Thứ tư 15/01/2025 15:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Gà “tiến vua” - Vật nuôi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Tiên Yên

08:48 | 13/08/2023

(Xây dựng) - Ngày 19/8, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) sẽ mở Hội thi: “Vua gà”, “Gà hoa hậu”, “Gà cặp đôi”, “Gà sống thiến đẹp”… trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IV. Gà Tiên Yên là giống gà quý, từng là đặc sản “tiến vua” thời phong kiến, đang là vật nuôi mũi nhọn kinh tế của huyện Tiên Yên trong chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Gà “tiến vua” - Vật nuôi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Tiên Yên
Đàn gà của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyền ở thôn Đồng Đạm, xã Đông Ngũ quy mô 2.000 con.

Gà Tiên Yên là giống gà đặc biệt, người địa phương gọi là gà râu hoặc gà công. Một chủng gà lâu đời sinh sôi nảy nở ở vùng bán sơn địa ven biển, khu vực Đông Bắc bộ, phát triển nhất ở tiểu vùng khí hậu phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn đến phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Lò gà râu hiện phát triển nhất ở các xã Phong Dụ, Hà Lâu (Tiên Yên); khu Khe Lánh, xã Vô Ngại (Bình Liêu); Dực Yên (Đầm Hà); xã đảo Cái Chiên (Hải Hà).

Họ nhà gà này có đặc điểm khác với giống gà trong đàn gia cầm chung của nhà nông cả nước. Gà Tiên Yên thuần chủng chân nhỏ, ngắn, có màu vàng nhạt; mào đơn như cờ xí, gọi là mào cờ. Lông gà cả trống lẫn mái thường có màu hoa mơ, trên đỉnh đầu và dưới cằm có chòm lông, người địa phương gọi là gà râu hay còn gọi là gà công. Gà mái trưởng thành trung bình nặng 1,6kg - 1,8kg, gà trống trưởng thành nặng khoảng 2,6-2,8kg, gà sống thiến nặng tới 3kg. Giống gà này tự kháng dịch tốt, xưa kia chăn thả tự do, ít khi chết bệnh như giống gà khác.

Gà mái mẹ để sai, nuôi con rất khéo và rất hung dữ khi chúng bảo vệ đàn con nhỏ. Ở làng Xích Thổ (Hoành Bồ cũ) còn truyền miệng một câu chuyện lý thú về thế giới động vật, hình ảnh một mẹ gà cất cánh cao trên 1 mét không chiến với lũ diều hâu để bảo vệ đàn con của mình, nó đã quật ngã một con diều hâu lớn. Thời phong kiến, quan lại phủ Hải Đông từng tiến vua loại gà này, tích gọi là gà công, vì trên đầu nó có chòm lông giống đầu con công, đôi mắt cũng mơ màng như con công khi múa, không sắc sảo như giống gà ri, gà tam hoàng, hoặc gà lai chọi, ta thường thấy bán rộng rãi ở chợ.

Những năm 70 của thế kỷ trước, giống gà râu là đặc sản của các phiên chợ Bang và chợ Trới (huyện Hoành Bồ cũ). Đến giờ vẫn lưu danh thương hiệu “gà chợ Trới”. Gà chợ Trới bị mất đi trong lịch sử cùng với các đặc sản như mía trắng và chè vò (chè vò dạng trà Vân, Vân Đồn) ở vùng sơn khu này. Giống gà râu hiện là đặc sản và là giống gà duy nhất nuôi ở xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà. Người già ở xã Cái Chiên bảo, dân trên đảo tự tẩy chay những ai mang giống gà tạp về nuôi. Xưa nay mâm cỗ thờ cúng tổ tiên của người dân trên đảo, đầu vị phải có con gà bản địa cùng đĩa xôi trắng. Thịt gà bản địa màu trắng đục, da gà vàng tươi, mùi thơm chính vị. Không nhà ai thờ cúng gia thần bằng con gà thịt nom thâm thì hoặc trắng ởn... điều đó đã ăn sâu vào nét văn hóa của người dân trên đảo Cái Chiên.

Quảng Ninh có câu ngạn ngữ “lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Lợn Móng Cái là đặc sản của thành phố Móng Cái, gái Đầm Hà nghìn xưa chuẩn mực về Công - Dung - Ngôn - Hạnh; gà Tiên Yên giá trị thương phẩm. Thịt gà Tiên Yên được bình chọn là một trong 50 món ăn ngon tiêu biểu của Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn vinh danh.

