"Rất nhiều con đường có đủ điều kiện về lưu lượng để đầu tư bằng BOT, nếu không cho phép nâng cấp, mở rộng theo BOT trên đường hiện hữu thì không biết đến bao giờ các tuyến đường này mới được đầu tư", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh tại hội thảo về hạ tầng giao thông hôm 4/9.
Bây giờ những con đường ở khu vực kinh tế phát triển, khu đô thị phát triển vẫn phải đầu tư bằng hình thức BOT - Ảnh minh hoạ.
Cần đầu tư BOT trên cả tuyến đường hiện hữu
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn sắp tới rất lớn, cần khoảng gần 2 triệu tỷ đồng, trong khi nguồn vốn ngân sách dự kiến chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, một trong những giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là hình thức hợp tác công tư (PPP).
PPP không phải là hình thức bây giờ mới có, bởi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình để phát triển đất nước trong giai đoạn đầu từ nước đang phát triển trở thành nước phát triển, điển hình nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng từ những năm 1965 - 1975. Trong khi đó, tại Việt Nam, mô hình PPP mới chỉ được áp dụng trong lĩnh vực giao thông khoảng 5 - 6 năm trở lại đây.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, mạng lưới giao thông đường bộ hiện nay ở nước ta có khoảng 500.000km, chất lượng các tuyến đường mới đạt khoảng 30 - 35% theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Những năm qua, ngành giao thông vận tải đã áp dụng hình thức BOT vào đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14. Hai tuyến này không phải vừa rồi chúng ta mới làm mà đã có từ rất lâu. Ngày xưa, cấp đường của hai tuyến đều rất thấp, ban đầu chỉ rộng 3,5m, sau đó nâng cấp dần lên 5,5m, 7,5m, 11m, vừa rồi mới mở rộng lên 21m.
Đây là những tuyến đường huyết mạch, trong khi ngân sách bố trí vốn chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, nếu chúng ta không huy động làm bằng hình thức PPP, không thể hoàn thành việc mở rộng hai tuyến đường huyết mạch quốc gia này, bởi cứ trông chờ vào ngân sách thì không biết đến bao giờ mới làm được.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói: "Chúng tôi hiểu quan điểm không đầu tư BOT trên đường độc đạo, nhưng nếu thế hình thức BOT chỉ áp dụng được duy nhất đối với các dự án đường cao tốc hoặc một số tuyến đường chuyên dụng. Đặt lại vấn đề, những tuyến đường còn lại chất lượng còn yếu kém, quy mô chưa được mở rộng, hệ thống an toàn giao thông chưa đồng bộ thì lấy nguồn lực ở đâu để làm? Ví dụ các tuyến đường lên miền núi hay các tuyến nối từ QL1A lên QL14 sẽ lấy tiền ở đâu?
Tôi cho rằng, bây giờ những con đường ở khu vực kinh tế phát triển, khu đô thị phát triển vẫn phải đầu tư bằng BOT. Điển hình như đoạn đường từ Xuân Mai về Sơn Tây có lưu lượng rất lớn, đây là tuyến đường hiện hữu, chúng ta nhìn nhận, tổ chức lại, nếu làm bằng BOT tuyến đường này sẽ có 4 - 6 làn xe, khu vực này chắc chắn sẽ phát triển kinh tế rất mạnh, còn cứ để như hiện nay không biết lấy tiền đâu để mở rộng?"
"Rất nhiều con đường có đủ điều kiện về lưu lượng để đầu tư bằng BOT, nếu không cho phép nâng cấp, mở rộng theo BOT trên đường hiện hữu thì không biết đến bao giờ các tuyến đường này mới được đầu tư", Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Dự án lớn thì phải coi là cơ hội để doanh nghiệp nội lớn lên
Cũng tại hội thảo, PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, thực trạng dự án BOT và các bất cập thời gian qua xuất phát từ các tuyến vấn đề và cần phải được giải quyết thực chất.
Thể chế thị trường và nguồn lực không phát triển bình thường nên việc thiết lập hợp đồng BOT còn vướng nhiều vấn đề. "Sự bất ổn do giá cả cao sẽ là rủi ro cho doanh nghiệp, cho nhà nước. Lạm phát thời gian gần đây được kiểm soát tốt, tuy nhiên trong bối cảnh quốc tế biến động, nếu không giữ được ổn định về giá cả, lạm phát thì sẽ có tính đầu cơ, đầu cơ BOT càng dễ xảy ra, đội vốn xảy a", ông Trần Đình Thiên nói.
Vấn đề thứ 2 trong đầu tư dự án BOT là môi trường chính sách, hệ thống pháp lý, tính bất ổn, bất định vẫn xảy ra. Đây là "rủi cho" về mặt chính sách và pháp lý, gây xung đột trong thế đối đầu.
Về vốn, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng các dự án đầu tư BOT phải được coi là sứ mệnh quốc gia, trách nhiệm quốc gia. Ngân hàng có các quy định riêng và họ không thể thấy rủi ro mà vẫn cho vay vốn, nhưng khi đã tham gia đầu tư thì phải có trách nhiệm, phải quy trách nhiệm pháp lý và phải được Chính phủ bảo lãnh.
Thực tế hiện nay doanh nghiệp trong nước không được coi trọng, bị trói buộc kinh khủng quá trong khi doanh nghiệp nước ngoài lại được tạo điều kiện quá mức dù năng lực của họ không hơn gì nhiều so với chúng ta.
"Không có nước nào lại cho doanh nghiệp nước ngoài vào nước mình làm dự án dễ dàng như Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta đang tự trói mình", ông Trần Đình Thiên nói.
Những dự án lớn về hạ tầng thì Chính phủ phải coi đó là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, phải có một chủ đích rằng cơ hội đầu tiên phải dành cho doanh nghiệp Việt Nam chứ không thể cứ đấu thầu xong ai vào làm cũng được, việc thiết kế chính sách và luật lệ là để phục vụ chủ đích đó.
Theo Kiều Linh/VnEconomy.vn