Thứ sáu 19/04/2024 14:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đổi mới mô hình tăng trưởng trong quản lý phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh

15:16 | 26/11/2020

(Xây dựng) - Báo cáo của Liên Hợp Quốc về đô thị năm 2015 đã khẳng định: “…hơn bao giờ hết, các hoạt động diễn ra tại khu vực đô thị đang định hình thế giới của chúng ta…”. Thực tế phát triển tại các quốc gia trên thế giới đã khẳng định vai trò quan trọng của đô thị trong việc đóng góp vào nền kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng cũng đặt ra nhiều hệ lụy của phát triển đô thị nếu không được định hướng quản lý hợp lý khoa học.

doi moi mo hinh tang truong trong quan ly phat trien do thi theo huong xanh thong minh
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ở Việt Nam, tổng thu ngân sách khu vực đô thị cũng chiếm trên 70% tổng thu ngân sách toàn quốc. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống nhân dân đã được cải thiện đáng kể, nền kinh tế hội nhập ở mức cao với kinh tế thế giới…

Mặc dù vậy, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của khu vực đô thị Việt Nam vẫn còn thấp và chưa thực sự bền vững. Ngoài những vấn đề kể trên, đô thị Việt Nam còn đứng trước các rủi ro của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng rõ ràng hơn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 thời gian qua lại một lần nữa đặt ra nhiều thách thức hơn với công tác quản lý phát triển đô thị.

Trong bối cảnh mới, các đô thị trên thế giới đã và đang nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng để hướng đến sự phát triển đô thị bền vững. Mô hình đô thị xanh, thông minh đã được ghi nhận là mô hình của tương lai, có tiềm năng lớn trong việc giải quyết các thách thức đô thị.

Với vai trò là một cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực phát triển đô thị, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về lĩnh vực phát triển đô thị do Bộ làm chủ đầu tư hoặc chủ quản thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ theo phân công, Cục Phát triển đô thị nhận thức rất rõ nhiệm vụ của đơn vị trong việc xây dựng và định hướng các giải pháp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong quản lý phát triển đô thị. Cục đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động nghiên cứu, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.

Đơn cử, Cục chú trọng xây dựng nền tảng tư duy và nhận thức đúng đắn cho cán bộ các cấp trong đơn vị về đổi mới mô hình tăng trưởng. Các cán bộ của Cục Phát triển đô thị đều được huy động và tạo điều kiện tham gia các chương trình, khóa học đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia hội thảo khoa học để cập nhật thông tin, tri thức liên quan mới nhất. Cục luôn coi trọng việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để cùng nâng cao cơ hội cập nhật và hội nhập với tri thức, nhất là tri thức thực tiễn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong quản lý phát triển đô thị trên thế giới.

Những đối tác thường xuyên của Cục là Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, các đô thị thành viên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN, các tổ chức song phương và đa phương như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB), Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hà Lan…

Thông qua các hoạt động này, Cục Phát triển đô thị không chỉ nâng cao kiến thức và nhận thức toàn diện cho cán bộ, mà còn giúp hoàn thiện nhiều tài liệu khoa học nền tảng, hỗ trợ cho quá trình đề xuất và xây dựng chính sách thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong quản lý, phát triển đô thị.

Cùng với đó, Cục xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh. Đây là cơ hội để áp dụng các suy nghĩ, tư tưởng, các kết quả nghiên cứu trong các đề án, dự án của Cục về mô hình tăng trưởng mới, từ đó đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, phát triển mô hình tăng trưởng phù hợp với đặc thù của từng loại đô thị, trước khi nhân rộng các giải pháp cho hệ thống đô thị trên cả nước.

Cục thường xuyên tổ chức, phát động nhiều sự kiện nhằm tăng cơ hội hợp tác, lan tỏa các tri thức về mô hình chuyển đổi tăng trưởng mới đến các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và đối tác phát triển đô thị và cộng đồng như Tuần lễ đô thị xanh, Ngày đô thị Việt Nam 8/11…

Đặc biệt, tháng 7 và tháng 10 vừa qua, tập thể lãnh đạo và nhân viên Cục Phát triển đô thị đã tham gia tổ chức thành công 2 sự kiện quan trọng của Việt Nam trong vai trò là quốc gia Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020. Đó là Hội nghị Thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN 2020 và Diễn đàn đô thị cấp cao về đô thị thông minh năm 2020.

Một chương trình hành động khác cũng rất thành công là Cục nghiên cứu xây dựng các quy định, chương trình, chính sách trình Thủ tướng Chính Phủ, tạo nền tảng pháp lý trong việc từng bước hiện thực hóa lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới.

Điển hình, năm 2018, Cục phát triển đô thị đã tham mưu Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 84/QĐ-TTg và Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam bền vững giai đoạn 2018-2025” tại Quyết định 950/QĐ-TTg…

Những chương trình, đề án này đã tạo cơ sở nền tảng pháp lý quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh và thông minh hơn, bắt kịp xu thế và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đô thị, gia tăng hiệu quả nguồn lực đầu tư và năng lực ứng phó với những thách thức của hệ thống đô thị Việt Nam nói chung và các đô thị nói riêng.

Thông qua các chương trình hành động thực tiễn trên, Cục đã rút ra các bài học kinh nghiệm và phương hướng thực hiện công tác trong thời gian tới: Thứ nhất là luôn bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Xây dựng để có phương hướng hành động đúng đắn; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ để nâng cao sức mạnh tri thức và tranh thủ sự ủng hộ toàn diện.

Thứ hai, xây dựng tư duy nền tảng và thúc đẩy sự phối hợp trong tập thể cán bộ trong đơn vị. Chủ động, kịp thời động viên cán bộ trong việc tự học tập, nghiên cứu trau dồi kiến thức và đề xuất các sáng kiến. Ghi nhận các đóng góp sáng kiến của các cán bộ để tạo động lực và duy trì phong trào thi đua chuyên môn sôi nổi trong đơn vị.

Thứ ba, tranh thủ các nguồn lực từ các mối quan hệ đối tác để hoàn thành nhiệm vụ.

Đến nay, những thành công bước đầu trong việc phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh tại nhiều đô thị ở Việt Nam như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Bình Dương… không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng mà đã củng cố thêm niềm tin về một hướng đi đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhà nước và nhân dân. Nhưng cũng đồng thời đặt thêm những trách nhiệm lớn lao hơn cho Cục Phát triển đô thị trong việc tiếp tục nhân rộng hiệu quả mô hình này trên toàn hệ thống đô thị, đảm bảo sự phù hợp năng lực, tiềm năng đô thị những vẫn giữ được bản sắc đô thị của từng địa phương.

Cục Phát triển đô thị sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thi đua nhằm thực hiện những kế hoạch hành động nêu trên, triển khai các hướng dẫn về xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, các hành lang pháp lý cần thiết giúp hiện thực hóa hiệu quả mô hình phát triển mới phù hợp bối cảnh và đặc trưng văn hóa – kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

TS.KTS Trần Quốc Thái
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load