Chủ nhật 03/11/2024 04:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đối phó với virus Corona, cư dân và Ban quản lý cần phải làm gì?

13:19 | 12/02/2020

(Xây dựng) - Virus Corona đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên, Chính phủ, các Bộ ngành… cùng với người dân vẫn nỗ lực chung tay thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Và để phòng chống dịch bệnh cho cư dân của mình, các chủ đầu tư bất động sản phối hợp với Ban quản lý toà nhà đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp như: Phun thuốc khử trùng cloramine B toà nhà, dự án, công trường; lau chùi, sát trùng cầu thang máy, cửa kính hay các thiết bị khu vực công cộng…

Bác sĩ Cao Độc Lập – Giám đốc, BSCKII Bệnh viện Hồng Ngọc đã có những chia sẻ về phương pháp nên và không nên trong công tác phòng dịch bệnh tại chung cư, nhà cao tầng trong cuộc chiến phòng chống sự lây lan của virus Corana tại cộng đồng.

doi pho voi virus corona cu dan va ban quan ly can phai lam gi
Bác sĩ bệnh viện Hồng Ngọc chia sẻ với đại diện Ban quản lý dự án các toà nhà do Savills quản lý về cách phòng tránh virus Corona

Những điều Ban quản lý dự án cần làm

Thứ nhất, khẩu trang y tế cần được thu gom đúng cách. Khẩu trang y tế được sử dụng khi đến chỗ đông người và khi tiếp xúc với người bị bệnh mới phải đeo, vậy nên khẩu trang chính là nguồn lây. Đã có những khuyến cáo về cách sử dụng khẩu trang y tế đúng cách, nên sau khi sử dụng cần bỏ vào nơi quy định và phải có túi nilon riêng để thu gom khẩu trang đã bỏ. Đồng thời tòa nhà cũng cần phun thuốc khử khuẩn vào những khẩu trang đó trước khi mang đi xử lý.

Thứ 2, sát khuẩn bề mặt và diệt virus Corona tại các bề mặt như hành lang, cầu thang, cửa ra vào… Nhiều toà nhà đã triển khai phun cloramin B là rất cần thiết và hiệu quả để sát khuẩn bề mặt và diệt virus Corona tại các bề mặt như hành lang, cầu thang, cửa ra vào. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nên thực hiện khi nhận thấy có nguy cơ về dịch tễ và cân nhắc mức độ cần thiết để phun đại trà trên diện rộng thường xuyên bởi chi phí khá cao.

Trường hợp không phun cloramin B thường xuyên, các tòa nhà có thể phun 1 tuần/lần vào ngày nghỉ. Bên cạnh đó, tại cửa ra vào khuyến cáo nên để thảm dày tẩm cloramin B để sát trùng giày dép và khăn lau tay tẩm cloramin B, mỗi ngày thay 2 lần. Đây là những biện pháp phòng trừ hiệu quả và không quá tốn kém.

doi pho voi virus corona cu dan va ban quan ly can phai lam gi
Công tác phun cloramin B khử trùng được diễn ra ở nhiều chung cư, toà nhà cao tầng.

Thứ 3, rắc vôi bột diệt khuẩn. Việc rắc vôi bột vào cống ránh thoát nước rất tốt, bởi việc này nằm trong một số những yêu cầu đối với các chung cư. Cống rãnh là những chỗ mà có nước chảy nên việc rắc vôi bột không những sẽ tránh lây lan virus mà còn tránh lây truyền nhiều bệnh khác.

Thứ 4, thường xuyên lau chùi, diệt khuẩn khu vực hành lang, thang máy. Các tòa nhà cần thực hiện thường xuyên công tác lau chùi diệt khuẩn hành lang, thang máy, phun khử khuẩn. Thang máy nên dán nilon ở các nút bấm thang và thay ngày 2 lần để giảm thiểu nguy cơ có thể lây nhiễm.

Nên để chai cồn khử khuẩn tại sảnh lễ tân, trong và ngoài thang máy - những khu vực sử dụng chung là trung gian tiềm ẩn nguy cơ lây chéo virus Corona.

doi pho voi virus corona cu dan va ban quan ly can phai lam gi
Thường xuyên lau chùi, diệt khuẩn khu vực hành lang, thang máy.

Thứ 5, lễ tân toà nhà cần nghiêm chỉnh thực hiện biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Lễ tân của tòa nhà thường xuyên tiếp xúc với cư dân và thường xuyên giao dịch bằng tiền mặt nên biện pháp phòng ngừa càng phải thực hiện triệt để. Do đó, cần phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, tránh việc đưa tay lên mắt, lên miệng, lên mũi. Đồng thời nên trang bị cho nhân viên đeo kính phòng hộ, kính không số khi làm việc phải tiếp xúc với cư dân.

Nhiều khu dân cư còn triển khai biện pháp kiểm soát thân nhiệt cư dân và người ra vào các tòa nhà. Đây chỉ là một trong những biện pháp nhằm tầm soát người có nguy cơ nhiễm bệnh bởi đã có những trường hợp ủ bệnh mà chưa có biểu hiện lâm sàng.

