(Xây dựng) - Tỉnh Thái Bình và tỉnh Nam Định vừa họp thống nhất một số nội dung về công tác phối hợp trong tổ chức giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình (theo hình thức đối tác công tư).
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Dự án đường cao tốc CT.08 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định. Theo thiết kế, tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc (TCVN 5729:2012), với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027.
Tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Thái Bình dài trên 33km, với 19 xã của 2 huyện Thái Thụy và Kiến Xương; đoạn qua tỉnh Nam Định dài 27,6km, với 21 xã của 4 huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh và Xuân Trường.
Hiện các địa phương của 2 tỉnh đã dự kiến các khu tái định cư cho nhân dân vùng dự án, cắm mốc giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân. Về nguồn cát đắp nền đường phục vụ dự án, tổng khối lượng ước tính khoảng trên 13,2 triệu m3; trong đó, tỉnh Thái Bình cần khoảng 6,85 triệu m3, qua khảo sát, đánh giá trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng cung cấp nhu cầu dự án trong phạm vi đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình. Nhu cầu cát đắp trên địa bàn tỉnh Nam Định là trên 6,37 triệu m3.
Tại buổi làm việc, 2 bên tập trung trao đổi thống nhất các nội dung phối hợp trong hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thảo luận về các giải pháp bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08.
Để dự án sớm khởi công, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương liên quan của 2 tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong triển khai thực hiện dự án nhất là sớm hoàn thiện báo cáo tác động đánh giá môi trường, sớm trình ban hành quyết định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Về công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương 2 tỉnh cần chủ động, linh hoạt, phối hợp trong thực hiện các bước triển khai giải phóng mặt bằng, làm song song các bước để đẩy nhanh tiến độ trên tinh thần đúng theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong vùng dự án. Đồng chí cũng cho ý kiến về các giải pháp đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, công tác khảo sát, đánh giá các mỏ cát phục vụ nhu cầu của dự án.
Các Sở, ngành, địa phương 2 tỉnh thực hiện giao ban định kỳ hàng tháng, thường xuyên trao đổi, phối hợp thực hiện các công việc hiệu quả nhất, phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2024.
Kim Oanh
Theo