Dự kiến đến tháng 6/2023, dự án kênh Đáy-Ninh Cơ mới hoàn thành sẽ tạo kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng đường thủy.
Nhà thầu đang thi công đào đất lòng kênh và xây dựng một phần âu, xây dựng đường thủy dẫn vào kênh và kè bờ kênh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Dự án cụm công trình nối kênh Đáy-Ninh Cơ được ấn định thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác tháng 6/2022 sẽ tạo kết nối tuyến vận tải thủy ven biển phía Bắc. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, dự án này khó về đích theo kế hoạch đề ra.
Mặt bằng, địa chất làm chậm tiến độ
Theo ông Nguyễn Quang Nhung, Chỉ huy trưởng Văn phòng dự án (Ban Quản lý các dự án Đường thủy)-đơn vị quản lý dự án, cụm công trình nối kênh Đáy-Ninh Cơ gồm 4 gói thầu xây lắp: Xây dựng cầu bê tông cốt thép vượt qua kênh, âu tàu (kết hợp ngăn mặn và phục vụ giao thông), đào đất lòng kênh và xây dựng một phần âu, xây dựng đường thủy dẫn vào kênh và kè bờ kênh.
Các hạng mục chính gồm đào tuyến kênh dài gần 1km nối sông Đáy và Ninh Cơ, chiều rộng đáy kênh từ 90-100 m đáp ứng phương tiện thủy chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông, trên kênh có âu tàu kích thước trong buồng âu rộng 17m, dài 179m và cao độ đáy -7m để kết hợp phục vụ giao thông thủy và ngăn nước mặn; xây dựng cầu bê tông cốt thép có tĩnh không 15m thuộc Tỉnh lộ 490C…
“Đến nay, tổng giá trị sản lượng của dự án đạt 35% tiến độ. Các nhà thầu thi công đã huy động máy móc, nhân lực tăng ca, các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ của từng gói thầu,” ông Nhung cho hay.
Trong số đó, hạng mục cầu bêtông vượt kênh đến nay đã xong các trụ cầu, dầm cầu ở phía hai đầu và chỉ còn đoạn vượt qua lòng kênh chờ gác dầm; một phần lòng kênh và bờ đất đang được đào, nạo vét luồng dẫn vào kênh từ phía sông Đát.
Hiện phần công việc khó nhất đã hoàn thành như đào hố móng trong điều kiện địa chất rất yếu và lúc nào cũng có nguy cơ sạt lở nên công việc thi công đã được triển khai rất cẩn trọng với sự phối hợp của các bên. Nhà thầu đã đóng cơ bản phần cọc, cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn, công tác cơ khí được sản xuất tại nhà máy đã đẩy sản lượng lên.
Lý giải về việc không thể hoàn thành dự án vào tháng 6/2022, ông Nhung chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của dự án.
Cụ thể, trong quá trình thi công đào âu tàu, ngày 9/11/2021 xảy ra hiện tượng sạt lở, trượt trồi đất mái dốc kênh, gây ảnh hưởng đến 5 trụ cầu đoạn vượt qua kênh. Phạm vi sụt trượt rộng, kéo theo di chuyển địa chất, ảnh hưởng đến kết cấu công trình cầu.
Do sảy ra sự cố kỹ thuật (sạt trượt mái dốc đào hố móng), nhiều hạng mục đang thi công phải tạm dừng chờ khắc phục, kéo theo tiến độ thi công các gói thầu hiện chậm so với tiến độ thi công được duyệt. Hiện các bên liên quan đang tích cực đưa biện pháp xử lý triệt để, an toàn và hợp lý. Sau khi có những biện pháp cụ thể và các điều chỉnh hợp lý, các đơn vị chức năng mới có thể lập biện pháp thi công và xác định tiến độ phù hợp.
Một khó khăn lớn nhất là hiện còn vướng mắc di dời hoàn trả đường ống nước sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Thanh. Ban Quản lý các dự án Đường thủy đang phối hợp với địa phương để thực hiện di dời đường nước đáp ứng tiến độ của dự án.
Đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) đã hoàn thành các thủ tục về công tác đấu thầu cho việc di dời đường ống. Huyện tiếp tục vận động Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Thanh đồng thuận với phương án hoàn trả; phối kết hợp với đơn vị thi công và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai xây dựng và bàn giao đi vào sử dụng. Sau khi di dời xong đường ống này mới có thể thi công đào kênh.
Điều chỉnh lùi tiến độ thêm 1 năm
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng phòng dự án 2, Ban Quản lý các dự án Đường thủy cho biết từ gần cuối tháng 7-10/2021, tỉnh Nam Định thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến việc huy động nhân lực, máy móc, thiết bị và vật liệu thi công dự án rất khó khăn. Mặt khác, khu vực công trường còn liên tục có mưa lớn trong 3 tháng (tháng 8-10/2021) lên tới 280% so với lượng mưa phổ biến khiến phải tạm dừng thi công.
“Các yếu tố trên làm chậm thời gian thi công xây lắp khoảng 3 tháng. Sự cố sụt trượt đất tại dự án cũng khiến phải dừng thi công 2 tháng để rà soát, đánh giá nguyên nhân và giải pháp xử lý,” ông Thưởng nói.
Là đơn vị thi công gói thầu số 2.9 về cầu, ông Trần Văn Nhật, chỉ huy trưởng Công ty cổ phần xây dựng công trình Trường Lộc cho biết tiến độ hạng mục cầu đạt 80% về khối lượng.
Hạng mục cầu bêtông vượt kênh đến nay đã xong các trụ cầu, dầm cầu và tiếp tục lao dầm để hoàn thiện kết nối. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Tuy nhiên, ông Nhật cũng thừa nhận nhà thầu hạch toán thi công tại công trình này đã lỗ do hợp đồng quy định dự án không được điều chỉnh về đơn giá khi đấu thầu. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua kéo theo nguyên vật liệu thép (tăng hơn 40%), giá bê tông cũng tăng và nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
“Nhà thầu kiến nghị Ban Quản lý dự án Đường thủy sớm được thanh toán 70% sản lượng các hạng mục thi công theo hợp đồng để có dòng tiền làm tiếp tại gói thầu,” ông Nhật nói.
Ông Hoàng Đức Thuận, đại diện tư vấn giám sát liên danh Compagnie nationale du Rhône (Pháp)-Egis structure and environment (Pháp) và VIPO.JSC (Việt Nam), cho rằng tư vấn giám sát luôn đưa ra các biện pháp hướng dẫn nhà thầu quản lý chất lượng theo đúng quy định của Nhà nước và đẩy nhanh tiến độ trong quá trình thi công. Dự án gồm các nhà thầu có năng lực rất mạnh thi công chuyên về đường thủy, đảm bảo tiến độ chất lượng của dự án.
Về tiến độ, đại diện Ban Quản lý các dự án Đường thủy cho biết việc vướng mắc di dời đường ống ngầm nước sạch có thể phải đến gần cuối tháng 4/2022 địa phương mới giải quyết xong để có mặt bằng thi công. Ngoài ra sau khi thi công xong cần thời gian vận hành thử nghiệm âu tàu nên dự kiến đến tháng 6/2023 dự án mới hoàn thành.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai dự án đồng thời đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn dự án vào ngày 30/6/2023./.
Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD. Dự án nhằm tạo kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy, khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang, giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. |
Theo Việt Hùng (Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/du-an-noi-kenh-dayninh-co-lui-tien-do-1-nam-do-nhieu-vuong-mac/781755.vnp