(Xây dựng) – Không chỉ giúp hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu vùng ảnh hưởng bởi thiên tai ổn định cuộc sống, các dự án được tỉnh Quảng Ngãi tận dụng nguồn lực Trung ương hỗ trợ để xây dựng còn góp phần hoàn thiện hạ tầng, đem đến diện mạo khang trang cho các vùng quê.
Năm 2024, Quảng Ngãi được Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023. Đến nay, đa phần các công trình đã hoàn thành và lập tức phát huy hiệu quả đầu tư trong niềm vui khôn xiết của chính quyền và người dân vùng dự án.
Trong đó, lớn nhất là dự án Kè chống sạt lở bờ sông Trà Bồng, đoạn qua các xã Bình Minh và Bình Chương (huyện Bình Sơn). Công trình có tổng chiều dài 1.305m, được xây dựng với mục đích bảo vệ tính mạng, tài sản của 800 hộ dân trước mối nguy sạt lở uy hiếp nhiều năm.
Công trình đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng sau 5 tháng triển khai.
Cả khúc sông dài vốn sạt lở, nay được đầu tư kè và làm đường đỉnh kè; không chỉ giúp người dân yên tâm trong mùa mưa lũ, đi lại thuận tiện mà còn trực tiếp thay đổi diện mạo cả vùng, khiến người dân đôi bờ ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.
Có công trình, cuộc sống người dân ở mép sông sạt lở từ nay “sang trang”.
Mùa lũ năm trước, nước sông Liên dâng cao, chảy xiết và liên tục áp sát nhà cửa, ruộng vườn của 34 hộ dân, cùng Trung tâm hành chính xã Ba Thành (huyện Ba Tơ) và cả tuyến Đường tỉnh 625 đứng trước nguy cơ bị cuốn xuống sông.
Nhờ nguồn lực Trung ương hỗ trợ, Quảng Ngãi đã tức tốc đầu tư xây dựng 250m kè bê tông kiên cố lượn theo địa hình lòng chảo của đoạn sông. Nhờ đó, tình trạng sạt lở tại khu vực này đã chính thức bị “xoá sổ”.
Mối lo sạt lở núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) nhiều năm liền uy hiếp tính mạng, tài sản của 5 hộ dân với 24 nhân khẩu và tuyến đường huyện dưới chân núi.
Do gặp khó trong việc thuyết phục người dân di chuyển chỗ ở và tính chất nguồn vốn, nên giải pháp bạt núi, giật cơ và xếp rọ đá gia cố dưới chân núi đã được chọn.
Dự án hoàn thành, tình trạng sạt lở đã được kiểm soát, các hộ dân dưới chân núi phần nào yên tâm ổn định cuộc sống.
Là dự án tái định cư duy nhất sử dụng nguồn lực Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trong năm, Khu dân cư Đăk Dép được xây dựng nhằm bố trí chỗ ở mới an toàn cho hàng chục hộ dân vùng sạt lở núi thuộc xã Sơn Màu, huyện miền núi Sơn Tây.
Quá trình triển khai, tiến độ dự án bị kéo chậm do gặp nhiều vướng mắc phát sinh, như: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó, địa chất phức tạp và thời tiết vùng núi cuối năm liên tục có mưa đã cản trở công tác đào, đắp và vận chuyển đất, san nền…
Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ đầu tư cùng với nhà thầu đang tổ chức tăng ca, tăng kíp và “làm ngày, làm đêm”, khẩn trương hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sẵn sàng các phương án đón dân vào xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống.
Tết này, 160 hộ dân sống dọc sông Liên Chiểu, đoạn chảy qua xã Phổ Thuận (thị xã Đức Phổ) đón thêm một niềm vui lớn khi công trình Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông đã chính thức hoàn thành.
Gần 800m bờ sông vốn sạt lở nay đã được kiên cố hoá, đường đỉnh kè rộng và có gờ chắn bánh xe giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn trước.
Ông Trần Thanh Phúc, ở thôn Mỹ Thuận cho hay, những năm trước, người dân phải góp tiền để mua đá hộc về gia cố bờ sông, nhưng vẫn không ăn thua. “Thật tình, có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ rằng quê hương mình sẽ có một công trình kè kết hợp đường giao thông kiên cố và đẹp như thế này”, ông Trần Thanh Phúc mừng rỡ.
Thấy Nhà nước quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư công trình, người dân vùng dự án đã tự nguyện hiến đất, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thi công.
“Tính mạng, tài sản từ chỗ bị thiên tai uy hiếp nay đã an toàn, đường qua nhà rộng đẹp, diện mạo cả vùng khang trang và sạch đẹp thấy rõ trong vòng có mấy tháng nên người dân rất phấn khởi”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Trần Ngọc Sang vui mừng thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, những năm qua, bên cạnh nguồn lực tại chỗ, Quảng Ngãi đã tận dụng tối đa hỗ trợ của Trung ương để thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng bền vững, phát huy rất tốt hiệu quả đầu tư, được người dân vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đón nhận. “Các dự án được tỉnh triển khai xây dựng rất nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu về tính cấp thiết, chất lượng và thẩm mỹ công trình nên được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao”, ông Trần Phước Hiền nói.
Lê Danh
Theo