Về giá trị kinh tế, gà râu nuôi thả trên bản dạng bán hoang dã, chúng tự kiếm ăn trong rừng là chính, tối cả đàn ngủ trên cây. Người dân thiểu số rẻo cao bán đến 260.000đ/kg, mặc cả thấp hơn không bán, cao hơn cũng không bán. Người sành ẩm thực bảo ăn thịt gà này còn ngon hơn gà rừng. Quả thực, ai đã từng được thưởng thức mới thấy hết giá trị “đồng tiền bát gạo”. Nếu so sánh giá gà mái tơ ở chợ Hạ Long thường 120.000đ/kg, có loại gà chỉ giá 75.000đ/kg, thì tại chợ Tiên Yên gà mái râu giá 180.000đ/kg, gà râu sống thiến 190.000đ/kg, vào trang trại chăn nuôi mua giá cũng phải 150.000đ/kg.

Hiện, huyện Tiên Yên là nơi sớm đăng ký độc quyền, bản quyền thương hiệu sản phẩm OCOP giống gà này, bởi Tiên Yên nơi phát tích huyền thoại trời ban giống gà đặc biệt này cho thảo dân từ thời mông muội. Truyền tục quả trứng gà đầu lòng được ấp ủ và sinh ra bởi tinh khí trời đất tại ngọn thác Pạc Sủi. Thác cao 16 tầng ở khu rừng già của một bản nhỏ người thiểu số, nay là xã Yên Than.

Tiên Yên từng là thủ phủ của vùng Đông Bắc bộ, khi ấy sơn hào hải vị đặc sản quý hiếm thường tập trung về thị trường trung tâm tỉnh lỵ, là thị trường tiêu dùng lớn. Mặt khác, Tiên Yên là địa phương phát triển nghề chăn nuôi trồng trọt hơn các huyện lân cận và là vùng lõi của tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với giống gà râu hơn. Hơn nữa, thực khách thập phương lại ưa chuộng thịt gà râu bản địa, thịt gà nấu chín mềm, lớp mỡ dưới da giòn thơm, không có cảm giác béo ngấy, giá trị thương phẩm cao, thị trường dễ tiêu thụ, đã tạo đà cho giống gà râu Tiên Yên thịnh hành và phát triển.

Gà Tiên Yên tuy "đắt nhưng sắt ra miếng”. Huyện có đề án khôi phục và phát triển đàn gà bản địa, vinh danh giống gà Tiên Yên là sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi. Ngành nghề thu nhập cao, trong cơ cấu nguồn thu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên, quy mô tập trung từ 500-2.000 con/lứa; 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm; 4 cơ sở sản xuất giống gà quy mô đạt 1,2 triệu con giống/năm; trong đó có 24 trang trại tổng hợp chăn nuôi gà theo mô hình VietGap. Một số cơ sở sản xuất phát triển theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm như: HTX chăn nuôi gà Tiên Yên xã Phong Dụ, quy mô 80.000 gà thương phẩm/năm; Hợp tác xã Hà Lâu quy mô trên 100.000 gà thương phẩm/năm.

Năm 2023, tổng đàn gà xuất chuồng là 1,2 triệu con. Doanh thu ước đạt gần 400 tỷ đồng/năm, tăng gấp 8,5 lần so với 10 năm trước. Đàn gà đặc sản này nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân, nuôi quy mô lớn trong các thành phần kinh tế đã giúp nhiều hộ xóa nghèo làm giàu. Huyện Tiên Yên đã thống kê, chăn nuôi gà râu Tiên Yên đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhiều gia đình đã xây nhà, tậu xe ôtô nhờ nuôi gà. Năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của huyện Tiên Yên đạt 72,5 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,198%. Trong đó, nghề chăn nuôi gà có tỷ trọng thu nhập cao trong chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện du khách thập phương sành văn hóa ẩm thực đến Tiên Yên không quên thưởng thức món gà râu. Có đoàn khách từ vùng rừng Tây Bắc đi đường Quốc lộ số 4, hạ sơn đến Tiên Yên thửa gà râu mang về, tưởng như “chở củi về rừng”, nhưng không nhầm, đây là của quý, sơn hào hải vị vùng Đông Bắc bộ từng “tiến vua” thời phong kiến. Gà Tiên Yên đương nhiên là móm quà quý, sản phẩm ẩm thực đặc sắc ở địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Sinh cho biết: Nắm bắt tiềm năng đó, huyện Tiên Yên đã khuyến nông theo hướng mở rộng thâm canh gà bản địa, tăng cường quản lý thương hiệu, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo các điều kiện theo quy định, thực hiện cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu gà Tiên Yên. Bộ công cụ nhận diện thương hiệu gồm: Quy chế, nhãn, tem truy xuất nguồn gốc thương hiệu gà đăng ký độc quyền theo quy định của pháp luật. Hàng năm, huyện có tổ chức thi gà đẹp, vinh danh vương miện gà. Cuộc thi năm 2020, chú gà trống được bình xét vua gà, huyện chủ trì tổ chức bán đấu giá được 50 triệu đồng.

