Thứ tư 15/01/2025 11:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

ĐS Cát Linh-Hà Đông: "Rót" tiền tỷ lắp rào an toàn sau khuyến cáo của Pháp

21:31 | 07/04/2021

Hà Nội Metro vừa đề xuất với UBND TP. Hà Nội việc đầu tư gần 8 tỷ đồng lắp đặt bổ sung hàng rào ngăn tại khu vực lên, xuống tàu, nhằm đảm bảo an toàn khi khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đề xuất này được đưa ra sau khuyến cáo của Tư vấn Pháp trong quá trình đánh giá an toàn hệ thống dự án mới đây. Trước đó, trong thiết kế ban đầu của dự án không có hệ thống cửa chắn tại các nhà ga, vì vậy Tư vấn pháp yêu cầu bổ sung nhằm đảm bảo an toàn khai thác.

Cửa chắn ke ga hay còn gọi là hàng rào ngăn tại khu vực lên-xuống tàu, được lắp đặt tại 12 nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hà Nội Metro đề xuất UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống cửa chắn ke ga. với mức đầu tư gần 8 tỷ đồng từ nguồn vốn điều lệ của công ty.

Thời gian thực hiện hạng mục cửa chắn ke ga là trong quý II-III/2021. với mức đầu tư gần 8 tỷ đồng từ nguồn vốn điều lệ của công ty. Phương án đề xuất là lắp đặt cửa chắn cố định với cấu tạo dạng Panel cao 1,5m.

ds cat linh ha dong rot tien ty lap rao an toan sau khuyen cao cua phap
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được kiểm đếm, tiếp nhận giữa 3 bên (ảnh: Đỗ Linh)

Theo Hà Nội Metro, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), Tổng thầu Trung Quốc và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã thống nhất lắp đặt bổ sung hệ thống cửa chắn ke ga tại các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Tổng thầu Trong Quốc đồng ý cho công ty lắp đặt hệ thống cửa chắn ke ga trong giai đoạn chưa chính thức bàn giao dự án.

Được biết, UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính khẩn trương kiểm tra, xem xét và báo cáo UBND TP. Hà Nội.

Trước đó, theo khuyến cáo của tư vấn Pháp - đơn vị đánh giá độc lập về an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tháng 12/2020, một số nhóm vấn đề được đưa ra và yêu cầu phải giải quyết.

Cụ thể, những khuyến cáo lớn của Tư vấn Pháp với Tổng thầu để nâng cao an toàn cũng được nêu ra. Trong đó, các ke ga theo thiết kế mới là phải có hệ thống kính chắn để đảm bảo an toàn nhưng trong thiết kế trước đây lại không có. Vì vậy, Tư vấn Pháp khuyến cáo phải có cam kết đầu tư trong tương lai, còn giai đoạn trước mắt khi khai thác thì phải tăng cường cảnh giới, giám sát trực quan và có barie dẫn đến cửa...

Hệ thống cửa chắn ke ga có tác dụng phân định ranh giới, phạm vi an toàn cho hành khách trong quá trình đợi tàu và lên, xuống tàu; giúp cho hoạt động tác nghiệp của nhân viên tại ga được thuận lợi. Việc lắp đặt hệ thống cửa chắn ke ga không làm ảnh hưởng đến công năng sử dụng của ga và hoạt động khai thác vận hành tàu.

Hay trong thiết kế dự án từ nhiều năm trước không có nút chống khách ngủ gật thì nay Tư vấn Pháp khuyến cáo cần phải bổ sung việc cảnh giới trong quy trình khai thác hoặc phải đầu tư thêm.

Ngoài ra, Tư vấn Pháp cũng yêu cầu khắc phục hệ thống hoạt động trong trường hợp khẩn cấp, bất ngờ, theo đó phải tiếp tục diễn tập nhuần nhuyễn. Nhiều khuyến cáo của tư vấn đã được khắc phục như: Phòng cháy chữa cháy trên tuyến, cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy cho Tổng thầu, di dời cây xăng ở ga La Khê, hoàn thiện thiết bị chỉnh vị...

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống từ ngày 12/12 - 31/12/2020. Đến nay, dự án đã hoàn thành, thống nhất nghiệm thu.

Từ ngày 31/3/2021, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao. Cấp cơ sở tiến hành kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội.

Dự kiến, sau khoảng 3 tuần đến 1 tháng sẽ kết thúc việc kiểm đếm và tiếp nhận, khi cấp cơ sở báo cáo hoàn thành quá trình này thì Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng TP. Hà Nội ký kết bàn giao toàn bộ dự án để đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Theo Châu Như Quỳnh/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load