Chủ nhật 24/11/2024 08:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đồng Hới: Phát triển đô thị bền vững

08:00 | 25/01/2023

(Xây dựng) - Là đô thị trung tâm tỉnh Quảng Bình, những năm gần đây, TP Đồng Hới chú trọng quản lý và phát triển đô thị du lịch, các công trình hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư.

Đồng Hới: Phát triển đô thị bền vững
Với những giải pháp phát triển đô thị hợp lý, diện mạo TP Đồng Hới ngày càng khởi sắc.

Với quan điểm phát triển đô thị phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025 và định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, Quảng Bình đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đô thị bền vững.

TP Đồng Hới xuất hiện các dự án, công trình hạ tầng giao thông, du lịch được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và hiện đại. Nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được hình thành với hạ tầng đồng bộ, đem lại bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt trong tương lai, khi Dự án mở rộng sân bay Đồng Hới với tổng số vốn 2.320 tỷ đồng được hoàn thành, sẽ đưa Đồng Hới lọt Top 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, hứa hẹn là “thỏi nam châm” hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Ông Hoàng Ngọc Đan - Chủ tịch UBND TP Đồng Hới cho biết, thành phố đã xây dựng đề án về xã hội hóa vỉa hè, phát triển cây xanh, điện chiếu sáng các tuyến đường vừa và nhỏ trong khu dân cư; đồng thời, ban hành quy định về xây dựng tuyến phố kiểu mẫu, quản lý, sử dụng một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông, quản lý cây xanh đô thị và công viên.

Với định hướng phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng và không gian đô thị theo hướng đồng bộ, bảo đảm đáp ứng tiêu chí đô thị loại II, Đồng Hới ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực giao thông, giáo dục - đào tạo, y tế, chợ, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Ngoài yếu tố hạ tầng kỹ thuật, việc phát triển đô thị theo hướng bền vững, hiện đại cần tính đến yếu tố quy hoạch lâu dài. Theo ông Phạm Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng Quảng Bình), những năm gần đây, hạ tầng kỹ thuật của các khu đô thị mới, như: phía Tây sông Cầu Rào, phía Tây đường Hữu Nghị, phía Bắc đường Lê Lợi, khu đô thị Bắc Trần Quang Khải…, từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, khang trang.

Do đó, trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững, quan điểm nhất quán của tỉnh, của Sở Xây dựng là ưu tiên giữ lại không gian thoáng rộng, ao hồ mặt nước, đặc biệt phải khơi thông dòng chảy để tạo thành linh mạch kết nối với các đô thị, kể cả việc phải xây mới sông, hồ nhân tạo.

Bên cạnh đó, các quy hoạch cấp chiến lược, như: Quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đã định hướng được các yếu tố mang lại sự bền vững; không gian xanh cần có sự liên hệ mật thiết với nhau, kết nối giữa công trình kiến trúc riêng lẻ với không gian xanh chung của mỗi khu vực, mỗi khu chức năng; trên các tuyến đường giao thông, tăng cường hệ thống cây xanh bóng mát hai bên đường; lựa chọn giải pháp công nghệ xử lý nước thải tiết kiệm năng lượng; đẩy mạnh công tác đánh giá tác động môi trường trong đồ án quy hoạch.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Trưởng phòng Đô thị Hạ tầng và Kinh tế Xây dựng (Sở Xây dựng Quảng Bình) chia sẻ: Được đánh giá là trung tâm kinh tế du lịch, công nghiệp, năng lượng… của khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ, tuy nhiên Quảng Bình hiện đang phải giải quyết nhiều “bài toán” khó.

Cụ thể, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ. Việc thiếu vắng các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm, trạm dừng chân trên các tuyến đường, bãi đỗ xe du lịch khiến Quảng Bình chưa khai thác tối đa được tiềm lực của địa phương, đặc biệt là phân khúc kinh tế đêm.

Để trở thành một trong những “thủ phủ du lịch” hàng đầu tại Việt Nam, bên cạnh lợi thế từ danh thắng thiên nhiên, Quảng Bình cần có hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, lưu trú của du khách.

Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện phát triển đô thị theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội; tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị.

Xây dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị, khai thác dịch vụ hạ tầng kỹ thuật để nâng cao các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Anh Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load