Hiện huyện Tiên Yên phát triển đàn gà quý nói trên thì dễ, nhưng giữ được đàn gà ấy thuần chủng thì không hề dễ, do lòng tham của chính những cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, của nhà hàng... vì túi tham chênh lệch giá. Giống gà râu đang bị lai tạp, loại F2, F3 cũng khó nhận diện vì chăn nuôi lâu ở nơi tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng thủy văn phù hợp với gia cầm thì loài gà nào nuôi đẫy năm ở đây, phần nào cũng có hương vị gà bản địa, nhưng chất lượng thương phẩm có khác, giá trị có khác. Chợ huyện Tiên Yên có hàng chục hộ kinh doanh gà, nhưng đột xuất vào mua gom được 10 con gà râu là không dễ. Không ít thương lái thửa gà ở dưới xuôi chở đến Tiên Yên bán cất cho các nhà hàng và cho người bán lẻ... mạo danh gà Tiên Yên. Nhưng nếu là người tiêu dùng thông thái, khi mua gà Tiên Yên không sợ nhầm thì cứ nhằm gà râu (gà công) nuôi đủ năm, nom rắn chắc, khỏe. Là gà thịt sẵn thì chân nhỏ, thấp, móng cùn, thịt trắng, da vàng óng... Nhớ lời các cụ dạy “gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì mua chi giống đó”.

Cơ quan quản lý của địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ về chất lượng thuần chủng gà Tiên Yên, nhận diện giá trị thương phẩm, nhất là tránh nhầm lẫn trong tổ chức thi cử khi gà ngoại lai xâm thực địa phương. Hiện gà nhập Mỹ có nét giống gà Tiên Yên về bộ lông hoa mơ, mào cờ, chân cũng trắng; nhưng có khác, chúng trưởng thành cao đến 1,5m, nặng 15kg, thì tiêu chí trọng lượng cho gà vua trong cuộc thi năm 2020 mà con gà đăng quang “vua” nặng trên 5kg, gấp đôi giống gà công “tiến vua”, phổ thông là rất đáng lưu ý.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Văn Long khẳng định: Ngày 19/8/2023, nhân tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IV, năm 2023, tại Làng Văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên sẽ mở Hội thi Vua Gà nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu gà Tiên Yên đến với đông đảo du khách. Ngoài các danh hiệu Vua gà, Đôi gà đẹp và Gà thiến đẹp, Hội thi lần này là sẽ có phần trao giải Hoa hậu gà, các á hậu gà 1,2 và thi đan lồng gà đẹp.

Huyện dự kiến tham gia hội thi có 20 cơ sở chăn nuôi đến từ các HTX, trang trại, gia trại chăn nuôi gà là nòng cốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn huyện. Hội thi còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: Giao lưu văn nghệ, giới thiệu các gian hàng nông sản xây dựng nông thôn mới của địa phương, triển lãm ảnh đẹp Quảng Ninh, thi kéo co, bóng chuyền hơi và các trò chơi dân gian.

Ông Nguyễn Văn Quyền – Cựu chiến binh có trang trại chăn nuôi gà ở thôn Hà Dong, xã Hải Lạng đề nghị: Kết quả chung cuộc, sau các phần thi, danh hiệu Vua gà; Hoa hậu gà; đôi gà đẹp, gà thiến đẹp… huyện cần quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm du lịch làm động lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, toàn bộ những con gà đạt danh hiệu này sẽ được bán đấu giá để ủng hộ Quỹ vì người nghèo của huyện, huyện xóa nghèo là một tiêu chí lớn xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vi Quốc Phương cho biết: Hiện toàn huyện Tiên Yên có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên quy mô tập trung trên 500 con/lứa; 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm; 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên quy mô đạt 1,2 triệu con giống/năm; trong đó có 24 trang trại tổng hợp chăn nuôi gà theo mô hình VietGap. Bước đầu một số cơ sở sản xuất đã phát triển theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Sản lượng gà thịt Tiên Yên thương phẩm toàn huyện đạt trên 1,2 triệu con/năm, với doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng/năm, gấp 8,5 lần so với năm 2010. Việc nuôi gà Tiên Yên đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân thiết thực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn toàn huyện.

Một số hình ảnh gà râu, gà công tiến vua:

Gà “tiến vua” - Vật nuôi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Tiên Yên
Gà Tiên Yên thuần chủng mỏ quoắt như mỏ chim đại bàng, trên đầu và dưới căm có chòm lông người địa phương gọi là gà râu.
Gà “tiến vua” - Vật nuôi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Tiên Yên
Gà trống mào đơn như giống gà ri, nhưng trên đầu và dưới cằm có chòm lông, nuôi đẫy năm nặng từ 2,6-2,8kg.
Gà “tiến vua” - Vật nuôi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Tiên Yên
Gà râu trống thiến nuôi đẫy năm trên bản có giá 260.000 đồng/kg.

Phong Cầm -Ảnh Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load