Thứ sáu 27/12/2024 07:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù mời gọi du khách

20:35 | 29/03/2024

(Xây dựng) – Sáng 29/3, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”.

Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù mời gọi du khách
Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo.

ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch quốc gia, với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch biển đảo, du lịch MICE… Con người nơi đây hào sảng, nghĩa tình, mến khách và đây còn là điểm đến “an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn” đối với du khách gần xa.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thông tin cho biết: “Đến nay, Cần Thơ đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh, thành phố, trên cả nước như: Các tỉnh vùng ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Thanh Hóa… qua đó góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương gặp gỡ, ký kết hợp tác phát triển tour, tuyến du lịch và xây dựng các gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn khách du lịch đến thành phố Cần Thơ và ngược lại.

Mục tiêu năm 2025, ngành Du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh trạnh cao; điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù mời gọi du khách
Ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phát biểu tại Hội thảo.

Cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố.

Tuy nhiên, ngành Du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…”.

Giải pháp nào để phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL?

Theo bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Viettravel Chi nhánh Cần Thơ, một doanh nghiệp du lịch lữ hành đã nhiều năm gắn bó với du lịch ĐBSCL đánh giá cao tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch, đồng thời chỉ ra những bất cập của du lịch ĐBSCL: “ĐBSCL với những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên một nền văn hóa ĐBSCL đa bản sắc, đậm đà chất phương Đông, vừa kín đáo, vừa dung dị. Đó cũng là bản sắc văn hóa đặc trưng của miền đất và con người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù. Trong đó, tính chất văn hóa của du lịch sông nước “vườn” đã tạo nên chân dung riêng cho vùng ĐBSCL và khiến nơi này trở thành tiềm năng vô tận để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù mời gọi du khách
Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Viettravel Chi nhánh Cần Thơ phát biểu với Hội thảo.

Tuy nhiên so với tiềm năng của vùng ĐBSCL thì kết quả thu hút và phát triển du lịch chưa đạt được như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thể hiện sự thiếu liên kết và liên kết còn lỏng lẻo, xúc tiến quảng bá du lịch chưa có kết quả cao của vùng ĐBSCL. Các sản phẩm du lịch tuy đã có phong phú hơn trước đây, nhưng nhìn chung vẫn còn đơn điệu, chưa tạo sự mới mẻ, đặc sắc. Dẫn đến việc phát triển du lịch ĐBSCL nhiều năm qua chưa đạt được sự đột phá, tăng tốc…”.

Để phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL hấp dẫn du khách hơn, theo Giám đốc Lê Đình Minh Thy, cần xây dựng trung tâm văn hóa ẩm thực. Bởi lẽ ở miền Tây, ẩm thực chính là sự kết tinh văn hóa của cả một vùng miền, nên khách du lịch không những muốn thưởng thức mà còn muốn học, muốn nghiên cứu, tìm hiểu. Bên cạnh các nhà hàng tại các tỉnh, thành trong vùng, các tuyến phố ẩm thực, thì miền Tây vẫn chưa hình thành nên một khu trung tâm văn hóa ẩm thực mà chỉ dừng lại ở “chợ đêm” với đa số các món ăn do các tiểu thương tự phát, mà ở đó khâu an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thực sự được chú trọng.

Việc hình thành nên một trung tâm tinh hoa văn hóa ẩm thực miền Tây không chỉ góp phần làm mới thêm sản phẩm du lịch cho cả vùng, mà còn giới thiệu được nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của ĐBSCL, từ các món ăn mặn như: Lẩu mắm, lẩu chua, cá kho, gỏi các loại bông… đến các món bánh dân gian: Bánh bò, bánh đúc, chuối… mà những món ẩm thực này là sự giao thoa văn hóa giữa vùng miền, giữa các nước lân cận, sẽ là những trải nghiệm thu hút khách du lịch.

Đồng thời, phát triển sản phẩm và trải nghiệm du lịch độc đáo. Đó là tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và khác biệt, kết hợp du lịch với văn hóa, ẩm thực, thể thao và lễ hội địa phương. Xây dựng các chương trình du lịch tổng hợp, kết nối các nền văn hóa Việt – Hoa – Khmer - Chăm trong các lộ trình thích hợp. Ít nhất trong một chương trình du lịch cũng nên kết nối các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo ra sự khác biệt, tăng sức hấp dẫn tránh đơn điệu, nhàm chán…

Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù mời gọi du khách
Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch bền vững, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở quản lý du lịch trong việc đề xuất, tư vấn cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới sau đại dịch, như: Du lịch MICE, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử và đặc biệt là du lịch xanh mà ĐBSCL là khu vực tiềm năng. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần phối hợp với các Sở quản lý du lịch trong công tác phổ biến, hỗ trợ triển khai các chính sách mới về du lịch vừa được ban hành, để giúp các doanh nghiệp khai thác nhanh và hiệu quả các chính sách đó.

Trong khu vực ĐBSCL, tài nguyên du lịch sinh thái rất phong phú, nhưng để tạo sự hấp dẫn cao cần tập trung nghiên cứu, xây dựng cho được các sản phẩm đặc thù mỗi vùng, mỗi tỉnh; Khai thác giá trị các di sản văn hóa để tạo ra sự khác biệt. Phải coi đây là công tác trọng điểm của du lịch của các tỉnh trong khu vực. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa rất cao. Việc liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL nhằm phát huy những thế mạnh riêng có của mỗi địa phương để xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của cả vùng tránh được sự trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho du khách đến với du lịch ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù mời gọi du khách
Quang cảnh Hội thảo.

Để đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của Việt Nam và khu vực phải dựa trên 3 yếu tố: Sản phẩm, chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch. Do vậy, để sớm nâng tầm của du lịch ĐBSCL cần tập trung đầu tư cho 3 lĩnh vực này. Trong đó, vấn đề trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động du lịch đóng vai trò chủ lực. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong khu vực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm…

Theo ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, để xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù mời gọi du khách đến ĐBSCL, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp như: Nâng cao nhận thức, xúc tiến quảng bá, liên kết, hợp tác. “Tôi cho rằng việc xây dựng cơ chế, chính sách, điều phối phát triển du lịch ĐBSCL là việc làm có ý nghĩa và cấn thiết, nhằm đẩy mạnh liên kết - hợp tác, phát triển du lịch. Thực tế, liên kết - hợp tác trong du lịch là hết sức quan trọng. Trong Hội nghị ngày 15/11/2023 về phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Thủ tướng đã chỉ đạo: Phải thực hiện tốt phương châm “liên kết chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả và phân công nhiệm vụ rõ ràng”. Trong Hội nghị giữa 13 tỉnh, thành ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh, tại Cà Mau (10/12/2023) đã đưa ra chủ đề “Nâng tầm liên kết, phát triển bền vững”.

Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù mời gọi du khách
Du khách tham quan trải nghiệm tại Khu du lịch Văn hóa Phương Nam - Đồng Tháp.

Trong Hội nghị Tổng kết năm 2023, ngày 03/01/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh: Quyết tâm tạo đột phá trong công tác xây dựng thể chế, chính sách văn hóa, thể thao, du lịch. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là khu điểm du lịch và đơn vị lữ hành nhằm phát triển sản phẩm du lịch và tour, tuyến du lịch…” - Chủ tịch Trần Việt Phường chia sẻ.

Đồng thời, tại Hội thảo, các diễn giả cho rằng cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó, có đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tour, tuyến du lịch. Theo Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ, xác định: “Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch đặc thù”.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load