. Các chủ đầu tư đang tìm các giải pháp để đàm phán gia hạn nợ cũng như sử dụng chính các sản phẩm bất động sản để hoàn thành nghĩa vụ nợ. “Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản trầm lắng, kênh chứng khoán vẫn là lựa chọn hàng đầu hiện nay”, báo cáo của VNDIRECT nhận định.

Đối với chiến lược thị trường tháng 10/2023, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ trải qua khoảng thời gian khan hiếm nguồn cung mới ở cả miền Bắc và miền Nam, ước tính sẽ chỉ có lần lượt 1.388ha và 3.757ha được bổ sung thêm trong giai đoạn 2024-2027 chủ yếu do những vướng mắc về pháp lý cho các dự án mới còn nhiều vướng mắc, sẽ khó có thể được thông qua sớm.

Với việc dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia của VNDIRECT cũng cho rằng đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển Khu công nghiệp đang sở hữu diện tích đất sẵn sàng cho thuê lớn, tính pháp lý minh bạch, đặc biệt với các nhà phát triển có kinh nghiệm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử như KBC, BCM… sẽ nhanh chóng nắm bắt thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load