Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay, cùng với các chính sách của Chính phủ và hàng loạt ưu đãi từ các địa phương, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Sớm giải 3 nút thắt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Báo cáo chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp tại Việt Nam, được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD công bố mới đây cho thấy, ngành công nghiệp là cơ sở cho sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong hai thập kỷ qua.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với các doanh nghiệp FDI lớn đang là mục tiêu của nhiều địa phương. Ảnh: Nguyễn Bằng |
Báo cáo cũng cho thấy, trong nhiều năm qua, mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa trên thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu. Một trong những kết quả của cách tiếp cận này là Việt Nam đã tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, việc tham gia mới chủ yếu ở mắt xích đơn giản, tức là nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào trung gian, sau đó lắp ráp trong nước và xuất khẩu. Hàm lượng sản xuất nội địa trong hàng xuất khẩu quốc gia do đó thấp, cho thấy Việt Nam không hưởng thụ được đầy đủ sự lan tỏa tri thức cũng như chuyển giao công nghệ.
Theo các chuyên gia của OECD, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm những năm qua với các ưu đãi tập trung cho sáu nhóm ngành (dệt may; da giày; điện tử; ô tô; cơ khí, máy công cụ; và công nghiệp công nghệ cao). Dù được đánh giá là chủ trương đúng đắn, nhưng nguồn ngân sách dành cho chương trình tương đối mỏng và hầu như chỉ giới hạn trong các ưu đãi thuế và trợ cấp vay vốn.
Các chuyên gia của OECD cho rằng, trong tương lai, để xây dựng mối liên kết với công ty đa quốc gia và trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam phải triển khai đồng bộ các giải pháp gỡ các nút thắt được nhắc đến nhiều thời gian qua. Theo đó, cần có các cơ chế khuyến khích nghiên cứu hỗ trợ từ các trường đại học và tạo điều kiện để các công ty đa quốc gia định vị các nhà cung cấp trong nước “đủ tiêu chuẩn” và “được xác minh”.
“Điều kiện cơ bản cho sự thành công của các sáng kiến này là sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, cam kết của các nhà cung ứng trong nước và vai trò điều phối tích cực của chính phủ”, OECD khuyến nghị.
Thêm nhiều trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ mới
Là một trong những địa phương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, tỉnh Hưng Yên đã đưa ra rất nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp công nghiệp tới “làm tổ”. Một trong những ưu tiên của tỉnh này chính là phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các nhóm cơ khí chế tạo, thiết bị điện - điện tử, dệt may - da giày, sản xuất và lắp ráp xe ô tô, công nghiệp công nghệ cao.
Hưng Yên định hướng đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Cụ thể với lĩnh vực cơ khí chế tạo, tới năm 2025 Hưng Yên sẽ tập trung sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng từ 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại, thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, sẽ dồn các nguồn lực ưu tiên những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tỉnh ưu tiên phát triển gồm cơ khí chế tạo, thiết bị điện - điện tử, dệt may - da giày, sản xuất và lắp ráp xe ô tô, công nghiệp công nghệ cao.
Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư tốt nhất để các đại bàng đến làm tổ là bí quyết giúp Bắc Giang liên tục nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam trong những năm qua.
Tỉnh Bắc Giang cho biết, dự kiến xuất hiện của các doanh nghiệp FDI đã giúp địa phương hình thành được chuỗi công nghiệp hỗ trợ phát triển kéo theo sự chuyển dịch của các ngành công nghiệp ở địa phương như: Linh kiện điện, điện tử, pin năng lượng mặt trời, cơ khí, phụ kiện ngành may, công nghiệp chế biến nông, lâm sản...
“Bắc Giang khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh, các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cho hay.
Những năm gần đây, Hải Phòng cũng nổi lên như một trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ mới ở phía Bắc với việc tập trung hỗ trợ phát triển ngành cơ khí vận tải, bao gồm ngành sản xuất xe có động cơ, ngành công nghiệp đóng tàu. Việc tập đoàn Vingroup đang xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô với diện tích 70ha với nhiều dự án phụ trợ khác với tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng cũng đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp xuyên quốc gia. |
Theo Thục Quyên/Tienphong.vn