Thứ bảy 27/04/2024 02:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đôi bờ sông Đuống

19:54 | 23/10/2020

(Xây dựng) - Dòng Đuống ai trôi? Lòng Đuống tôi xuôi. Mắt người một thủa, đằm mùa gái quê. Tình người muôn thủa, hóa thành triền đê. Thênh thênh Đồng Tỉnh, thang thang Huê Cầu. Một chiều đủng đỉnh, sông duềnh dòng mê.

doi bo song duong

Ngày rõ xa vắng hơn, buổi chiều cũng vậy mà dài cong gầy queo, nhoài đôi hài hiền lành của mùa thu đang thoát xác lẩn vào bầy cỏ lau lách xách ngẩn ngơ, dú dớ đông về bá riết bá ráo mấy đường cong bờ đê mà vụng về hun hút.

Những triền quê sông Đuống như những người đàn bà bỗng độ mặn mà, xoai xoải xuống dòng sông cuối mùa còn chưa kịp nguôi ngoai phù sa, lập lờ ngân nga kiêu hãnh. Dòng Đuống từ bao đời hay từ muôn đời chẳng cần phải ngông cuồng tỏ ra vạm vỡ, nó đã đủ thấm tháp nhân gian mà bạo dạn một cách khiêm nhường, khua khỏa nỗi niềm Kinh Bắc… Nỗi niềm Kinh Bắc, những nỗi niềm thức sâu vòm mắt, những đau thương đặt tên oai hùng, những niềm vui không giấu lưng chừng, yêu thương ngập ngừng thành câu Quan Họ.

Có vẻ như những đan cài phân lưu khá đặc biệt của dòng sông đã khiến Đuống là một cái tên có phần quê mùa thô kệch nhưng lại đẹp đến mê màng và trở thành dòng chảy linh ứng với bộn bề giai tầng văn hóa. Mỗi một người dù là ăn đời ở kiếp hay chỉ thấp thoáng đôi lần bước cùng dòng sông thì hầu như đều đã tìm thấy hồn mình lưu thủy. Sông Đuống trôi đi, tỏa nắng Hoàng Cầm.

Lặng lờ quyến luyến Đông Anh, dòng Đuống loanh quanh giã bạn Long Biên rồi nó mềm môi cười hiền như một cô gái ngoan che tay ngoảnh mặt nhìn Gia Lâm thêm một lần nữa để dốc lòng phụng sự quê chồng. Đuống nhắm thẳng hướng đông mà đi, đôi khi nó phô bày sự mảnh mai tinh tế của mình bằng mấy đường nghiêng lụa là lả lướt. Đuống chảy mà dòng nối dòng cứ trườn lên phía trước, nó kẻ mắt về hướng đông, nơi có ánh mặt trời trời hồng khúc xạ thứ màu nâu đỏ giàu có hồn hậu phù sa.

Tôi làm bạn với Đuống cũng vào một buổi chiều bầy cỏ xoăn xoe rối vàng dọc bờ đê mải mê. Cũng giống như buổi chiều nay, mùa đông ngả xuống dòng sông mà ngấm ngầm hoang giá. Người đàn bà Đuống không còn trẻ nữa, nhưng cái lạnh nhạt của mùa đông chỉ làm tăng thêm vẻ ấm nồng mỗi khi Đuống phả những làn khói loang trên mặt nước thản nhiên bình yên.

Hà Nội rồi đông, tuổi trẻ cùng với những lơ đễnh tâm hồn đã dắt tôi qua những ồn ào của thành phố mà lang thang theo dòng sông thi ca. Sông Đuống với con mắt học trò cứ ấp ủ quê mùa mà vẫn lấp lánh những hồi tưởng “em ơi buồn làm chi…” Cảm giác chỉ cần đặt chân xuống triền đê thôi thì buổi chiều đã trở thành một người tình đồng vọng. Thấp thoáng một bóng thuyền hay chỉ một vài bông cải vàng lên vườn ai cũng đủ làm yêu thương òa vỡ. Dòng sông ngan ngát buồn, dòng quê búp nắng, mặt sen…

Buổi chiều nay, không còn là buổi chiều của đứa học trò năm xưa nhìn dòng Đuống lên mùa đông vắng. Trái tim tôi giọt buồn giọt đắng, giọt vơi giọt gầy, giọt vui giọt nắng, ít nhảy nhót hơn, hà tiện cả những lần thăng hoa. Vậy nhưng dòng Đuống vẫn âm thầm đẩy những bồi âm Kinh Bắc rung rinh, dùng dằng mà ngã lòng, người ơi người ở đừng về…

Dọc bờ sông Đuống, dọc những con đường nhỏ lan man thủng thẳng như bầu tâm sự của mấy cô gái quê, màu nâu lịch sử vẫn tái hiện trên những mái đình cong vi cong vút. Buổi cuối thu đầu đông như làm cho dòng Đuống và xứ Kinh Bắc trầm mặc hơn, xa vắng hơn khiến lòng tôi hoài cổ. Mấy vạt cải đã loe hoe vàng, đan xen vài nhành hoa dại cũng chẳng ngại ngần mà vàng dại vàng hoe.

Dọc đường đi, tôi hỏi thăm lối vào nhà một người bạn, mấy đứa con gái nhà ai, nụ cười như hoa lài nở giấc chiêm bao vừa đây mà gió thoảng: Chú này ngố quá. Chết chửa, sao chúng lại gọi mình là chú nhỉ?

Trôi theo dòng Đuống nuối tiếc Đông Hồ, đôi bờ giăng chài một hai Phù Lãng, tai tôi lơ đãng, giật mình Trương Chi, ở đâu thầm thì Thiên Thai đỉnh núi.

Đuống đi già nửa đường về phía đông thì gặp Thiên Thai, từ đây những hình hài xưa cũ lại vươn vai kể chuyện làng thờ An Dương Vương - Mỵ Châu. Chảy sâu thêm chút nữa gần cửa sông Lục Đầu Giang, Đuống mơ màng làng thờ Cao Lỗ Vương: Đông Trung, Bình Than, Văn Than, Kênh Phố, Tiểu Than…

Buổi chiều hiền bóng, bên tả bên hữu nhà kia nhà ai đã lốm đốm ánh đèn, dòng Đuống trôi đi, những cô hàng xén răng đen của Hoàng Cầm lại trở về trong lòng tôi lấp lánh. Sông quê, gái quê, mùa quê, tình quê, lòng dạ nào mê.

Bao giờ về bên kia sông Đuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Người đàn bà Đuống đã đi một quãng đường dài, đã ôm ấp dáng dấp hình hài mà tạo nên một không gian Kinh Bắc vời vợi, ăm ắp, phên dậu phía bắc của kinh thành Thăng Long - Đông Đô. Ai đó như đang khẽ rung lên tiếng lòng Trương Chi, ai đó như khẽ “em ơi buồn làm chi”. Gió đông về có hề gì, dạ tôi thầm thì: dòng Đuống…

Hồ Huy

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load