Thứ 6, thái độ xử trí với người nghi nhiễm nCoV: Nếu có những người từ vùng dịch trở về hoặc tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì phải thông báo ngay với các cơ sở y tế và cách ly triệt để.Cho đến nay thời gian ủ bệnh được công bố là từ 2 tiếng đến 14 ngày nên thời gian cách ly là 14 ngày.

Ở một số toà nhà có người phải cách ly, Ban quản lý cho phun thuốc khử khuẩn ngày 3 lần. Tuy nhiên, theo lời khuyên của bác sĩ thì phun thuốc chỉ có tác dụng tương đối, không cần thiết phun ngày 3,4 lần. Bênh cạnh đó, Clo nếu đặc cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nên phải pha đúng tỷ lệ theo quy định.

Trách nhiệm của cư dân

Thứ nhất, không nên nói chuyện, gọi điện trong thang máy. Bởi trong bán kính 2m được khuyến cáo là phạm vi có nguy cơ cao lây nhiễm virus Corona từ giọt bắn của người nhiễm bệnh.

doi pho voi virus corona cu dan va ban quan ly can phai lam gi
Giữ phòng ở luôn thông thoáng.

Thứ 2, giữ phòng luôn thông thoáng. Đối với phòng làm việc cũng như trong nhà thì phương pháp tốt nhất là mở cửa thông thoáng để lưu thông không khí. Hiện nay có 1 số loại tinh dầu có tính sát khuẩn rất tốt như: Tinh dầu sả, tinh dầu quế hay tinh dầu bạc hà, tuy vậy cái đó là ngăn ngừa lây nhiễm tất cả các bệnh nói chung trong không khí, rất tốt khi sử dụng.

Hiện nay, nhiều người dân còn mua bồ kết về xông phòng. Thậm chí, gây khói và báo cháy toà nhà. Theo dân gian xông bồ kết thì có tác dụng diệt khuẩn tuy nhiên chưa có kết quả khoa học chứng minh việc này. Việc xông bồ kết có thể có tác dụng diệt khuẩn nhưng đó là chống ẩm thấp và làm không khí trong sạch hơn, chứ không có tác dụng ngăn chặn lây lan virus.

Thời gian virus có thể tồn tại trong không khí với nhiệt độ thông thường thì khoảng 9 tiếng hoặc trên bề mặt có 1 số bề mặt tồn tại ít hơn, ví dụ như trên nilon chỉ tồn tại khoảng 5 tiếng nhưng tốt nhất là lau bề mặt thường xuyên bằng nước sát khuẩn.

Thứ 3, khi có biểu hiện ho, sốt cần đến ngay cơ sở y tế để xét nghiệm, thăm khám.

Thứ 4, phân biệt được các loại cồn sát khuẩn và nước sát khuẩn. Nhiều người dân sử dụng cồn 90 độ để lau bề mặt và sát khuẩn tay chân. Tuy nhiên, trong ngành y tế hiện nay dùng cồn 70 độ để sát khuẩn mới có tác dụng. Do đó, người dân không nên dùng cồn 90 độ.

Sử dụng nước sát khuẩn tay là hợp lý nhất bởi có nồng độ đúng theo quy định và trong đó có chất nhờn chống cho da tay không bị khô. Vì vậy nên dùng nước sát khuẩn tay chứ không nên dùng riêng cồn để sát khuẩn tay. Khi nước sát khuẩn khan hiếm thì chúng ta sử dụng biện pháp rửa tay bằng xà phòng.

doi pho voi virus corona cu dan va ban quan ly can phai lam gi
Sử dụng nước sát khuẩn tay là hợp lý nhất hoặc chỉ dùng cồn 70 độ.

Thứ 5, hạn chế đi bơi, tập trung nơi đông người. Các tiện ích như bể bơi, phòng gym có thể trở thành trung gian phát tán virus, do đó các tòa nhà cần lưu ý khuyến cáo hạn chế sử dụng bể bơi, kể cả bể bơi nước nóng (trên 25 độ C) vẫn có thể là kênh phát tán virus Corona. Thêm đó, bể bơi cũng là nơi nhiều người hay khạc nhổ nên khuyến cáo phải khạc nhổ tại các vị trí cống thoát nước.

Quần áo mặc hàng ngày là một bề mặt lây nhiễm, cần phải thay ngay trang phục khi từ bên ngoài trở về nhà nghỉ ngơi.

Hiện nay, ở góc độ ngành y tế đã có những thông tin rất vui là con số nhiễm bệnh đã giảm đi và tỷ lệ tự vong của bệnh này không phải lớn, có thể nói chúng ta đã bắt đầu khống chế được dịch. Ở Việt Nam cũng đã có những trường hợp chữa khỏi bệnh và ra viện và ở Trung Quốc hơn 300 người đã khỏi bệnh ra viện.

Tuy nhiên, việc chế ra vắc-xin không thể nhanh chóng. Cho đến bây giờ chưa có thuốc nào diệt được virus cả, tất cả các biện pháp hiện tại đều là phòng ngừa. Do vậy, bảo vệ bản thân, môi trường xung quanh để hạn chế sự lây lan của virus là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Ngọc Hà – Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load