Thứ bảy 27/04/2024 10:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng bằng sông Cửu Long: Tìm giải pháp thu gom nước thải, thoát nước bền vững và giải pháp chống ngập đô thị

21:38 | 10/05/2022

(Xây dựng) – Ngày 10/5, tại thành phố Cần Thơ, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo “Thu gom nước thải, thoát nước bền vững và giải pháp chống ngập đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Vấn đề quan tâm được bàn nhiều trong hội thảo là thu gom nước thải và cách tính giá thoát nước để được người dân đồng thuận thực hiện…

dong bang song cuu long tim giai phap thu gom nuoc thai thoat nuoc ben vung va giai phap chong ngap do thi
Hội thảo “Thu gom nước thải, thoát nước bền vững và giải pháp chống ngập đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tại Hội thảo, ông Lương Ngọc Khánh - Trưởng phòng Quản lý nước và Xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã thông tin về “Tổng quan quy định về thoát nước và xử lý nước thải, hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung”. Ông Lương Ngọc Khánh cho biết theo Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”: Tỷ lệ phạm vi phục vụ của hệ thống nước thoát đô thị năm 2020 là trên 70%, năm 2025 trên 80% và đến năm 2050 là 100%; Tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý năm 2020 là 15-20%, năm 2025 là 20-50% và đến năm 2050 đạt 100%; Tỷ lệ nước thải bệnh viện và nước thải các khu đô thị được xử lý năm 2020 là 100%; Tỷ lệ nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý năm 2020 là 30-50%, năm 2025 trên 80% và đến năm 2050 đạt 100%.

Tỷ lệ đấu nối, thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới (trung bình khoảng dưới 0,5m/người so với thế giới là 2m/người). Đến nay, tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt 15%. Trên cả nước có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào hoạt vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.

“Môi trường nước ở các đô thị của Việt Nam bị ảnh hưởng vì sự phát triển của các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung, thoát nước và xử lý nước thải nói chung chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Việc phát triển hệ thống thoát nước khá chậm, theo theo ước tính chỉ có khoảng từ 15% nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn. Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên, quan tâm và nỗ lực tiến hành các hoạt động nhằm cải thiện điều kiện thu gom và xử lý nước thải, nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống thoát nước.

Tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế xanh, chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Luật Cấp thoát nước. Theo đó, việc xây dựng Luật Cấp thoát nước là hết sức cần thiết, làm công cụ pháp lý, quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả cao góp phần đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025”, ông Lương Ngọc Khánh nói.

Từ năm 2012 đến nay, Cục Hạ tầng kỹ thuật và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã hợp tác với 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chương trình Thoát nước và Chống ngập úng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu với nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sĩ. Chương trình tiếp tục với phê duyệt Đề án Chống ngập cho thành phố đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng giai đoạn 2021-2025.

Dự án hợp tác kỹ thuật Thoát nước và Chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu - giai đoạn 2 (2017-2020) giữa Bộ Xây dựng, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và GIZ đã xây dựng quản lý ngập úng tại 03 đô thị Đồng bằng sông Cửu Long: Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã đạt mục tiêu đề ra, mang lại kết quả thiết thực bền vững. Các mô hình này đã góp phần cho người dân được hưởng môi trường xanh, sạch, cuộc sống ngày càng cải thiện hơn vì đã có giải pháp chống ngập úng, nước thải đô thị đã bước đầu được xử lý.

Tại Hội thảo, ông Đỗ Công Tú - Phó trưởng Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang đã chia sẻ những kinh nghiệm các giải pháp và phương án giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Ông Đỗ Công Tú cho biết: “Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang thực hiện thí điểm giá dịch thoát nước cho thành phố Rạch Giá (Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 06/4/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc Quy định giá dịch vụ thoát nước trên đại bàn thành phố Rạch Gia, tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030). Để phát huy những việc đã đạt được, Sở Xây dựng tiếp tục thu thập số liệu và xây dựng phương án giá cho các đô thị còn lại. Do hiện tại thành phố Rạch Giá đang áp dụng phí bảo vệ môi trường cho nước thải, mức phí nhìn chung khá thấp so với giá thành dịch vụ thoát nước. Mức phí trung bình chỉ khoảng 400 đồng/m3 đối với hộ dân cư. Vì vậy, Sở Xây dựng đề xuất mức giá khởi điểm cho năm 2020 là 700 đồng/m3. Sau đó, cứ 02 năm giá điều chỉnh một lần với mức tăng từ 129 đồng/m3 đến 157đồng/m3. Những mức giá như vậy, sẽ dần dần bù đắp được giá thành, không tạo ra sự đột biến, dễ tạo được sự đồng thuận cùa người dân”.

Tại Hội thảo, đại diện Sở Xây dựng Cần Thơ đã chia sẻ những kinh nghiệm về xây dựng giá dịch vụ thoát nước: “Khảo sát, thu thập số liệu về hiện trạng cấp nước trên địa bàn; Khảo sát hệ thống thoát nước mưa; Khảo sát hệ thống nước thải sinh hoạt. Xây dựng phương án giá. Tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và người dân địa phương trong phạm vi của phương án giá. Cập nhật, điều chỉnh phương án trình Sở Tài chính thẩm định theo quy định. Trình UBND phê duyệt và tổ chức thực hiện”.

Đến dự và phát biểu với Hội thảo, PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết: Đến nay, GIZ đề xuất Dự án hợp tác kỹ thuật “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” thực hiện từ 2022-2025 kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần cải thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật và GIZ đã hợp tác hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long, trong việc lập tính toán, xây dựng đề xuất giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, hướng dẫn nghiên cứu xây dựng đề án chống ngập đô thị, xây dựng thí điểm mô hình thoát nước bền vững; hỗ trợ chuyên gia nghiên cứu nội dung Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung. Những thành quả ấn tượng đạt được là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng, hợp tác chặt chẽ, tham gia tích cực của tất cả các đối tác.

Dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” dự kiến triển khai từ năm 2022-2025 với mục tiêu tập trung vào các lĩnh vực như: Thiết lập khung thể chế thúc đẩy liên kết phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Cải thiện công tác lập quy hoạch; Giải pháp công nghệ mới, sáng tạo trong phòng chống sạt lở. xói mòn bờ biển; Triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng thoát nước và chống ngập đô thị theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực cần thiết để khắc phục những tồn tại hiện có, giúp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an toàn xã hộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện xây dựng khung chính sách toàn diện như Luật Cấp thoát nước; định hướng cấp thoát nước… để phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống thoát nước, chống úng ngập thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng thoát nước bền vững, là nền tảng cho các đô thị xanh, đô thị thông minh tương lai.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load