Thứ ba 14/01/2025 09:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đường Kim Giang: Con đường “vật vã” ở Thủ đô

16:19 | 21/09/2007
 
Con đường… bụi
Chiều 15/9, tôi đến Kim Giang để mục sở thị. Bắt đầu từ đường Giải Phóng rẽ vào khu đô thị Bắc Linh Đàm chúng tôi đã gặp từng đoàn xe, chủ yếu là xe tải nối đuôi nhau xuôi ngược. Băng ngang qua khu Linh Đàm, đến đầu cầu Dậu đã bắt đầu sặc sụa vì bụi. Qua khỏi cầu Dậu rẽ trái xuống cầu Tó, từng đoàn xe tải, xe tải nặng, có cả xe container vẫn cuốn bụi mù mịt. Hà Nội vừa qua một đợt mưa thu dầm dề, những vũng nước lớn vẫn đọng trên đường nhưng cứ hở ra đoạn đường nào khô là đã lại bụi. Đường xấu, những chiếc xe tải đi như bò trên đường xả khói mù mịt càng làm càng làm cho không kúi trở nên nồng nặc vì khói bụi.
 
 
Chợ họp ngang nhiên tận mép đường
(ảnh Huyền Thanh)

Những người đi xe đạp, xe máy trên đoạn đường này hầu hết đều đeo khẩu trang, mặc dù không biết nó cản được bao nhiêu phần trăm bụi nhưng ít nhất cũng không phải hít trực tiếp toàn bộ cái “bầu không khí” đặc quánh bởi bụi và mùi ô nhiễm từ sông Tô vào phổi. Những thanh niên “đầu đội trời, chân đạp đất” chẳng cần biết đến mũ nón, khẩu trang nhưng đến đoạn đường này cũng đều phải đưa tay lên bưng mồm bưng mũi như một thứ phản xạ bản năng rồi nhắm mắt nhắm mũi phóng cho nhanh qua đoạn đường này.

Đi qua chợ Thanh Liệt họp dọc hai bên đường, lúc ấy đã xế chiều, chợ đã vãn, tôi để ý thấy nhiều người đi chợ cũng đều phải đeo khẩu trang; còn những các bà các chị bán hàng dầu dãi cả buổi ngoài chợ thì hầu như một trăm phần trăm có khăn bịt mặt.
 
 
Đường đi trở thành nơi mua bán vật liệu xây dựng
(ảnh Huyền Thanh)


Những nhà dân bên đường dĩ nhiên phải hứng bụi hầu như suốt ngày đêm. Ngay cả một số người khi ở trong nhà cũng phải đeo khẩu trang để tránh bụi. Sau khi di hết một đoạn đường hơn 2 cây số từ cầu Dậu đến cầu Tó, phần sau chiếc yen xe của tôi cũng đã phủ một lớp bụi mờ.
 
 Và con đường vật vã
Không chỉ có bụi, đường Kim Giang còn “nổi tiếng” bởi những “ổ trâu ổ bò”, thậm chí là “ổ voi”. Suốt từ cầu Dậu đến cầu Tó, đoạn đường bị băm nát với những ổ, những hố lớn nhỏ. Đường quá hẹp, hầu như chỉ vừa đủ cho hai xe ô tô tránh nhau; “ổ trâu ổ bò”, lại lở loét khắp mặt đường nên những chiếc xe kềnh càng chẳng biết tránh vào đâu cứ vật vã hết bên này sang bên kia.
 
 
Những ổ gà, hố sâu làm cản trở giao thông
(ảnh Huyền Thanh)

Đến những chiếc xe máy nhiều khi gặp xe ô tô ngược chiều cũng không thể lựa được đường cứ lao bừa xuống hố mặc cho bùn nước bắn tứ tung; chị em phụ nữ tay lại không vững đổ xe là chuỵen thường. Có người cố lựa tránh những hố nước nhiều khi phải lấn sang nửa đường bên trái gặp xe ô tô đi ngược chiều rất nguy hiểm.

Tôi rẽ vào một quán nước bên đường. Quán vắng hoe, chỉ có vợ chồng chủ quán và đứa con nhỏ đang ngồi xem ti vi. Chị vợ thấy khách đặt vội đứa con trên lòng xuống ghế xăng xái lấy khăn lau chiếc ghế nhựa mời khách. Thấy tôi có vẻ e ngại, chị vợ phân bua: “Bác thông cảm! Nhà bụi quá, nhưng em đã lau sạch rồi đấy”.

