(Xây dựng) – Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc điều phối nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo mới đây.
Các dự án thành phần thuộc Dự án đi qua 4 địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. |
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7532/VPCP-CN gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; một số Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực.
Theo đó, xét đề nghị của UBND thành phố Cần Thơ về việc hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (Dự án), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:
Việc rà soát, điều phối nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có Dự án trên) đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 378/TB-VPCP ngày 14/9/2023.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có UBND tỉnh Tiền Giang) khẩn trương thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, điều phối nguồn vật liệu cát trên địa bàn để cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong Vùng.
Trước đó, ngày 17/6, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 chính thức được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bấm nút khởi công. Dự án được kỳ vọng là 1 trong 6 tuyến cao tốc thay đổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Tuyến cao tốc góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, định hướng xây dựng thành vùng kinh tế trọng điểm với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững.
Theo Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án, quy mô dự án khoảng 188,2km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 44.691 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 30.758 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 13.933 tỷ đồng
Tiến độ dự kiến giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.
Hà Khánh
Theo