Thứ sáu 26/04/2024 15:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đường cao tốc trên bàn nghị sự của Quốc hội

11:11 | 24/05/2022
duong cao toc tren ban nghi su cua quoc hoi
Vòng xuyến trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Ngày 23/5/2022, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV khai mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp giữa năm, nên theo thông lệ, trọng tâm sẽ là hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng sẽ là một nội dung quan trọng của nghị trình.

Cụ thể, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua một loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước. Đó là các dự án xây dựng đường cao tốc vành đai 4 vùng Thủ đô; cao tốc vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; các dự án giai đoạn 1 đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Khi xem xét, thông qua nội dung này, ngoài việc phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức, Quốc hội còn phải trang bị cho mình một quy trình, thủ tục phù hợp.

Trước hết đó là quy trình, thủ tục để thẩm định về mức độ ưu tiên của các dự án nói trên. Trên thực tế, Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội thường tổ chức các phiên thảo luận để thẩm định về tầm quan trọng của từng vấn đề được trình lên. Đây cũng là cách chủ yếu để xác định mức độ ưu tiên. Tuy nhiên, tầm quan trọng và mức độ ưu tiên vẫn là hai khái niệm khác nhau. Có vẻ như không chỉ công trình cơ sở hạ tầng giao thông, mà tất cả các dự án khác trình ra Quốc hội đều rất quan trọng. Và nhiều khi, sự quan trọng của các dự án đó còn phụ thuộc vào góc nhìn của từng đại biểu, cũng như các lực lượng xã hội đứng đằng sau.

Vấn đề là cần phải trả lời câu hỏi: Từ góc độ của lợi ích của quốc gia, thì dự án nào quan trọng hơn, cấp bách hơn? Lựa chọn các dự án quan trọng nhất, cấp bách nhất chính là xác định đúng ưu tiên. Điều này hết sức quan trọng vì mọi nguồn lực của đất nước từ tài chính, tài nguyên, đến nhân lực… đều rất khan hiếm. Lựa chọn sai ưu tiên nhiều khi chính là sự lãng phí to lớn nhất.

Với lập luận nêu trên, thì các dự án xây dựng đường vành đai 4 cho vùng Thủ đô, đường vành đai 3 cho TP Hồ Chí Minh và 3 tuyến đường bộ cao tốc khác đúng là phải được xác định thuộc thứ tự ưu tiên hàng đầu, nếu chúng ta muốn thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc. Sự phát triển mang tính chất đột phá của Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên… nhờ các dự án hạ tầng thời gian qua cho chúng ta thấy rất rõ điều này. Vị trí ưu tiên hàng đầu của các dự án nói trên còn được khẳng định bởi nhu cầu đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng tổng cầu, góp phần phục hồi sự phát triển kinh tế sau đại dịch.

Thứ hai, Quốc hội cũng cần thẩm định trước hết là về việc tại sao lại ưu tiên đầu tư cho vùng Hà Nội, vùng TP Hồ Chí Minh, sau đó là cho các tỉnh thuộc 3 dự án xây dựng đường cao tốc, mà chưa phải cho các tỉnh khác. Ý kiến phản biện ở đây có thể là: Tại sao các tỉnh đã phát triển hơn, đã có điều kiện giao thông tốt hơn lại còn được ưu tiên đầu tư? Trong lúc đó, các tỉnh kém phát triển hơn, điều kiện giao thông khó khăn hơn lại chưa được ưu tiên? Quả thực cân đối giữa đầu tư thế nào cho có hiệu quả và đầu tư thế nào cho công bằng là một bài toán khó khăn. Tuy nhiên, ở đây đầu tư thế nào thì lợi ích quốc gia sẽ lớn hơn phải là tiêu chí quan trọng nhất để xác lập ưu tiên. Ngoài ra, các tỉnh kinh tế kém phát triển hơn cũng phải thấy rằng, nếu nhờ các dự án nói trên, nền kinh tế nói chung và kinh tế của các tỉnh có dự án phát triển, thì họ cũng sẽ được hưởng lợi. Lý do đơn giản vì đa số các tỉnh này đều thu không đủ chi. Họ đều phải câu đối ngân sách địa phương từ nguồn do Trung ương phân bổ. Nền kinh tế nói chung và kinh tế của các tỉnh có dự án phát triển, thì Trung ương sẽ thu ngân sách được nhiều hơn, nhờ vậy mà mức phân bổ cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách cũng sẽ cao hơn. Chính vì vậy, cho dù các đại biểu đại diện cho các tỉnh không có dự án sẽ chiếm đa số trong Quốc hội, chúng ta vẫn tin tưởng rằng các dự án nói trên sẽ được thông qua.

Thứ ba, xét về mặt quy mô và tính chất, các dự án nói trên đều là dự án thuộc Trung ương quản lý, nhưng lại được phân cấp, phân quyền cho địa phương (Phân cấp, phân quyền là cách nói phổ biến của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, thuật ngữ chính xác hơn phải là ủy quyền. Các dự án đều thuộc quyền quản lý của Trung ương, nhưng lại ủy quyền cho địa phương triển khai). Quốc hội cần thẩm định xem cứ để cho Trung ương quản lý và triển khai các dự án thì tốt hơn hay phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ tốt hơn?

Một mặt, do các dự án xây dựng cao tốc nói trên đều kết nối các tỉnh, nên chúng đều là quốc lộ. Các quốc lộ phải do Trung ương xây dựng và quản lý. Làm được như vậy thì bảo đảm sự liên thông và năng lực kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải sẽ được phát huy. Ở góc nhìn ngược lại, phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ giảm tải cho Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, công bằng mà nói, các địa phương có khuyến khích lớn hơn trong việc triển khai dự án.

Quả thực, mỗi phương án đều có những ưu điểm và những hạn chế của mình. Quyết định phương án nào có lợi hơn cần căn cứ vào những phân tích, so sánh khoa học và các chứng cứ mà Quốc hội được cung cấp hoặc các vị đại biểu tự thu thập.

Cuối cùng, các dự án nói trên còn phải thẩm định về mặt tài chính cũng như kỹ thuật. Tuy nhiên, đó là công việc của các chuyên gia nhiều hơn là của các vị đại biểu. Vấn đề là các báo cáo thẩm định như vậy cũng cần cung cấp cho mỗi đại biểu Quốc hội.

Vì lợi ích của quốc gia, vì sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, hy vọng các dự án nói trên sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Theo Nguyễn Sĩ Dũng/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load