Thứ năm 26/12/2024 23:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Du lịch Việt Nam nỗ lực vượt khó trước dịch bệnh Covid-19

12:19 | 22/02/2020

(Xây dựng) - Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Diễn biến nhanh, phức tạp và nghiêm trọng của dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch thế giới và Việt Nam nói chung cũng như các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch nói riêng. Để vực dậy ngành Du lịch và đảm bảo an toàn cho du khách, du lịch Việt Nam đang xây dựng kịch bản với những giải pháp quyết liệt vượt “bão Corona”.

du lich viet nam no luc vuot kho truoc dich benh covid 19
Dịch viêm đường hô hấp cấp bùng phát đang là thách thức lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam.

Thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng

Du lịch là ngành rất dễ bị tổn thương vì chịu nhiều tác động xã hội, chính trị, kinh tế, dịch bệnh, thiên tai... Theo ước tính ban đầu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra, trong ba tháng tới, thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9-7 tỷ USD.

Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, dự đoán khách du lịch sẽ giảm 90%-100%, tương ứng giảm 1,7-1,9 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,8-2 tỷ USD. Đối với các thị trường khách quốc tế còn lại, khách du lịch giảm khoảng 50%-70%, tương ứng lượng khách giảm 2-2,8 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2-2,3 tỷ USD. Với thị trường nội địa, dự đoán khách du lịch giảm 50-70%, tức lượng khách sẽ giảm 10,9-15,3 triệu lượt; thiệt hại từ thị trường này khoảng 1,9-2,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, con số thiệt hại theo ước tính của Tổng cục Du lịch chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách, nhân với mức chi tiêu bình quân, chưa tính đến thiệt hại của các doanh nghiệp. Trong khi đó, đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay chính là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú như hệ thống resort-khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí...).

Theo đánh giá sơ bộ của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến giữa tháng 2/2020, công suất phòng của các cơ sở lưu trú trên địa bàn giảm mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm trước; lượng khách qua các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng giảm đến 50%, trong khi đó, các đơn vị chuyên khách nói tiếng Hoa có mức sụt giảm còn mạnh hơn, lên đến trên 70%. Một số doanh nghiệp lữ hành lớn cho biết, số tiền thiệt hại chỉ sau 1 tháng bùng nổ dịch bệnh đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Chưa kể việc phải đền bù, đóng phạt cho đối tác nước ngoài trong trường hợp khách đòi hủy tour mà không thương lượng được. Các hoạt động, kế hoạch phát triển thị trường của nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn, ngưng trệ dẫn đến việc làm của lao động ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với cán bộ, công nhân viên.

Tại Thủ đô Hà Nội, tính đến 17/2, đã có gần 20.000 khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, tập trung chính vào khách đến từ Trung Quốc (17.120 lượt), còn lại là các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật, Indonesia, châu Âu, Mỹ… Cùng với đó, trên 19.000 khách nội địa hủy tour đến Hà Nội. Theo số liệu thống kê từ các cơ sở lưu trú, số ngày phòng bị hủy là trên 30.600 ngày với trên 42.700 lượt khách.

Tất cả những thiệt hại này chắc chắn vượt xa con số 7 tỷ USD mà Tổng cục Du lịch ước tính.

du lich viet nam no luc vuot kho truoc dich benh covid 19
Nhiều hãng hàng không cũng tiến hành khử trùng máy bay để phòng dịch bệnh Covid-19.

Nỗ lực kích cầu, đưa du lịch vượt khó

Hiện nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và một số quốc gia, nhưng Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra tình trạng lây lan trong cộng đồng. Các giải pháp chữa trị, phòng ngừa đã phát huy hiệu quả cao. Từ khi dịch bệnh Covid-19 chính thức bùng nổ và lan rộng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã 2 lần gửi thư tới bạn bè và đối tác quốc tế của ngành Du lịch, thông báo về việc ngành Du lịch Việt Nam đang chủ động kiểm soát những tác động của dịch bệnh và các điểm du lịch tại Việt Nam vẫn hoạt động bình thường. Theo Tổng cục Du lịch, trong bối cảnh hiện nay, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh là điều rất quan trọng, giúp thu hút khách quay trở lại sau mùa dịch bệnh.

Để ứng phó trước tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động ngay những ngày sát Tết, khi có thông tin dịch bệnh nCoV bùng phát.

Là doanh nghiệp quản lý và vận hành hệ thống quần thể nghỉ dưỡng quy mô hàng đầu tại Việt Nam, FLC Hotels & Resorts đã chủ động có những biện pháp cũng như định hướng chiến lược trong ngắn và dài hạn. Cụ thể như: Thực hiện các gói kích cầu trên toàn hệ thống ví dụ tại Quy Nhơn, FLC đang giới thiệu gói combo “Bay Bamboo nghỉ dưỡng sang chảnh ở FLC Quy Nhơn” chỉ từ 2.999.000 VND/người. Với mức chi phí ước tính chỉ bằng giá trung bình cho 1 đêm phòng lưu trú thông thường tại FLC Quy Nhơn, du khách có thể tận hưởng 2 đêm nghỉ tại quần thể, vé máy bay khứ hồi Bamboo Airways, buffet sáng hàng ngày, 01 bữa trưa/hoặc tối cho mỗi đặt phòng, liệu trình spa 45 phút...

Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo không gian lưu trú an toàn, thư giãn cho du khách. Hệ thống quần thể thực hiện nghiêm túc các quy tắc về đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh việc chú trọng thu hút thị trường khách nội địa, Tập đoàn FLC đã và đang chủ động khai thác và mở rộng các thị trường quốc tế tiềm năng với việc mở rộng mạng bay, đội bay của Bamboo Airways, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất theo chuẩn 5 sao quốc tế; Phối hợp, liên kết với các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ trọn gói…

Sun Group, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cũng đã lập tức triển khai các giải pháp ứng phó ngay khi nắm bắt thông tin về dịch bệnh. Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng do Covid-19 gây ra, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch thu hút du khách trong mùa dịch và ngay sau khi dịch kết thúc, Sun Group đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo môi trường du lịch an toàn, sạch sẽ và hấp dẫn cho du khách.

Để kích cầu du lịch, chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Sun Group cũng đưa ra hàng loạt các gói ưu đãi nghỉ dưỡng trong giai đoạn quý I năm nay, cùng với thông điệp về những điểm đến an toàn tại Việt Nam. Các điểm vui chơi giải trí thuộc tổ hợp Sun World trên cả nước đều phát loa và dán thông báo đưa ra các chỉ dẫn cụ thể, thiết thực theo khuyến nghị của Bộ Y tế dành cho du khách khi đến nơi đông người như: Thường xuyên phun khử khuẩn tại tất cả các cabin cáp treo và các khu vực trong khu du lịch; Phát miễn phí khẩu trang, hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách, khuyến khích du khách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn…

Đại diện Sun Group khẳng định, hệ thống các điểm đến du lịch do Sun Group xây dựng, quản lý đều đang là những điểm đến an toàn, với các biện pháp phòng ngừa dịch được thực hiện tích cực nhất.

Bên cạnh đó, Sun Group cũng đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tạo cảnh quan, xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn, các chương trình khuyến mại để thu hút du khách trong mùa dịch và đặc biệt là ngay sau khi dịch kết thúc.

du lich viet nam no luc vuot kho truoc dich benh covid 19
Tại nhiều điểm du lịch, du khách được phát khẩu trang miễn phí và được hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách.

Doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ “vượt bão”

Khủng hoảng từ dịch bệnh được coi như là phép thử cho khả năng chống chịu của ngành Du lịch đối với các cú sốc từ bên ngoài. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, khó khăn vì dịch Covid-19 chính là cơ hội để ngành cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường nào đó quá lớn, đồng thời đẩy mạnh kích cầu, tăng cường liên kết, đặc biệt là liên kết giữa hàng không và du lịch, giữa trung ương - địa phương và liên kết công – tư.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp, ngành Du lịch cần được sự “tiếp sức" mạnh mẽ và quyết liệt từ Chính phủ ngay thời điểm này để vượt qua “bão Corona”. Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) mới đây vừa gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bản kiến nghị với một loạt đề xuất để "cứu" ngành Du lịch, trong đó đề nghị Chính phủ cho phép giảm ngay thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt…

Các doanh nghiệp cũng có nhiều kiến giải, đề xuất Chính phủ và các địa phương cân nhắc có các biện pháp kịp thời để ngành du lịch có thể phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh. Đại diện Sun Group cho biết, nhằm khôi phục hoạt động du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Sun Group đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương có những hành động, giải pháp thiết thực và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Cụ thể như:

Lập tức triển khai các chiến dịch truyền thông chủ động đến các thị trường tiềm năng và ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, truyền tải thông điệp tích cực: “VIỆT NAM LÀ ĐIỂM ĐẾN AN TOÀN”, nhấn mạnh vào các vùng điểm đến đẹp và an toàn của Việt Nam với đặc thù khi hậu ấm nắng quanh năm.

Hỗ trợ tối đa về kinh phí và thủ tục cho doanh nghiệp du lịch trong các chuyến quảng bá xúc tiến du lịch quốc tế, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 50% thuế VAT & thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020; Cho phép chậm nộp thuế VAT quý IV-2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đề xuất lùi sang quý 3 hoặc quý IV-2020.

Kiến nghị Chính phủ có ý kiến với các hãng hàng không có các chính sách linh hoạt và ưu đãi dành cho các doanh nghiệp du lịch để tạo điều kiện xây dựng các gói kích cầu du lịch.

Kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương có ý kiến với các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ,…đối với các khoản vay của các doanh nghiệp du lịch.

Kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt là các dự án, sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm nhằm thu hút du khách vui chơi, tiêu tiền, từ đó tăng cường doanh thu du lịch, bù đắp lại thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cân nhắc tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá riêng cho du lịch tàu biển để thu hút khách nhằm mục đích tìm kiếm, củng cố và mở rộng các thị trường tàu biển tiềm năng.

Đồng thời, xem xét giảm thuế khoán doanh thu hàng tháng đối với các Đội tàu từ khi xảy ra dịch đến khi hết dịch. Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến du lịch tàu biển của Việt Nam, nhưng thị trường khách tàu biển lại là phân khúc khách cao cấp, chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, do vậy có thể giúp ngành du lịch phục hồi nhanh chóng về lượng khách và doanh thu.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load