(Xây dựng) - Ngày 29/6, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã chính thức có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ về thực trang những khó khăn mà các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang phải đối mặt.
Các công trình vốn đầu tư công đang đứng trước nỗi lo chậm tiến độ. |
Trong thời gian vừa qua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội sau Covid-19 các doanh nghiệp xây dựng đều đã phục hồi rất tích cực cố gắng khắc phục mọi khó khăn để triển khai sản xuất kinh doanh. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 so với 6 tháng đầu năm 2021 là một bước tiến dài. Có doanh nghiệp tăng doanh số và sản lượng đến 300% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, về tổng thể so với yêu cầu kế hoạch đặt ra thì vẫn chưa đạt - phần lớn các doanh nghiệp chỉ đạt từ 20- 40% kế hoạch cả năm. So với mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế cả năm đưa GDP tăng trưởng 6,5%-7% thì ngành Xây dựng - một chuyên ngành Kinh tế đóng góp khoảng 12% tổng GDP của cả nước chưa đạt yêu cầu.
Nguyên nhân của việc chưa đạt yêu cầu kế hoạch phát triển là do những khó khăn lớn của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay chưa tìm ra giải pháp khắc phục.
Thay mặt các doanh nghiệp xây dựng, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) báo cáo Thủ tướng về tình hình thực tiễn, trong đó nổi bật là: Biến động giá cả vật liệu quá lớn. Ví dụ: Giá thép nếu tính từ đâu năm 2021 đến nay đã tăng từ 20% - 60% (cao điểm là tăng 60%, hiện nay dịu xuống ở mức trên 20%); giá xi măng từ mức giá 1.400đ/kg (thời điểm quý IV/2020) đến nay là 1.980đ/kg (chưa kể VAT); giá nhựa đường là 11.000đ/kg ở thời điểm cuối 2020 đến nay là 15.500đ/kg... Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao và nếu tính theo tỷ trọng vật tư của cơ cấu giá - thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18% - 30% (tính trung bình cho từng thời điểm). Ví dụ, Tổng công ty Vinaconex - nhà thầu thi công gói thầu đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, ngay khi bắt đầu triển khai thi công tính toán lại tất cả cơ cấu giá ở thời điểm đó đã thấy lỗ 46% (so với giá gói thầu được chủ đầu tư ký hợp đồng). Chính vì tình trạng giá cả vật liệu biến động mạnh nhưng Nhà nước ta chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu nên hiện nay hàng loạt nhà thầu dang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật đường cao tốc Bắc - Nam đang lâm vào tình trạng sống dở, chết dở và khá nhiều nhà thầu hiện nay không dám nhận thầu các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá của ta không cập nhật dược thị trường! Đây là một thực tế đáng buồn và chưa từng xảy ra ờ Việt Nam.
Bên cạnh đó, thủ tục pháp lý đầu tư dự án bất động sản chưa được tháo gỡ do đó số dự án mới chưa đủ nhiều để cung cấp công ăn việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng. Tâm lý e dè ngần ngại, né tránh khá phổ biến trong bộ máy hành chính khi giải quyết các thủ tục cho các dự án nên số dự án mới ngày càng ít hơn dẫn đến tình trạng cạnh tranh phá giá ở một số doanh nghiệp để cố gắng tồn tại, nhưng do cố gẳng thắng thầu bằng mọi giá nên khi thực hiện đều đổ vỡ, công nợ.
Ngành Xây dựng có đặc thù là 70% số lao động là từ nông nhàn nhưng sau Covid-19, việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn. Ví dụ, Thanh Hoá là tỉnh có số thợ hoàn thiện trong xây dựng rất lớn nhưng sau Covid-19 số lao động này không quay lại mà phần lớn ở lại trong quê tìm kiếm công việc khác, cũng vì sự khan hiếm nhân công nên đơn giá nhân công tăng lên đến 25% để cạnh tranh thu hút nhân lực.
Vấn đề tài chính đang là một sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng do công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng. Đặc biệt ở khoảng 20 - 25% cuối của dự án, nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán dược, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ. Mặc dù Hiệp hội nhà thầu đã nhiều lần kiến nghị cũng như đề xuất trong các cuộc họp về cơ chế thanh toán để bảo vệ nhà thầu khỏi bị thua thiệt với các chủ đầu tư nhưng cho đến nay chưa có cơ quan nào lên tiếng.
Các cuộc tranh chấp giữa các chủ đầu tư và nhà thầu phần lớn người chịu thua thiệt là các nhà thầu. Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng siết tín dụng cho vay làm các nhà thầu đã khó khăn càng thêm điêu đứng về tài chính.
Các thủ tục pháp lý về giao nhận thầu còn nhiều rắc rối phức tạp, đối với các nhà thầu vừa mất nhiều thời gian, nhiều chi phí về thủ tục và cơ chế thanh quyết toán cũng còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc phải tuân thủ quy định của Luật PCCC với những tiêu chí đặc biệt cao so với mặt bằng khu vực.
Nguyên vật liệu độc quyền nhập khẩu khiến chi phí tăng quá cao, cơ chế kiểm tra đánh giá các vật liệu còn nhiều điểm bất họp lý vừa gây lãng phí vật tư, tiền của vừa làm khó cho các nhà thầu và chủ đầu tư.
Công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán còn chồng chéo giữa các ngành liên quan khiến các doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian. Đặc biệt tình trạng hồi tố của công tác kiểm toán, thanh tra gây khá nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp (có dự án đã quyết toán xong cả chục năm, kiểm toán vẫn yêu cầu truy thu tiền thì doanh nghiệp lấy đâu ra để nộp).
Với những khó khăn chính như vậy, các doanh nghiệp Xây dựng Việt Nam thật sự đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần. Hiện khá nhiều doanh nghiệp tập trung tìm kiếm công việc ở các dự án FDI vì cơ chế giá của họ hợp lý bám sát giá thị trường vật liệu, cơ chế đấu thầu minh bạch và cơ chế thanh toán sòng phẳng. Nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các công trình vốn FDI. Vì vậy có thể nói đa số các doanh nghiệp Xây dựng Việt Nam đều đứng trước thách thức hết sức khốc liệt!
Trước thực tiễn này, Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam thay mặt các doanh nghiệp xây dựng khẩn thiết đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan giành thời gian gặp mặt lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp xây dựng đế có ý kiến chỉ đạo cụ thể để giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khốc liệt này.
Lê Mỹ
Theo