Tôi hỏi chuyện hàng họ, anh chồng thở dài: “Bác tính, đường xá thế này, người nào chẳng muốn qua cho nhanh ai còn ngồi nước nôi làm gì”. Quả tình, tôi không dám gọi nước mía hay nước chè, đành gọi một chai nước cam “cho vệ sinh”. Tôi hỏi đường gồ ghề thế này có hay xảy ra tai nạn không, chị vợ nhanh nhảu: “Gớm, xảy ra liên tục ấy bác ạ”. Anh chồng đang lúi húi tìm cái mở nắp chai vặc lại: “Chỉ được cái lắm chuyện. Tai nạn khi nào mà liên tục”. Chị vợ cãi lại: “Thì chẳng ngã xe oành oạch luôn đấy à”. Anh chồng làm ra dáng ông chủ: “Đúng là đàn bà. Ngã xe nhưng có chết người, gãy chân gãy tay đâu mà bảo là tai nạn”. Tôi hỏi chuyện thì được biết, chuyện xe máy xe đạp va quệt với ô tô hoặc lao xuống hố bị ngã, đổ xảy ra như cơm bữa nhưng vì các xe qua đây đều phải đi chậm nên thường thì cũng chỉ xây xat, ít khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Có lẽ vì thế mà cũng không có cơ quan chức năng hoặc cấp chính quyền nào thống kê các vụ ngã đổ xe tại “cung đường vật vã này”.

Nhiều người dân ở đây cho biét, trời nắng thì khổ vì bụi, trời mưa thì những “ổ trâu ổ bò” lập tức biến thành những chiếc “bẫy” trên đường. Ban ngày còn đỡ, khổ nhất là ban đêm, chẳng còn biết đâu là mặt đường, đâu là hầm hố; đâu là hố nông hố sâu. Đến người dân địa phương quen đường mà còn thường xuyên lao xe máy xuống hố, ngã đổ xe huống hồ những người lạ nước lạ cái. Những người thường xuyên qua đây rút ra kinh nghiệm: Trời mưa mà ban đêm có việc phải qua doạn đường này thì tốt nhất là cài xe máy số thấp, ghì chặt tay lái, thấy hố nước không tránh được thì cứ giữa hố mà lao, dù bùn nước có ngập nửa bánh xe thì cũng vẫn lên được chứ nếu cứ cố tránh, xe bị trật bánh là đổ như bỡn.
 
Vì đâu nên nỗi?
Thực ra, đường Kim Giang chỉ như một con đường dân sinh. Nhưng khi Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhiều xe ô tô mới chạy tránh qua đường này, vì vậy đường mới nhanh xuống cấp. Đặc biệt là từ khi cẩu Tó bị hỏng (tháng 4/2007), đường Kim Giang được dùng để phân luồng cho xe tải chạy từ đường Giải Phóng, quốc lộ 1 vào Hà Đông, lượng xe tăng đột biến, lại nhiều xe tải nặng nên đường mới càng bị xuốnga cấp trầm trọng.

Đặc biệt, lề đường phía bờ sông nhiều người sử dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng và đổ phế thải, vô tình lấp ránh thoát nước, cản trở dòng chảy. Vì vậy khi trời mưa, nướcc không thoát được làm cho đường ngập úng, xe chạy qua nhiều càng khoét sâu những điểm bị bong tróc, làm cho đường càng nhanh xuống cấp. Bằng chứng là cũng con đường ấy, cũng laọi đường ấy nhưng đoạn từ chợ Thanh Liệt đến cầu Tó, đường Kim Giang chạy sát bờ sông, nước thoát xuống sông được ngay nên đoạn đường này vẫn còn khá tốt.
 
 
Nước ứ đọng không lối thoát
(ảnh Huyền Thanh)


Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều người dân bên đường thiếu ý thức thường đổ nước thải tràn ra đường, nước không thoát được đọng lại những hố trên mặt đường cũng là một nguyên nhân không nhỏ làm cho đường hư hỏng nhanh.

Nghe nói từ năm 1993 thành phố đã có dự án mở đường, làm vườn hoa cây cảnh trên tuyến đường này. Lại nghe nói có cả ý tưởng táo bạo cống hoá sông Tô Lịch để vừa khắc phục tình trạnh ô nhiễm môi trường, vừa mở rộng được đường nhưng người dân nơi đây cứ mỏi mắt trong chờ mà vẫn chưa nhìn thấy tương lại của con đường ở đâu.

Khi tiếp xúc với người dân ở đây, bà con rất mong mỏi trong lúc chờ triển khai dự án mở đường Kim Giang, thành phố cần có giải pháp trước mắt khắcc phục sự xuống cấp của con đường này. Trước hết là vá víu lại những “ổ trâu ổ bò” trên mặt đường. Sau đó và điều quan trọng là cần giải quyết triệt để tình trạng sử dụng lề đường phía bờ sông để đổ phế thải và tập kết vật liệu xây dựng. Đồng thời tạo hệ thống thoát nước, tránh để nước đọng trên đường vì đó là nguyên nhân chính gây ra sự “phá” đường; tránh tình trạng đường Kim Giang xuống cấp với tốc độ ngày càng nhanh à người dân ở đây hàng ngày phải sống trong cảnh khói bụi và nỗi nguy hiểm rình rập.

Thanh Bình

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load