Thứ năm 25/04/2024 17:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng Nai: Khai thác thế mạnh tiềm năng của du lịch nông nghiệp

16:39 | 05/12/2022

(Xây dựng) - Trong những năm gần đây, nắm bắt xu hướng người dân ở các đô thị mong tìm về với thiên nhiên để thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng, Đồng Nai đã từng bước hướng đến phát triển du lịch nông nghiệp một cách hiệu quả.

Đồng Nai: Khai thác thế mạnh tiềm năng của du lịch nông nghiệp
Du khách thích thú khi tham quan vườn cây ăn quả.

Tỉnh Ðồng Nai có diện tích cây ăn quả lớn nhất khu vực Ðông Nam Bộ, là tiền đề cho địa phương phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch nông nghiệp. Thành phố Long Khánh và các huyện Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành… đều có diện tích vườn cây lớn với đủ loại trái ngon đặc sản: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, ổi, cam, quýt, bưởi. Trong đó có nhiều vùng chuyên canh với vườn cây từ vài trăm đến hàng ngàn héc-ta. Do đó, những năm gần đây Ðồng Nai phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, vừa quảng bá tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách.

Cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) nổi tiếng với đặc sản bưởi đường lá cam. Nhiều nhà vườn đã đầu tư mở các khu du lịch sinh thái, quán ăn miệt vườn phục vụ du khách. Ðến đây, du khách sẽ bước vào thế giới bạt ngàn cây bưởi, nhà nào cũng có vườn bưởi xanh tốt, trĩu quả. Người dân cũng sáng tạo nhiều sản phẩm từ bưởi để phục vụ du lịch: rượu bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi, nem bưởi, trà sữa bưởi, gỏi bưởi…

Xã Bình Lộc được xem là vựa trái cây lớn nhất thành phố Long Khánh, với trái cây đặc trưng là chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Nơi đây còn là mô hình điểm của tỉnh Ðồng Nai trong xây dựng thành công làng du lịch vườn kiểu mẫu. Ở đây không chỉ có các hộ dân làm du lịch mà nông dân cả xã cùng liên kết làm du lịch. Nhờ làm du lịch mà Bình Lộc từ một xã còn nhiều khó khăn đã chuyển biến tích cực. Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với trước. Các sản phẩm nông nghiệp ở đây được sản xuất theo chuẩn VietGAP hoặc theo các hướng dẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe. Với những điều kiện tự nhiên đó, Ðồng Nai cũng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp theo định hướng bền vững.

Cho dù Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; nhưng các địa phương đều đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, cũng như các vấn đề nguồn vốn, nhân lực, hạ tầng hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Nai cho biết: “Ðây là cái khó chung của các địa phương vì thực tế không có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ cho chuyển đổi đất nông nghiệp làm du lịch. Do đó, chúng tôi phải tìm những giải pháp phù hợp, cùng bà con tháo gỡ từ cái khó”. Cụ thể, Ðồng Nai đã tổ chức nhiều chuyến học tập kinh nghiệm ở các địa phương có mô hình du lịch nông nghiệp phát triển, sau đó xây dựng cơ chế riêng cho du lịch ở địa phương. Ðồng Nai hướng đến việc xây dựng các mô hình mẫu trong phát triển du lịch nông nghiệp, như hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ở xã Bình Lộc, Xuân Lộc… Lãnh đạo xã Bình Lộc cho biết, việc tập hợp các thành viên liên kết làm du lịch đã bước đầu tạo được hiệu quả, bình quân mỗi nhà vườn ở đây có thể đón 500 khách/ngày. Kinh tế vườn kết hợp làm du lịch giúp phát triển cuộc sống của người dân.

Ðồng Nai cũng đang tìm thêm những giải pháp xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, giúp nông dân tiếp cận các nguốn vốn, tập huấn kiến thức làm du lịch.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load