Thứ hai 09/12/2024 17:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Đồng Tháp: Tự tin là nơi có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Ấn Độ ưu tiên lựa chọn

15:15 | 28/06/2023

(Xây dựng) – Sáng 28/6, tại thành phố Cao Lãnh đã diễn ra Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. 150 doanh nghiệp Ấn Độ đã đến tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu hợp tác thương mại và đầu tư.

Đồng Tháp: Tự tin là nơi có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Ấn Độ ưu tiên lựa chọn
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao quà lưu niệm Đồng Tháp cho doanh nhân Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa lạc quan về triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ: Được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp. Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp tổ chức xúc tiến đầu tư chuyên biệt với một quốc gia, thể hiện sự kỳ vọng lớn lao về cơ hội mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp đến từ đất nước rộng lớn, có dòng sông Hằng linh thiêng, nổi tiếng. Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, ngoài gạo và thủy sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Ấn Độ như: Xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành. Chúng tôi còn có làng hoa Sa Đéc - một trong những vùng trồng hoa lớn nhất nước, cung cấp trên 12 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến. Đây thật sự là cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu rất cao về thực phẩm chế biến tại quê nhà.

Đồng Tháp có nguồn lao động trẻ dồi dào, trong đó có hơn 40% đã qua đào tạo cùng với với trên 10.000 lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài được rèn luyện tác phong công nghiệp, Đồng Tháp và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dệt may, công nghệ thông tin, dược phẩm... Hiện Đồng Tháp có 02 doanh nghiệp Dược hàng đầu cả nước, mong muốn có cơ hội phát triển hợp tác liên doanh, giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.

Nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, chúng tôi đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án. Hiện tại, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, khu kinh tế cửa khẩu Thường Phước và Dinh Bà đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng, chính quyền thân thiện… đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại vùng đất Sen hồng.

Một lợi thế khác là thời gian gần đây, mạng lưới giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được Chính phủ quan tâm đầu tư, hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm. Vào cuối tuần qua, tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã chính thức khởi công, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp chỉ còn 02 giờ đồng hồ, tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong vùng. Ngoài ra, Đồng Tháp còn có hệ thống giao thông thủy, với 02 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hoá thuận tiện ra biển Đông và Campuchia.

Có lẽ “trăm nghe không bằng một thấy”, chúng tôi hy vọng từ sự thành công của 02 doanh nghiệp Ấn Độ tại Đồng Tháp sẽ là chỉ dẫn quan trọng để doanh nghiệp đồng hương mạnh dạn tìm đến đầu tư tại vùng đất Sen hồng.

Trong khuôn khổ Hội nghị này, Đồng Tháp còn tổ chức các khu trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP. Đây là những sản phẩm đặc trưng, được kết tinh từ sự sáng tạo và giá trị tài nguyên bản địa đang chờ cơ hội để kết nối, vươn tới thị trường toàn cầu. Ngoài ra, còn có các gian triển lãm về các khu cụm công nghiệp, các mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, du lịch... Tin tưởng rằng “Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023” sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Ấn Độ hiểu rõ hơn môi trường đầu tư tại Đồng Tháp, từ đó mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mà cả hai bên đều quan tâm.

“Hiện nay, Đồng Tháp có trên 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp trong tỉnh xem đây là cơ hội để tiếp cận, giao lưu, tìm hiểu nhu cầu, mối quan tâm của các doanh nghiệp Ấn Độ, từ đó mở ra cơ hội kết nối, hợp tác vươn xa. Chúng tôi rất mong muốn có dịp được đón tiếp các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu các dự án cụ thể mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư, thắt chặt thêm mối quan hệ gắn kết giữa địa phương, doanh nghiệp. Với hành trình 15 năm liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Đồng Tháp tự tin là nơi có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Ấn Độ ưu tiên lựa chọn khi quyết định đầu tư tại Việt Nam…” – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.

Đồng Tháp: Tự tin là nơi có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Ấn Độ ưu tiên lựa chọn
Đoàn doanh nhân Ấn Độ đến Đồng Tháp tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.

Ông Atul Kumar - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ đánh giá cao tiềm năng lợi thế về nông, thủy sản. “Tôi khá biết sức mạnh của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất và gia công nhỏ các sản phẩm và mặt hàng khác nhau. Thế mạnh về nông, lâm nghiệp và thủy sản khá cao. Chỉ cần đưa ra một ví dụ, tỉnh Đồng Tháp sản xuất 3,39 triệu tấn lúa, 183.000 tấn trái cây, trong đó sản lượng xoài của tỉnh lên tới 185.000 tấn trong một năm. Tỉnh này ngoài việc là cơ sở cho các công ty thuộc lĩnh vực sơ cấp còn là nơi tập trung các ngành công nghiệp khác như hải sản và làm vườn, da, dược phẩm và dệt may. Về kinh tế của tỉnh, GDP năm 2022 đạt khoảng 4,36 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 2,2 tỷ USD vào năm 2022. Với Ấn Độ, xuất nhập khẩu đạt 7,84 triệu USD & 10 tỷ USD 65 triệu vào năm 2022”.

“Tỉnh đã nhận được khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD của Ấn Độ để xây dựng nhà máy sản xuất dầu cám gạo và chế biến thực phẩm. Việt Nam do có vị trí địa lý chiến lược, hệ thống chính trị xã hội ổn định, lực lượng lao động lành nghề và 15 Hiệp định thương mại tự do trong nước nên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới. Đất nước đã nhận được đầu tư quy mô lớn. Về đầu tư của Ấn Độ khá ít so với các nước khác và đầu tư của chúng tôi đã đi vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, điện và khai khoáng. Tại đây, tôi mời các công ty và doanh nhân Ấn Độ và Việt Nam tìm hiểu đầu tư vào mỗi nước trong các lĩnh vực khác nhau như chế biến nông sản và thực phẩm, dệt may, hóa chất, nhựa, kỹ thuật, dược phẩm…” - Ông Atul Kumar, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ chia sẻ.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load