Thứ năm 10/10/2024 11:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Dự án Vành đai 3 TPHCM: Các tỉnh thành đang làm gì cho kịp tiến độ?

17:07 | 05/12/2022

Các tỉnh, thành có dự án Vành đai 3 TPHCM đi qua đang khẩn trương thực hiện các công việc liên quan, dự kiến sẽ khởi công dự án đúng tiến độ vào tháng 6/2023.

Dự án Vành đai 3 TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội cho TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự kiến khởi công dự án vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc năm 2025. Dư luận quan tâm, TPHCM và các tỉnh lân cận sẽ làm gì để dự án lớn này đảm bảo diễn ra đúng tiến độ?

Dự án Vành đai 3 TPHCM khởi công sớm hơn kế hoạch

TPHCM điều chỉnh 27 đồ án quy hoạch

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, với dự án này, TP được giao 2 nhiệm vụ. Một là triển khai 2 dự án thành phần về xây lắp và giải phóng mặt bằng; hai là cầu nối giữa các địa phương, đảm bảo tiến độ đồng bộ và hiệu quả.

Với 2 dự án thành phần về xây lắp và giải phóng mặt bằng, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đang rà soát lần cuối các hồ sơ liên quan, dự kiến đầu tuần này sẽ trình UBND TPHCM thẩm duyệt. Đến tháng 3/2023, TP sẽ bàn giao 70% mặt bằng với hơn 400ha đất.

Trong đó, TP có hơn 1.600 trường hợp bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng Vành đai 3 TPHCM, và 400 hộ dân sẽ tái định cư tại chỗ. Chậm nhất đến tháng 12/2023, TP sẽ bàn giao 100% mặt bằng.

Dự án Vành đai 3 TPHCM: Các tỉnh thành đang làm gì cho kịp tiến độ?
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường (Ảnh: Phương Nhi).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, dự án Vành đai 3 mang lại động lực phát triển mới cho các địa phương, mở rộng không gian phát triển đô thị. Để phù hợp với dự án, TPHCM đã điều chỉnh 27 đồ án quy hoạch cục bộ, tập trung để có cơ chế khai thác quỹ đất hiệu quả, điều chỉnh phát triển về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, bảo đảm quốc phòng an ninh...

TP cũng đang tập trung triển khai các tuyến đường như cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tính phương án mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến hướng tâm để phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông tổng thể, không tách rời Vành đai 3.

"Vành đai 3 là công trình kiểu mẫu trong quá trình quản lý điều hành, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý dự án trong điều phối của 4 tỉnh, thành. Đây cũng là dự án kiểu mẫu trong giải phóng mặt bằng tái định cư, có sự phối hợp giữa 4 bên là chính quyền; người dân; doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học", ông Cường nói.

Vành đai 3 là khát vọng lớn của tỉnh Đồng Nai

Về tình hình triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, cơ bản đã bàn giao ranh giải phóng mặt bằng cho ban quản lý bồi thường khoảng 80%. Với 20% còn lại, do nằm ở các vị trí nút giao nên đang khẩn trương rà soát.

Đến khi dự án được phê duyệt, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến, đến tháng 6/2023, tỉnh sẽ khởi công dự án, đúng tiến độ đề ra. Địa phương đã chuẩn bị 2 khu tái định cư khoảng 74ha, phục vụ cho khoảng 450 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Dự án Vành đai 3 TPHCM: Các tỉnh thành đang làm gì cho kịp tiến độ?
Dự án Vành đai 3 TPHCM qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng chiều dài khoảng 34,4km (Ảnh: UBND TPHCM).

Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ, dự án Vành đai 3 TPHCM đi qua địa bàn tỉnh là một khát vọng lớn của lãnh đạo, người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. "Dự án hoàn thành sẽ giảm ùn tắc quốc lộ 51 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây", ông Bôn nói.

Địa phương này đã bổ sung quy hoạch đoạn đường tiếp nối Vành đai 3, kết nối từ cao tốc Bến Lức - Long Thành xuống Khu công nghiệp Ông Kèo. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai sẽ đánh giá lại không gian phát triển và quy hoạch các khu đô thị, dịch vụ, thương mại tập trung dọc tuyến Vành đai 3 trên địa bàn tỉnh.

Khi Vành đai 3 hình thành, Đồng Nai sẽ bổ sung các tuyến đường 25b, 25c kết nối thẳng vào sân bay Long Thành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tham gia giao thông.

Long An khởi công dự án trước tháng 6/2023

Theo ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, dự án sẽ khởi công trước tháng 6/2023. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở GTVT làm chủ đầu tư dự án xây lắp; còn dự án giải phóng mặt bằng giao cho UBND huyện Bến Lức làm chủ đầu tư.

Địa phương xác định, đây là công trình trọng điểm quốc gia, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Do đó, ngay từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh đã khẩn trương thực hiện, huy động các cán bộ kinh nghiệm trong ngành giao thông tham gia dự án.

Hiện, dự án xây lắp đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định, trình Bộ GTVT thẩm định và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Dự kiến sẽ có kết quả thẩm định trước ngày 5/12, và trước ngày 10/12 UBND tỉnh sẽ phê duyệt đầu tư dự án.

"Trên tinh thần đó, tỉnh Long An phấn đấu hoàn thiện phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án trước tháng 6/2023, đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ", ông Trúc nói.

Dự án Vành đai 3 TPHCM: Các tỉnh thành đang làm gì cho kịp tiến độ?
Cao tốc TPHCM hướng về Long Thành, kết nối với Vành đai 3 (Ảnh: H.L.).

Trong việc giải phóng mặt bằng, tỉnh chủ động phê duyệt từ tháng 8, chủ đầu tư là UBND huyện Bến Lức đã tổ chức thông báo cho người dân và kê biên. Việc kê biên đối với người dân đạt trên 90% với 319 hộ, dự kiến trong tháng 12 sẽ kê biên xong 100%.

Theo kế hoạch, trong quý 1 năm 2023 sẽ xây dựng đơn giá và công bố với người dân. Tỉnh đã chỉ đạo huyện Bến Lức lấy ý kiến từng hộ dân bị ảnh hưởng, đa số các hộ dân đều đồng tình. Trên tinh thần đó, khả năng đến tháng 4/2023 sẽ chi trả tiền cho người dân và đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng vào tháng 6/2023.

Tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng là khoảng 50ha đất. Tỉnh đã có sự điều động việc tái định cư là sử dụng ngân sách tỉnh xây dựng khu tái định riêng, dành một phần cho Vành đai 3, tọa lạc tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức.

"Người dân bị ảnh hưởng ở các xã, chuyển đến thị trấn trong cùng huyện Bến Lức. Sở GTVT cùng Ủy ban MTTQ huyện phát phiếu lấy ý kiến thì đa số người dân yêu cầu triển khai thi công dự án sớm và có chế độ tái định cư, đền bù hợp lý thì họ sẽ đồng thuận", ông Trúc nói thêm.

Tuyến Vành đai 3 thuộc địa phận TPHCM dài 47km, đi qua TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.

Tại tỉnh Bình Dương, dự án dài khoảng 10,75km, đi qua địa bàn thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An.

Ở tỉnh Long An, dự án có chiều dài hơn 6,8km, chủ yếu đi qua 2 xã Mỹ Yên và Tân Bửu của huyện Bến Lức.

Riêng tỉnh Đồng Nai, dự án chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 2 dự án thành phần, tổng chiều dài khoảng 34,4km.

Theo Phương Nhi/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load