(Xây dựng) - Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” của EU-BMZ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án thí điểm cùng với các nữ lao động phi chính thức tại Việt Nam” nhằm giới thiệu các nghiên cứu và đổi mới để góp phần ghi nhận vai trò và những đóng góp của những người phụ nữ thu gom phế liệu trong chuỗi giá trị quản lý chất thải.
Vai trò của phụ nữ thu gom phế liệu rất quan trọng trong chuỗi giá trị quản lý chất thải. |
Tại hội thảo, các tổ chức phi lợi nhuận đã giới thiệu các dự án thí điểm triển khai tại Quy Nhơn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hạ Long. Các dự án này tập trung tăng cường sinh kế cho những lao động phi chính thức về rác thải và hỗ trợ việc công nhận và/hoặc đưa nhóm lao động này vào hệ thống quản lý rác thải.
Hội thảo trực tuyến và trực tiếp tại Quy Nhơn có sự tham dự của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Đại sứ quán Hà Lan, UBND thành phố Quy Nhơn và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam và quốc tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng và những người phụ nữ thu gom phế liệu.
Trước đó, ngày 02/03, tại Hội đồng môi trường Liên hợp quốc, các Bộ trưởng môi trường thế giới đã thông qua các nghị quyết quan trọng tạo nền tảng để xây dựng một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Vai trò của những người làm trong khu vực phi chính thức đã được công nhận trong một nghị quyết môi trường.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022, với các chương về quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Việc áp dụng một cơ chế trong Luật sẽ giảm thiểu tình trạng nhựa rò rỉ ra môi trường và tạo thêm dòng tài chính để tăng cường thu gom và tái chế bao bì. EPR có thể tạo ra cơ hội và cả những thách thức cho người thu gom và các cơ sở phế liệu.
Lực lượng lao động phi chính thức đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống quản lý rác thải vì theo ước tính hơn 30% lượng rác thải được thu gom thông qua kênh này. Vai trò và nhu cầu của mạng lưới lao động phi chính thức trong hệ thống quản lý rác thải tại Việt Nam cần được hiểu rõ để chuẩn bị cho sự tham gia của họ vào khung chính sách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Ghi nhận, hợp tác, hỗ trợ và củng cố vai trò và sự đóng góp của người lao động phi chính thức trong lĩnh vực chất thải là một yếu tố then chốt nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống quản lý rác thải tại địa phương. Kết hợp với các chiến dịch truyền thông và huy động cộng đồng hiệu quả chính là một phần quan trọng nhằm hướng tới việc xây dựng các thành phố xanh dành cho tất cả mọi người. Để hướng tới một mô hình kinh tế tuần hoàn hơn, UNDP sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm trao quyền cho phụ nữ và phục hồi kinh tế xanh và bao trùm”.
Thu gom, xử lý rác thải nhựa không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra thu nhập cho nhiều người. |
Bà Caitlin cũng cho biết: Thực tế, rác và nhựa chính là các nguồn lực kinh tế. Chúng ta cần phân loại, thu gom và tái chế chất thải để thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của thị trường nguyên vật liệu thứ cấp phù hợp với điều kiện địa phương và bao trùm với sự tham gia của người phụ nữ ở tất cả các giai đoạn.
Ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn nhấn mạnh: Đây là một hội thảo quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu liên quan đến công tác quản lý chất thải để áp dụng trong thực tế và giúp cho thành phố Quy Nhơn triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường.
Theo bà Fanny Quertamp - Cố vấn cấp cao tại Việt Nam của dự án “Suy nghĩ lại về nhựa”, chương trình EPR bắt buộc đối với bao bì sẽ có hiệu lực vào năm 2024 là một bước tiến lớn tạo ra cơ hội và thách thức cho những người thu gom rác thải. Việc yêu cầu truy xuất nguồn gốc của chuỗi giá trị bao bì sẽ tác động đến tổ chức quản lý rác thải hiện tại và mở ra cơ hội để tích hợp và công nhận những người thu gom là người đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn.
Tại buổi hội thảo, các bên đã cùng nhau thảo luận về nhằm thu thập các sáng kiến cơ sở một cách có hệ thống và đề xuất các chính sách và tăng cường khả năng hợp tác với các tổ chức khác để nâng cao sinh kế của những lao động xử lý chất thải và công nhận vai trò quan trọng của họ trong quá trình chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
‘Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp Kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển’ là dự án do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, do Tổ chức hợp tác Đức (GIZ) và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại bảy quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Dự án tập trung thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, quản lý chất thải và ngăn chặn tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường biển.
Dự án đã hỗ trợ Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng khung chính sách EPR và tài trợ cho dự án thí điểm “Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa” tại Thành phố Hồ Chí Minh do Viện Nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) và Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện. Ngoài ra, dự án cũng đã thực hiện một nghiên cứu tại 6 thành phố ở Việt Nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) để tìm hiểu và đánh giá vai trò của các bên liên quan khác nhau trong chuỗi giá trị nhựa theo quan điểm của cơ chế EPR.
Để có thêm thông tin về dự án Suy nghĩ lại về nhựa: http://rethinkingplastics.eu/
Diệu Anh
Theo