(Xây dựng) – Ngày 1/7, Thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, với nhiều điểm mới, năng động hơn nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Băng rôn thể hiện quyết tâm thực hiện hiệu quả thí điểm mô hình đô thị tại cổng vào phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. |
Mô hình chính quyền mới
Theo đó, biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường, các công chức khác: Văn phòng – Thống kê; Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường; Tài chính – Kế toán; Tư pháp – Hộ tịch; Văn hóa – Xã hội.
Lễ chào cờ buổi sáng của cán bộ, công chức phường. Hiện tại, biển hiệu trụ sở phường đã được thay mới, không còn chữ “Hội đồng nhân dân” mà chỉ ghi “Trụ sở Đảng ủy – UBND phường Ngọc Lâm”. |
Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người.
Đặc biệt, Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.
Đến thời điểm sáng 1/7/2021, toàn bộ các phường trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tiến hành triển khai mô hình chính quyền mới.
Đồng loạt triển khai
Tại địa bàn quận Long Biên, nhằm hướng tới xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, thời gian qua, phường Ngọc Lâm đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức; chủ động chuẩn bị các bước trong triển khai để thuận lợi chuyển sang mô hình mới.
Theo ông Vũ Ngọc Hiệp – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, việc công chức Tư pháp – Hộ tịch được ủy quyền thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính là một điểm mới, làm giảm bớt đi một bước thủ tục hành chính, giúp cho việc giải quyết công việc của người dân nhanh hơn, không còn mất nhiều thời gian chờ đợi như trước.
Sáng 1/7, ông Đường Hoài Nam – Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên đã đến kiểm tra, động viên, đồng thời chúc mừng cán bộ công chức cơ quan phường Ngọc Lâm trong ngày đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền đô thị. |
Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. |
Để chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo các phường phải hoàn thành tất cả khoản thu chi 6 tháng đầu năm để kịp thời chuyển giao ngân sách về quận trước ngày 1/7/2021; công chức của các phường sẽ được chuyển lên quận.
Theo đó, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng đã hoàn tất việc nộp hồ sơ cán bộ, các quyết định liên quan đến tuyển dụng, lương... lên quận Hai Bà Trưng, để làm cơ sở báo cáo lên Sở Nội vụ.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành cho biết, theo mô hình chính quyền đô thị, UBND phường sẽ thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND quận, theo đó, UBND phường sẽ có vai trò tương đương với các phòng ban của quận. Cũng theo quy định mới, UBND phường sẽ trở thành cấp dự toán ngân sách, không còn là đơn vị ngân sách độc lập như trước kia mà sẽ do quận điều tiết.
Ông Trần Quyết Thắng – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng trao quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh làm Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành; ông Nguyễn Thanh Tuấn làm Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành; bà Nguyễn Thị Thu Hường làm Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành. |
Trong ngày đầu tiên thực hiện mô hình thí điểm chính quyền đô thị, tại phường Lê Đại Hành, mọi thủ tục như chứng thực, giải quyết hộ tịch,... vẫn diễn ra theo quy trình bình thường. Tuy nhiên, những thay đổi thực sự rõ nét khi có những thủ tục liên thông, liên quan đến các ngành, các cấp. Nếu có những khó khăn, vướng mắc, phường Lê Đại Hành tích cực phối với với các cấp, các ngành để giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch UBND phường Bách Khoa. |
Theo ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch UBND phường Bách Khoa, để chuẩn bị cho việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, phường đã thực hiện theo các chỉ thị của thành phố như chuẩn bị ban hành các quyết định, quy chế làm việc để phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị sẽ nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, theo đó, UBND phường sẽ thực hiện theo chế độ thủ trưởng, quyết định mọi vấn đề tại phường, từ đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính và các yêu cầu của tổ chức, cá nhân sẽ được đáp ứng nhanh hơn.
Kỳ vọng, việc giải quyết các thủ tục hành chính và các yêu cầu của tổ chức, cá nhân sẽ được đáp ứng nhanh hơn. |
Hướng tới nền hành chính năng động
Thời điểm sáng 1/7/2021, địa bàn quận Hoàng Mai đã thực hiện xong việc bổ nhiệm các Chủ tịch và Phó Chủ tịch các phường, ban hành Quyết định công nhận công chức xã phường trở thành công chức hoạt động quản lý.
