(Xây dựng) - Đơn vị ông Lê Đình Thiết (Khánh Hòa) đang quản lý một dự án đầu tư xây dựng. Hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật được duyệt năm 2018 với tổng mức đầu tư là 13,5 tỷ đồng, vì vướng giải phóng mặt bằng nên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ảnh minh họa (nguồn: TL). |
Hiện tại, dự án phát sinh khối lượng với giá trị khoảng 1 tỷ đồng do hoàn chỉnh thiết kế đấu nối với Quốc lộ 1, chi phí giải phóng mặt bằng cập nhật hiện nay tăng thêm khoảng 6,5 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 21 tỷ đồng, vượt 15 tỷ đồng mức quy định lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
Ông Thiết hỏi, vậy đơn vị ông phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi hay chỉ điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 10 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 52 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 10 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 và Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Đối với việc điều chỉnh dự án (đã lập và phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng) làm tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án vượt 15 tỷ đồng như nêu tại câu hỏi của ông Thiết, ông cần nghiên cứu các quy định nêu trên và căn cứ nội dung cụ thể của dự án để xác định dự án điều chỉnh thuộc trường hợp lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh hoặc thuộc trường hợp chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng điều chỉnh.
Huyền Trang
Theo