Chiều 15/10, Cty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2 sau 18 tháng thi công.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, TPHCM cùng cắt băng khành thành cầu Sài Gòn 2.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương UBND TP.HCM cũng như chủ đầu tư và các nhà thầu đã khắc phục khó khăn hoàn thành công trình vượt tiến độ trước 3 tháng.
Theo Phó Thủ tướng, TP.HCM luôn đi đầu trong cả nước về công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Chính vì thế vị trí của thành phố rất quan trọng trong phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư mạnh mẽ các công trình hạ tầng bằng hình thức xã hội hóa, nhất là hình tức BT mà nghị quyết 13 khóa 11 đã nêu đó là huy động các nguồn lực khác để phát triển cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng Chính phủ đã ký điều chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông TP.HCM, trong đó có có việc xây dựng 14 cây cầu ở thượng lưu và hạ lưu trên sông Sài Gòn, không những đảm bảo về giao thông mà còn là cầu về kiến trúc để TP phát triển trong tương lai”.
Chính vì vậy Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM tiếp tục có hình thức đầu tư phù hợp đối với các công trình từ vốn ngân sách nhà nước để phát triển các chương trình chiến lược mà Chính phủ đã xây dựng trong mấy năm qua.
Phát huy các kinh nghiệm, hình thức xã hội hóa đầu tư nhất là các hình thức BT, BOT… mà TP đã có kinh nghiệm. Đây là những cách làm tốt để huy động một phần vốn trong dân cư. Qua đó TP tham mưu cho Chính phủ và Bộ GTVT về hình thức xã hội hóa đầu tư, phát triển các công trình hạ tầng.
Cầu Sài Gòn 2 nằm về phía hạ lưu sông Sài Gòn, song song với cầu Sài Gòn hiện hữu, tim cầu cũ và mới cách nhau 26,6m, lan can giữa 2 cầu cách nhau 3m. Điểm đầu cầu kết nối đường Điện Biên Phủ (phía Q.Bình Thạnh), cách mố phía nam của cầu Sài Gòn hiện hữu khoảng 350m. Điểm cuối kết nối xa lộ Hà Nội, cách mố phía bắc (Q.2) của cầu Sài Gòn hiện hữu khoảng 117m.
Theo thiết kế cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực có tổng chiều dài 987,32m, gồm 30 nhịp. Trong đó có 5 nhịp chính (dài 368m) đúc hẫng theo phương pháp căng cáp dự ứng lực, 25 nhịp còn lại (mỗi nhịp dài 24,7m), bố trí phía Bình Thạnh 13 nhịp và Q.2 12 nhịp, mặt cắt ngang gồm 13 phiến dầm.
Cầu rộng 23,5m bố trí 4 làn xe cơ giới và 1 làn xe máy. Công trình có tuổi thọ thiết kế 100 năm là đường phố chính đô thị cấp I, vận tốc 80 km/giờ, chịu được động đất cấp 7 (thang MSK-64), hoạt tải HL-93. Tĩnh không thông thuyền 80x9m, tĩnh không đứng các đường chui dưới cầu là 4,5m và 4,75m. Công trình có tổng vốn đầu tư 1.495,52 tỷ đồng.
Theo phân luồng của Sở GTVT TP.HCM cầu Sài Gòn hiện hữu sẽ sử dụng 1 chiều hướng từ Q.2 đến Q.Bình Thạnh và cầu Sài Gòn 2 cho xe đi ngược lại. Từ ngày 1/11 - 31/12, CII sẽ hoàn thiện phần đường đầu cầu của Cầu Sài Gòn cũ và Cầu Sài Gòn 2. Cùng đó, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 cũng tiến hành sửa chữa Cầu Sài Gòn cũ theo hướng chuyển làn xe hai bánh từ quận Bình Thạnh qua Q.2 thành làn xe ô tô.
Cùng chiều 15/10, Cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai, nối Đồng Nai với TP HCM đã được hợp Long. Đây là cây cầu có quy mô lớn nhất trong dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây do TCty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. Cầu dài 3,1km, trong đó phần cầu dài 2,3km, rộng 19,7m gồm 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100km/giờ, công trình có vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, cuối năm 2013 sẽ hoàn thành trước khoảng 23km, đoạn từ TP.HCM đến QL51 tỉnh Đồng Nai. Trong năm 2014 sẽ hoàn thành toàn bộ đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km.
Cao Cường
Theo