Bà Đào Thị Thu Hằng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tương Mai, quận Hoàng Mai cho biết, quán triệt chỉ đạo của thành phố, của quận Hoàng Mai, phường Tương Mai đã có một quá trình dài xây dựng kế hoạch và triển khai rất sớm từ khi có Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội. Công tác chuẩn bị được thực hiện một cách bài bản, thận trọng cho việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, ổn định, hoạt động thông suốt đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, toàn bộ công tác của phường đã chính thức hoạt động theo đúng Nghị quyết số 97/2019/QH14 từ sáng 1/7/2021 và Nghị định số 32 ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội.
Bà Đào Thị Thu Hằng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. |
Bà Đào Thị Thu Hằng tin tưởng, chắc chắn mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo sự năng động của cơ quan hành chính Nhà nước ở phường trong công tác phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn và đặc biệt là tăng tính chịu trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu. Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm toàn diện các công tác của phường do đó phải có năng lực, trình độ, phẩm chất và trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, đòi hỏi đội ngũ công chức làm việc tại phường cũng phải nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng với yêu cầu công việc. Đây cũng là nền tảng cho việc thực hiện mạnh mẽ hơn nữa công tác phân cấp, phân quyền, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn phường, giúp cho việc giải quyết các thủ tục hành chính, các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn nhanh hơn, kịp thời hơn, chủ động hơn, sát thực tế hơn. Đó cũng chính là mục tiêu cao nhất khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là hướng tới nền hành chính hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Hội nghị công bố các quyết định của Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai về bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và Quyết định chuyển công chức cấp phường thành công chức do UBND quận Hoàng Mai quản lý tại UBND phường Tương Mai. |
Tại địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, để triển khai mô hình này, lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường đã chuẩn bị công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ công chức.
Theo ông Tạ Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, đến thời điểm này, phường đã triển khai thực hiện các công việc theo đúng kế hoạch của UBND thành phố, quận Hoàng Mai với quyết tâm thực hiện hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, tạo động lực cho phát triển và giải quyết công việc cho người dân nhanh gọn, hiệu quả hơn.
Mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, cải cách và hiện đại hóa nền hành chính. |
Ông Đặng Ngọc Thắng – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai, quận Hoàng Mai chia sẻ, mô hình chính quyền đô thị có những điểm mới ưu việt như: Vì cơ quan cấp phường là cấp thực hiện và quản lý trực tiếp nên mục đích của việc tổ chức chính quyền đô thị tại cấp phường là đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, nhanh chóng, phục vụ nhân dân tốt hơn. Để đảm bảo yêu cầu này, chính quyền cấp phường cần cụ thể hóa các chủ trương, kế hoạch của UBND quận, chỉ đạo của Chủ tịch quận thành chương trình, kế hoạch hành động, lịch công tác; Đội ngũ cán bộ công chức được sàng lọc, nâng tầm mới, từ công chức cơ sở chưa được công nhận là công chức Nhà nước thì nay đã được công nhận là công chức Nhà nước do cấp quận quản lý, điều đó thể hiện sự thừa nhận vai trò của công chức cấp phường, sự đánh giá cao hơn năng lực, trình độ, đạo đức, cách ứng xử, thái độ phục vụ của cán bộ công chức cấp phường; Tổ chức hoạt động của bộ máy quản lý được thể chế hóa, cụ thể hóa căn cứ trên Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, theo đó UBND phường căn cứ vào tình hình cụ thể của địa bàn ban hành Quy chế hoạt động của phường trên tinh thần rõ người, rõ việc, sâu sát địa bàn, lắng nghe ý kiến nhân dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Phố Tân Mai, quận Hoàng Mai trước ngày thực hiện chính quyền đô thị. |
Kỳ vọng, việc phân cấp quản lý hợp lý trong chính quyền đô thị sẽ giúp các đô thị chủ động tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tạo đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, phù hợp với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh.
Nhóm phóng viên
Theo