Thứ tư 15/01/2025 21:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM: Phải làm rõ mô hình đầu tư

14:13 | 29/12/2009


Sau khi nghe chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước (HĐTĐNN) Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc kiêm Chủ tịch HĐTĐNN Dự án trên đã nhấn mạnh: Đây là một dự án rất quan trọng có tổng mức đầu tư lớn vì vậy dư luận xã hội về mức độ ảnh hưởng của dự án cũng rất lớn.

Đến nay vẫn còn những ý kiến rất khác nhau về hình thức đầu tư, phân kỳ đầu tư, lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp… Vì vậy trong công tác chuẩn bị đầu tư phải thật chặt chẽ, cẩn thận trước khi trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng đề nghị chủ đầu tư cần đánh giá đầy đủ sự phù hợp Dự án trong tổng thể mạng lưới giao thông; chỉ ra sự vượt trội của công nghệ đoàn tàu Shinkansen (Nhật Bản) so với việc lựa chọn công nghệ đoàn tàu TGV của Pháp và ICE mà Đức, Hàn Quốc đang sử dụng.

Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch HĐTĐNN Dự án nhấn mạnh đó là: Dù TCty Đường sắt Việt Nam đã được Chính phủ chấp thuận là chủ đầu tư cho toàn Dự án, nhưng cũng cần phải làm rõ hình thức, mô hình đầu tư đối với từng đoạn tuyến, từng gói thầu và hạng mục cụ thể của dự án. Từ đó sẽ xác định rõ cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho dự án, bao nhiêu phần trăm vốn là của Nhà nước và bao nhiêu phần trăm vốn là của tư nhân. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thì đây là dự án đầu tư quy mô lớn nên cần phải huy động nguồn vốn đầu tư của tư nhân thông qua mô hình hợp tác đầu tư PPP.

Theo những tính toán ban đầu của TCty Đường sắt Việt Nam thì điểm đầu của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tuyến là ga Hòa Hưng (TP.HCM). Tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt cao tốc này là 1.570km, đường chính trên tuyến là đường đôi có khổ rộng 1.435mm, tốc độ thiết kế của đoàn tàu là 350km/h. Dự kiến sau khi hoàn thành toàn tuyến sẽ có 27 ga, tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng dự án lên đến 4.170ha, tổng số hộ dân trong diện GPMB triển khai dự án khoảng 16.500 hộ.

Trong báo cáo đầu tư của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản do Cty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng làm đại diện thực hiện trình lên HĐTĐNN, đơn vị tư vấn đã đề xuất bốn phương án triển khai xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM: phương án 1, mở rộng tuyến đường sắt hiện tại thành đường sắt đôi khổ 1.435mm bằng cách mở rộng nền đường cũ, thay thế tà vẹt 3 ray và làm thêm đường mới bên cạnh; phương án hai, đầu tư cải tạo tuyến đường sắt hiện tại từ đường đơn khổ 1.000mm thành đường đôi khổ 1.435mm trên cơ sở sử dụng một phần tuyến đường sắt hiện tại với tốc độ 200km/h; phương án 3, nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu trước mắt đồng thời xây dựng tuyến đường sắt mới chuyên chở hành khách và hàng hóa với tốc độ 200km/h; phương án 4 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại chỉ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa hành khách địa phương đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300km/h chuyên chở hành khách.

Theo những phân tích ban đầu của đơn vị tư vấn dự án trong 4 phương án trên thì phương án 3 và phương án 4 có tính khả thi cao hơn, việc lựa chọn một trong hai phương án cần có những số liệu chứng minh cụ thể về tính ưu việt. Tuy nhiên theo phân tích của đơn vị tư vấn lập báo cáo đầu tư dự án thì đối với một đất nước trải dài, phía đông là biển rất thuận lợi cho việc phát triển đường thủy ven biển - loại hình hàng hóa có chi phí vận chuyển rẻ. Vì vậy đơn vị tư vấn cho rằng phương án 4, xây dựng tuyến đường sắt mới có tốc độ khai thác 300km/h là phù hợp với xu thế phát triển của đường sắt cao tốc trong tương lai.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê, chuyên gia tư vấn cho Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM cho rằng, trên thực tế chi phí vận tải của đường sắt và đường ống là thấp nhất, tuy nhiên chúng ta chưa bao giờ làm những dự án lớn thế này. Vì vậy trong Báo cáo đầu tư của Dự án cần phải chỉ ra được vai trò của mạng lưới đường sắt cao tốc trong mạng lưới giao thông tổng thể. Bên cạnh đó chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần đánh giá kỹ những tác động về môi trường khi vận hành dự án.

Đặng Tuân

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load