(Xây dựng) – Như đã đề cập ở bài viết trước, việc thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, đã góp phần giúp UBND cấp quận, huyện, thị xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo điện tử Xây dựng mô hình này còn tồn tại nhiều bất cập, tạo nên những thách thức không nhỏ trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: Hiệu quả xử lý các trường hợp vi phạm còn chậm, có vụ việc chưa được xử lý hiệu quả cao. |
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật. Do đó dẫn đến hiệu quả xử lý các trường hợp vi phạm còn chậm, có vụ việc chưa được xử lý hiệu quả cao.
Sự bất cập về cơ chế, chính xác, mô hình tổ chức hoạt động đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng. Trước đây còn là mô hình Thí điểm Thanh tra xây dựng, cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn được cấp trang phục để thực thi công vụ, được thi, bổ nhiệm các ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính... và được hưởng phụ cấp thanh tra viên, phụ cấp thâm niên nghề thanh tra. Hiện nay, các chính sách trên không còn được áp dụng nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Điều này cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình thực thi công vụ.
Quy hoạch chi tiết, công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị một số nơi còn thiếu đặc biệt tại các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến khó quản lý vi phạm trật tự xây dựng
Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 đã có tính thống nhất về hành vi vi phạm, quy trình xử lý tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế như: Một số hành vi vi phạm có mức phạt cao không phù hợp thực tiễn quản lý; Thời hạn ngừng thi công 60 ngày đối với công trình không phép, sai phép chưa đáp ứng được với các dự án đầu tư; Quy trình bắt buộc áp dụng đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự xây dựng (ngừng thi công sau 60 ngày) là chưa phù hợp với thực tiễn quản lý...; Nghị định 139/2017/NĐ-CP không quy định hành vi vi phạm xây dựng trên đất không được phép xây dựng, do đó, các công trình xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp không có căn cứ để xử lý theo lĩnh vực trật tự xây dựng (hiện các đơn vị đang áp dụng theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014).
Để có cái nhìn tổng quan và đánh giá về tình hình thực hiện thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã trong hơn 1 năm qua, nhóm phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có những ghi nhận tại một số Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc thành phố Hà Nội.
Theo ông Vũ Hữu Anh – Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình cho biết: Trong năm 2019, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát 597/597 công trình xây dựng, qua đó phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với 11 công trình vi phạm trật tự xây dựng; Tỷ lệ công trình có phép đạt 100%. Phối hợp với UBND phường giải quyết đơn thư có liên quan đến lĩnh vực xây dựng, không để phát sinh mới các đơn thư kéo dài, đơn thư vượt cấp khó xử lý.
Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình đã tham mưu UBND quận, UBND phường xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền, đã ban hành 451 quyết định xử phạt với số tiền 631.125.000 đồng; giải quyết xong 5 công trình tồn đọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Vũ Hữu Anh chia sẻ: Công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Về nguyên nhân chủ quan: Một số cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý vẫn chưa làm tròn trách nhiệm, không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn dẫn đến không phát hiện và tham mưu xử lý kịp thời vi phạm phát sinh.
Về nguyên nhân khách quan: Do việc thi công xây dựng công trình thường xuyên được áp dụng công nghệ mới, vì vậy tiến độ thi công nhanh, thời gian tổ chức thi công cả ngoài giờ hành chính, các ngày nghỉ cuối tuần, nghĩ lễ dẫn đến khó khăn trong việc phòng ngừa và phát hiện vi phạm.
Ngòa ra, việc áp dụng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ còn gặp khó khăn, chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể như: Trình tự xử lý đối với các hành vi vi phạm trật tự xây dựng về không phép, sai phép đang thi công xây dựng thì chủ đầu tư được làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng trong thời gạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trong khi đó các quy định về việc tạm dừng thi công công trình vi phạm chờ xử lý chưa có quy định chặt chẽ, không có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả, gây khó khăn trong việc quản lý đối với trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm.
Công tác kiểm tra, rà soát trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội cần sát sao hơn để xử lý triệt để những vi phạm gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. |
Trong thực tế phát sinh rất nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng về diện tích quy mô rất nhỏ nhưng lại vi phạm chỉ giới xây dựng hoặc nhiều trường hợp vi phạm về cơi nới, lấn chiếm không gian chung như lồng treo, ban công…các hành vi vừa nêu để xử lý theo quy định thì phải xử phạt hành chính theo Khoản 7, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, thẩm quyền xử lý lại thuộc về UBND Thành phố. Thẩm quyền ngăn chặn, xử lý vi phạm của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là không có nên đối với một số địa bàn phường mà lãnh đạo phường không tập trung chỉ đạo, ngăn chặn các công trình vi phạm, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng chung khó khăn với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình, ông Tô Quang Thiện – Đội trưởng Đội Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Đông Anh cho biết: Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng còn quy định quy trình xử lý 60 ngày đối với trường hợp không phép, sai phép gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đình chỉ hoạt động xây dựng tại công trình vi phạm, giảm tính kịp thời của quá trình xử lý vi phạm; Luật xử lý vi phạm hành chính chưa quy định cụ thể cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp ngăn chặn để đình chỉ thi công đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Mặt khác, Luật Xây dựng quy định miễn phép đối với các công trình nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, trong trường hợp các công trình này xây dựng vượt tầng so với quy hoạch thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, do đó cũng gây khó khăn nhất định trong quá trình xử lý vi phạm.
Cùng với đó, chức năng của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị không như thanh tra trước đây, nay chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc cho cấp quận, huyện, phường. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị không được chủ động thực hiện, không trực tiếp xử lý vi phạm mà chỉ lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý, kiểm tra vi phạm. Ngoài ra, việc thiết lập, luân chuyển hồ sơ giữa Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị và phường, quận rất mất thời gian. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc ngăn chặn các vi phạm xây dựng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, lực lượng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã không còn trang phục như thanh tra đồng thời bị cắt giảm đi chế độ tiền lương phụ cấp… Do vậy, chế độ cho cán bộ của Đội còn nhiều khó khăn.
Trước tình hình thực tiễn còn nhiều vướng mắc, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình kiến nghị: Thống nhất mẫu trang phục cho lực lượng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn toàn thành phố. Đồng thời, xem xét kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2019 để phù hợp hơn với thực tế và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng; Bổ sung thêm thẩm quyền ngăn chặn và xử lý vi phạm trật tự xây dựng cho Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Từ những ghi nhận tại các địa phương, có thể thấy, thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là một quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Tuy vậy, Chính phủ, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét, thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc của địa phương để mô hình này hoạt động lâu dài, hiệu quả, tạo kết quả tốt, xử lý triệt để những vi phạm gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Khánh Hòa – Thành Luân
Theo